Điểm tựa y tế của người dân vùng cao

Nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam, chúng tôi có dịp trở về những xã vùng cao trên địa bàn tỉnh để lắng nghe những câu chuyện về ngành, chuyện nghề của cán bộ y tế cơ sở. Với vai trò là tuyến đầu bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, họ đã và đang không ngừng nỗ lực, thực hiện tốt nhiệm vụ của tuyến y tế cơ sở, gần dân nhất, bảo đảm cho mọi người dân được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Được dân quý, dân tin

Đến Trạm Y tế xã Phước Hà (Thuận Nam) vào những ngày đầu xuân mới, chúng tôi thấy rất đông người dân đến khám, chữa bệnh (KCB). Phải nói, có được sự tin tưởng của người dân trong công tác y tế là những ngày không quản ngại ngày đêm, đường xa, tận tụy giúp bà con nơi đây tiếp cận các dịch vụ y tế cơ sở. Trong đó, có những đóng góp của bác sĩ Đạt Tận, Trưởng trạm Y tế xã Phước Hà. Gần chục năm gắn bó với địa bàn miền núi, ông luôn bám sát địa bàn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, hành vi bảo vệ sức khỏe của bà con Raglai, nhất là xóa bỏ các hủ tục lạc hậu trong việc nhờ thầy cúng trị bệnh. Nhờ vậy, mỗi khi có vấn đề sức khỏe, bà con đều đến trạm để được cán bộ y tế tư vấn, thăm khám. Đã có rất nhiều trường hợp được bác sĩ cấp cứu, chữa trị dứt điểm, kịp thời, qua đó góp phần củng cố niềm tin, siết chặt tình cảm gắn bó giữa cán bộ và người dân địa phương. Bà Tà Thía Dinh, ở Thôn Giá, đang đợi bác sĩ khám bệnh, chia sẻ: Do đã lớn tuổi nên tôi mắc phải nhiều vấn đề sức khỏe, trong đó có bệnh lý tăng huyết áp. Nhờ sự quan tâm, giúp đỡ của bác sĩ Tận mà sức khỏe tôi ngày một cải thiện. Không chỉ tôi mà rất nhiều bà con ai cũng quý và biết ơn bác sĩ.

Bác sĩ Đạt Tận, Trưởng trạm Y tế xã Phước Hà (Thuận Nam) thăm, khám sức khỏe cho bệnh nhân. Ảnh: L.T

Với vai trò là người đứng đầu Trạm Y tế xã, bác sĩ Đạt Tận luôn quán triệt đến đội ngũ y tế trong nâng cao tay nghề, y đức, tinh thần phục vụ, coi người bệnh như người thân. Cùng với đó, nhờ sự quan tâm và hỗ trợ của các cấp trong xây dựng cơ sở vật chất, trang bị vật tư y tế nên người dân càng tin tưởng đến KCB. Riêng trong năm 2023, Trạm Y tế xã đã KCB cho 2.464 lượt bệnh nhân, trong đó khám nội trú 2.450 lượt, ngoại trú là 8 lượt, chuyển tuyến 6 trường hợp. Song song đó, bác sĩ Tận còn chỉ đạo đội ngũ y tế thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch, các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế, tiêm chủng; tuyên truyền, kiểm tra công tác vệ sinh an toàn thực phẩm... được ngành Y tế, địa phương ghi nhận và đánh giá cao. Bác sĩ Tận chia sẻ: Địa bàn xã miền núi Phước Hà có đông đồng bào dân tộc, đời sống còn nhiều khó khăn, khối lượng công việc lớn, nhân lực lại ít. Nhưng đội ngũ cán bộ chưa bao giờ thấy chùn chân, luôn ý thức khắc phục khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Bởi không có niềm vui nào lớn bằng việc người bệnh hết cơn đau, giúp người ốm trở nên khỏe mạnh.

Đồng hành cùng sản phụ “vượt cạn”

Ngược lên xã Ma Nới (Ninh Sơn), nơi có hơn 98% là người dân tộc Raglai sinh sống, chúng tôi gặp chị Tà Yên Thị Hạnh, sinh ra và lớn lên tại Thôn Ú, xã Ma Nới. Thấu hiểu nỗi khó khăn của nhiều phụ nữ ở địa phương khi “vượt cạn” tại nhà do tập quán cũ lạc hậu, có những trường hợp sản phụ rơi vào cảnh “thập tử nhất sinh”. Vì vậy sau khi tốt nghiệp y sĩ đa khoa, chị Hạnh đã trở về làm việc tại Trạm Y tế xã Ma Nới.

