Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Trưởng Ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh; Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới; Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy; Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên Phạm Đại Dương; Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum Dương Văn Trang, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hoà Nguyễn Hải Ninh tham dự.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gặp gỡ các đại biểu dự Hội nghị. Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN
Cùng dự có một số Đại sứ, Tổng Lãnh sự, đại diện tổ chức quốc tế, lãnh đạo các hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã trao Quyết định Quy hoạch tỉnh Phú Yên thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1746/QĐ-TTg, ngày 30/12/2023 cho lãnh đạo tỉnh Phú Yên.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Bí thư Tỉnh uỷ Phú Yên Phạm Đại Dương đến dự Hội nghị. Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN
Lãnh đạo tỉnh Phú Yên trao quyết định chủ trương đầu tư/chứng nhận đầu tư tới 14 nhà đầu tư với tổng số vốn đăng ký đầu tư gần 10.500 tỷ đồng và 5 Biên bản ghi nhớ nghiên cứu đầu tư với tổng số vốn đăng ký là 128.800 tỷ đồng.
Các lĩnh vực được quan tâm gồm: Dự án Khu du lịch sinh thái Bãi Nồm, Vùng liên kết sản xuất lúa chất lượng cao, thu mua, chế biến xuất khẩu gạo tỉnh Phú Yên, Khu du lịch sinh thái Núi Thơm, Nhà máy sản xuất dược phẩm và sản phẩm chăm sóc sức khỏe theo tiêu chuẩn GMP, Khu chăn nuôi công nghệ cao, Khu liên hợp Gang thép, kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp công nghệ cao, dự án Cụm nhà máy thực phẩm sạch Phú Yên…
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu. Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN
Tạo thêm xung lực để phát triển mạnh mẽ
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh và xúc tiến đầu tư Phú Yên năm 2024 là sự kiện có ý nghĩa quan trọng đúng vào năm Phú Yên kỷ niệm 35 năm Ngày thành lập tỉnh (1989 - 2024). Quy hoạch sẽ tạo thêm động lực mới, sức lan tỏa mới cho Phú Yên bước vào giai đoạn đoạn phát triển mới.
Bản quy hoạch được xây dựng với tư duy đột phá, tầm nhìn dài hạn dựa trên tiềm năng khác biệt về các nguồn lực tài nguyên và văn hóa; đã cụ thể hóa chủ trương của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển vùng Bắc Trung bộ và Duyên Hải Nam Trung bộ; thể hiện khát vọng của nhân dân về một Phú Yên xanh, đẹp, thịnh vượng, hạnh phúc. Quy hoạch tỉnh sẽ là bản “tổng phổ” của các quy hoạch, đóng vai trò định hình không gian phát triển của tỉnh trong mối liên kết chặt chẽ hữu cơ với các tỉnh khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.
Quy hoạch sẽ mở ra cơ hội, không gian phát triển, tạo thêm xung lực để Phú Yên phát triển mạnh mẽ trở thành một trong những trung tâm kinh tế biển xanh của vùng duyên hải Trung Bộ, điểm đến đầu tư hấp dẫn của các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước là các trụ cột, gồm: Kinh tế số, công nghiệp - năng lượng xanh; du lịch dịch vụ chất lượng cao; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; vận tải biển và logistics, trung tâm vận tải biển của vùng.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chúc mừng lãnh đạo tỉnh Phú Yên nhận Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tỉnh Phú Yên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN
Theo Phó Thủ tướng, để đạt được những mục tiêu tham vọng trên Phú Yên cần rút ra các bài học phát triển của các địa phương trong vùng, tiếp tục đổi mới sáng tạo, tìm ra lối đi riêng để trở thành địa chỉ đáng đầu tư, đáng cống hiến, đáng trải nghiệm. Bên cạnh ý tưởng của con người cần kết hợp hài hoà tôn vinh vẻ đẹp của tự nhiên.
Phú Yên xác định năng lượng sạch và hạ tầng số sẽ quyết định sức cạnh tranh của môi trường đầu tư bên cạnh các lợi thế về giao thông. Với tiềm năng rất lớn về năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, các dạng năng lượng mới hydro, Amoniac xanh...), tỉnh cần có tư duy, chọn những nhà đầu tư những lĩnh vực này; có giải pháp đột phá thu hút đầu tư để đi trước một bước dẫn dắt, thúc đẩy đầu tư vào các lĩnh vực luyện kim, lọc, hóa dầu, vận tải biển.
