I. Mục đích, yêu cầu
1. Mục đích
Nâng cao chất lượng công tác thông tin, tuyên truyền về Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN (sau đây viết tắt là Đề án tổng thể), vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021-2030.
Tiếp tục đổi mới các hình thức và phương pháp tuyên truyền trong triển khai thực hiện Chương trình; phát huy kết quả đã đạt được, nhất là nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và Nhân dân về các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước trong thực hiện Chương trình; truyền tải kịp thời thông tin chỉ đạo từ Trung ương đến cơ sở, đồng thời thu thập thông tin, giám sát và phản ánh những khó khăn, vướng mắc từ cơ sở, góp phần thực hiện có hiệu quả, bền vững Chương trình.
Tạo sự đồng thuận của người dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số để thúc đẩy, phát triển kinh tế xã hội, xây dựng đời sống văn hóa trong cộng đồng vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh.
2. Yêu cầu
Công tác truyền thông tuyên truyền phải được tổ chức thường xuyên, có hệ thống, đồng bộ, đa dạng về hình thức, đổi mới về nội dung, đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin để kịp thời đáp ứng yêu cầu triển khai nhiệm vụ của Chương trình. Bám sát đường lối, chủ trương, định hướng của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc và chính sách dân tộc, phổ biến kịp thời những nội dung của Chương trình và các nội dung có liên quan khác đến người dân và được sự đồng thuận, hưởng ứng tham gia, phản hồi của người dân trên địa bàn thực hiện Chương trình.
Nghệ nhân làng gốm Bàu Trúc (Ninh Phước) trình diễn nghệ thuật làm gốm cho du khách xem. Ảnh: Văn Nỷ
Thúc đẩy chuyển đổi tư duy, nâng cao nhận thức và năng lực cho cán bộ cơ sở, người dân và cộng đồng dân cư vùng dân tộc thiểu số nhằm phát huy tinh thần chủ động, tự nguyện, tự giác, phát huy nội lực, sáng tạo, cùng hợp tác, phát huy vai trò chủ thể của người dân trong thực hiện Chương trình.
Tạo động lực để các địa phương phấn đấu thực hiện thành công mục tiêu của Chương trình.
II. Đối tượng, thời gian thực hiện
1. Đối tượng
- Người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
- Cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống cơ quan công tác dân tộc từ tỉnh đến địa phương nói riêng và trong hệ thống chính trị nói chung.
- Các Sở, ban, ngành của tỉnh được giao nhiệm vụ liên quan đến Chương trình.
- Hệ thống chính trị từ tỉnh đến địa phương, người dân liên quan đến triển khai thực hiện, theo dõi, đánh giá, giám sát tình hình việc thực hiện nhiệm vụ về Chương trình tại địa phương.
- Các cơ quan, đơn vị liên quan được giao nhiệm vụ thực hiện công tác truyền thông, tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
- Các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, hợp tác xã, doanh nghiệp tham gia tổ chức thực hiện nhiệm vụ của Chương trình.
2. Thời gian thực hiện: Trong năm 2024.
III. Nội dung truyền thông
- Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan truyền thông, thông tin truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng từ Tỉnh tới cơ sở về các nội dung có liên quan đến dân tộc và công tác dân tộc đặc biệt là những mục tiêu, nhiệm vụ, nội dung, giải pháp trọng tâm của Đề án tổng thể và Chương trình. Định kỳ xây dựng các chương trình, đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh, cấp huyện và cơ sở, ưu tiên tuyên truyền bằng tiếng nói, chữ viết của đồng bào DTTS:
+ Cơ quan chủ trì: Sở Thông tin và Truyền thông, UBND cấp huyện, UBND cấp xã.
+ Cơ quan phối hợp: Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Ninh Thuận; Các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan.
- Tổ chức hội nghị, hội thảo trao đổi kinh nghiệm, cung cấp thông tin về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến lĩnh vực công tác dân tộc, chính sách dân tộc đến các cơ quan truyền thông, hệ thống cơ quan làm công tác dân tộc và các đối tượng liên quan trực tiếp đến Chương trình:
+ Cơ quan chủ trì: Ban Dân tộc, Sở Thông tin và truyền thông, UBND cấp huyện.
+ Cơ quan phối hợp: Các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan.
- Tổ chức tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ truyền thông về Đề án tổng thể và Chương trình đối với đội ngũ cán bộ, công chức cấp huyện, xã; Ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số, chuyển đổi số trong công tác truyền thông, tuyên truyền thực hiện Chương trình; xây dựng, phát triển, bồi dưỡng mạng lưới cán bộ tuyên truyền viên, báo cáo viên, đội ngũ người có uy tín, già làng, trưởng thôn, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền thực hiện Đề án tổng thể và Chương trình bằng nhiều loại hình phong phú:
+ Cơ quan chủ trì: Ban Dân tộc tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông, UBND cấp huyện, UBND cấp xã.
+ Cơ quan phối hợp: Các cơ quan báo, đài; các cơ quan có trang thông tin điện tử, bản tin; Các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan.
- Xây dựng, biên soạn và phát hành một số sản phẩm thông tin về Đề án Tổng thể và Chương trình như: Sổ tay hướng dẫn, cẩm nang tập hợp các văn bản cơ chế chính sách, hướng dẫn thực hiện Chương trình cho các xã, thôn và người có uy tín; Tài liệu phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền chính sách dân tộc:
+ Cơ quan chủ trì: Ban Dân tộc tỉnh.
+ Cơ quan phối hợp: Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan.
- Tổ chức hội thi tìm hiểu pháp luật về lĩnh vực công tác dân tộc cấp tỉnh, cấp huyện (căn cứ theo tình hình thực tế và hướng dẫn của Ủy ban Dân tộc để
triển khai thực hiện):
+ Cơ quan chủ trì: Ban Dân tộc (đối với hội thi cấp tỉnh), UBND cấp huyện (đối với hội thi cấp huyện).