Gần 17 năm gắn bó với nghề chăm sóc sức khỏe sinh sản, kiêm nữ hộ sinh, công việc giờ giấc không ổn định, sản phụ chuyển dạ giờ nào thì làm việc giờ đó. Những bữa cơm dang dở, những ca trực buổi tối, hay trong đêm đang ngon giấc thì có người gọi điện, gọi cửa vì có người nhà trở dạ chị lại vội vã đến trạm xá không quản ngại đêm, ngày, không nề hà những hôm xuống ca trực. Nhưng với chị Hạnh, được chứng kiến em bé chào đời đó là sự may mắn, công việc đem lại sự bận rộn nhưng cũng là niềm vui, kỷ niệm không thể nào quên được khi chứng kiến khoảnh khắc thiêng liêng của tình mẫu tử. Y sĩ Hạnh chia sẻ: Những ngày đầu bước vào nghề, tôi cũng gặp không ít khó khăn. Đặc biệt là với phong tục của địa phương, nhiều bà mẹ lại chọn việc sinh đẻ tại nhà, rồi được gọi đến trợ giúp trong điều kiện thiếu thiết bị y tế. Nhưng với lợi thế là người bản địa, thấu hiểu phong tục tập quán, tâm tư tình cảm của chị em, tôi đã cùng đội ngũ làm công tác y tế địa phương tranh thủ thời gian đến từng hộ gia đình tuyên truyền, vận động phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ có thai thực hiện các biện pháp chăm sóc sức khỏe sinh sản và sinh đẻ tại cơ sở y tế. Cũng thông qua việc đến nhà, chị Hạnh sẽ ghi chú lại thông tin của sản phụ ở các thôn, từ đó có kế hoạch theo dõi và thường xuyên đến nhà nhắc nhở đi tiêm, khám theo định kỳ. Đối với những trường hợp sắp sinh thì dặn dò chị em theo dõi từng dấu hiệu để gia đình biết có kế hoạch chuẩn bị chở tới trạm sinh. Từ sự tuyên truyền, vận động, cùng với việc được tiếp cận nhiều phương tiện thông tin đại chúng đã từng bước làm thay đổi nhận thức của bà con khi có bệnh cần đến trạm y tế để khám, điều trị; đến nay trên 98% phụ nữ mang thai đều đến cơ sở y tế để sinh con.

Cũng theo chị Hạnh, để có được kết quả “mẹ tròn, con vuông” đòi hỏi “bà đỡ” phải có tâm với nghề, cái nghề không được phép thờ ơ trước tính mạng của bệnh nhân, vì chỉ một chút sơ sót thôi cũng có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Chính vì vậy, để gắn bó với công việc này, chị luôn phải thường xuyên học tập nâng cao trình độ, trang bị đầy đủ kỹ năng chuyên môn, qua đó giúp chị đỡ đẻ thành công không biết bao nhiêu ca sinh khó. Chị cũng không nhớ mình đã đỡ đẻ cho bao nhiêu sản phụ, bao nhiêu em bé đã cất tiếng khóc chào đời trên đôi tay mình. Nhưng khoảng thời gian qua là hành trình giúp chị chứng kiến rất nhiều giọt nước mắt mừng vui, những giọt nước mắt nghẹn ngào của tình mẫu tử, những cái nắm tay, lời cảm ơn từ sản phụ và gia đình là niềm động viên to lớn giúp chị vững tin, yêu công việc mà mình gắn bó bao năm qua.

Qua những tâm sự, chia sẻ của bác sĩ Tận và chị Hạnh, chúng tôi mới thấy đội ngũ cán bộ y tế vùng cao luôn bám thôn, bám dân, là điểm tựa của người dân vùng cao. Dù công việc còn nhiều vất vả, khó khăn, nhưng với trách nhiệm của người thầy thuốc họ vẫn nỗ lực từng ngày, tận tụy với công việc, hết lòng vì bệnh nhân, góp phần củng cố mạng lưới y tế chăm sóc sức khỏe nhân dân.