Phó Thủ tướng đồng tình với định hướng đưa du lịch Phú Yên trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, động lực phát triển kinh tế - xã hội. “Đây là lợi thế lớn của tỉnh nhưng cần phải đổi mới cách làm”, Phó Thủ tướng nêu.
Cùng với đó, tỉnh cần có chiến lược liên kết các ngành dịch vụ phụ trợ như dịch vụ tận tải, lưu trú, mua sắm, sức khỏe… để tạo được giá trị gia tăng; thu hút nhiều nhà đầu tư chiến lược để phát triển các tổ hợp du lịch đẳng cấp quốc tế có tính chất điểm nhấn; khai thác tiềm năng di sản văn hóa và thiên nhiên để phát triển du lịch xanh trong xu thế hội nhập.
Tỉnh đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số trong du lịch, nhất là phát triển các tiện ích đặt vé đi lại, cơ sở lưu trú, ẩm thực và các dịch vụ khác cùng với thanh toán điện tử, giới thiệu quảng bá, hình ảnh, nét đẹp thiên nhiên, văn hóa trên môi trường số giúp tiết kiệm thời gian.
Để giải bài toán nguồn lực gồm nhân lực, vật lực, tài lực cho thực hiện quy hoạch, Phú Yên cần triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 15/1/2019 của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và huy động của các nguồn lực của nền kinh tế. tỉnh chú trọng huy động nguồn lực từ chính quy hoạch thông qua đầu tư phát triển hệ sinh thái kinh tế đô thị - công nghiệp- dịch vụ gắn với các công trình hạ tầng hướng tuyến; phát triển các dự án có tính chất động lực, lan tỏa.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà với các nhà đầu tư vào tỉnh Phú Yên. Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN
Là một địa phương ven biển chịu tác động trực tiếp của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, Phú Yên cần chủ động tích hợp các kịch bản thích ứng vào trong các quy hoạch; chú trọng phát triển hệ thống hạ tầng đa mục tiêu cùng các giải pháp công trình và phi công trình. Tỉnh thực hiện tốt công tác khảo sát địa chất, thủy văn trong quy hoạch, thiết kế các các khu dân cư, công trình hạ tầng; giảm thiểu các tác động vào dòng chảy thoát lũ đảm bảo an toàn, bền vững của công trình, tài sản, tính mạng cho nhân dân.
Phú Yên tăng cường tuyên truyền, bảo vệ, sử dụng hiệu quả các tài nguyên thiên nhiên đất đai, nước, khoáng sản, tài nguyên rừng, cảnh quan; phát triển bền vững kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh, khai thác có hiệu quả nguồn lợi thủy sản, phòng, chống khai thác bất hợp pháp; đẩy mạnh đầu tư vào việc bảo tồn, phục hồi, bảo vệ tính toàn vẹn của hệ sinh thái biển và đất liền. Phú Yên cần sớm có giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng làm gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan, hạn hán, xâm nhập mặn...
Phó Thủ tướng đề nghị, ngay sau Hội nghị này tỉnh khẩn trương xây dựng kế hoạch triển khai trên tinh thần chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trong cuộc làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên chiều 2/3/2024 và xác định nội dung trọng tâm, tiến độ và nguồn lực thực hiện các chương trình, dự án trong Quy hoạch; rà soát, lập, điều chỉnh, triển khai các quy hoạch chi tiết, chuyên ngành, phân khu bảo đảm thống nhất, đồng bộ với Quy hoạch tỉnh; công bố công khai, rộng rãi các quy hoạch, quảng bá xúc tiến để thu hút các nguồn lực xã hội...
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Bí thư Tỉnh ủy Phạm Đại Dương khẳng định Phú Yên sẽ tập trung thông tin tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các nội dung của Quy hoạch tỉnh đến các cấp, ngành, cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân, tạo sự thống nhất về nhận thức và sự quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả trong tổ chức thực hiện quy hoạch.
Đối với cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, ông Phạm Đại Dương khẳng định tỉnh Phú Yên cam kết luôn đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi trong khuôn khổ chủ trương, đường lối của Đảng và quy định pháp luật để triển khai đầu tư vào tỉnh. Ông bày tỏ tin tưởng rằng, các dự án được trao quyết định và bản ghi nhớ tại Hội nghị sẽ sớm được hiện thực hóa, trở thành những giá trị mới của doanh nghiệp, của nền kinh tế và là những biểu tượng mới cho sự phát triển thành công của tỉnh Phú Yên trong tương lai.
Theo TTXVN/Báo Tin tức