+ Cơ quan phối hợp: Các Sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, địa phương có liên quan.
- Tổ chức hội nghị biểu dương, tôn vinh các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trong thực hiện Chương trình:
+ Cơ quan chủ trì: Ban Dân tộc, UBND cấp huyện.
+ Cơ quan phối hợp: Các Sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, địa phương có liên quan.
- Xây dựng mô hình truyền thông, tuyên truyền mang tính đặc thù, vận động đồng bào tham gia thực hiện Đề án tổng thể và Chương trình phù hợp ở các xã có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn, vùng xa, địa bàn xung yếu:
+ Cơ quan chủ trì: Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, Hội Nông dân tỉnh.
+ Cơ quan phối hợp: Ban Dân tộc, Sở Thông tin và Truyền thông, Liên minh Hợp tác xã tỉnh, UBND cấp huyện.
- Xây dựng các cụm pano, áp phích tuyên truyền cổ động trực quan trên các địa bàn thực hiện Chương trình:
+ Cơ quan chủ trì: Ban Dân tộc.
+ Cơ quan phối hợp: UBND cấp huyện, UBND cấp xã.
- Triển khai các loại hình truyền thông, thông tin đặc thù khác phù hợp phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa của đồng bào DTTS ở các vùng miền:
+ Cơ quan chủ trì: Ban Dân tộc, Sở Thông tin và Truyền thông, UBND cấp huyện.
+ Cơ quan phối hợp: Các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan. - Kiểm tra, đánh giá tình hình triển khai thực hiện công tác truyền thông:
+ Cơ quan chủ trì: Ban Dân tộc, Sở Thông tin và Truyền thông, UBND cấp huyện.
+ Cơ quan phối hợp: Các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan.
IV. Kinh phí thực hiện
1. Kinh phí được bố trí từ nguồn ngân sách phân bổ năm 2024 (bao gồm cả vốn năm 2022 được chuyển nguồn sang năm 2023; nguồn vốn năm 2023 chưa thực hiện giải ngân hết được kéo dài thực hiện sang năm 2024) thực hiện các hoạt động truyền thông, tuyên truyền về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN.
2. Kinh phí hằng năm được cấp có thẩm quyền bố trí cho các cơ quan, đơn vị thực hiện các hoạt động truyền thông, tuyên truyền.
3. Các nguồn kinh phí huy động hợp pháp khác.
V. Tổ chức thực hiện
1. Ban Dân tộc tỉnh
Tổ chức triển khai, theo dõi, đôn đốc thực hiện Kế hoạch; báo cáo tình hình thực hiện Kế hoạch truyền thông về Chương trình và gửi về Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban Dân tộc theo quy định.
2. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh
- Phối hợp và chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc phối hợp để triển khai thực hiện có hiệu quả nội dung Kế hoạch này; vận động các tầng lớp Nhân dân đoàn kết, tích cực tham gia tổ chức, triển khai có hiệu quả Đề án tổng thể và Chương trình.
- Tuyên truyền, vận động doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh hỗ trợ, đóng góp nguồn lực cho việc tổ chức triển khai thực hiện Chương trình.
- Tham gia giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về truyền thông Chương trình theo quy định.
3. Sở Thông tin và truyền thông
- Chỉ đạo các đơn vị truyền thông tăng cường công tác phối hợp thông tin tuyên truyền về Chương trình với nội dung phong phú, phù hợp với đối tượng, vùng miền, bằng nhiều hình thức.
- Ưu tiên hỗ trợ vùng đồng bào DTTS&MN phát triển hạ tầng thông tin truyền thông, từng bước hiện đại, đáp ứng yêu cầu đổi mới của công tác thông tin, truyên truyền trong hội nhập và phát triển.
- Quan tâm triển khai các giải pháp về chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin để truyền thông về Đề án tổng thể và các Chương trình mục tiêu quốc gia ở vùng đồng bào DTTS&MN.
4. Các Sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch này, xây dựng Kế hoạch cụ thể tổ chức thực hiện các hoạt động truyền thông về Chương trình, lồng ghép các nội dung truyền thông của Sở, ban, ngành để tổ chức tuyên truyền sâu rộng tới cán bộ, đảng viên và mọi tầng lớp Nhân dân; bố trí nguồn lực và chỉ đạo kiểm tra, giám sát, tham gia giám sát liên ngành việc triển khai thực hiện truyền thông về Chương trình; tổng hợp, báo cáo tình hình thực hiện truyền thông về Chương trình gửi về Ban Dân tộc định kỳ 6 tháng (trước ngày 20/5/2024), năm (trước ngày 15/11/2024) để tổng hợp, báo cáo Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh, lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban Dân tộc theo quy định.
5. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố
Xây dựng Kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các hoạt động
truyền thông; tổ chức các loại hình tuyên truyền đến mọi tầng lớp Nhân dân trên địa bàn bằng các loại hình phù hợp với bản sắc văn hóa của đồng bào DTTS.
Bố trí nguồn lực và chỉ đạo kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết việc triển khai thực hiện nhiệm vụ truyền thông các Chương trình mục tiêu quốc gia. Định kỳ 6 tháng (trước ngày 20/5/2024), năm (trước ngày 15/11/2024) gửi báo cáo kết quả thực hiện công tác truyền thông Chương trình về Ban Dân tộc để tổng hợp báo cáo Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban Dân tộc theo quy định.
Yêu cầu các Sở, ban, ngành, cơ quan cấp tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố nghiêm túc tổ chức, triển khai thực hiện. Quá trình triển khai thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền, các cơ quan, đơn vị phản ánh về Ban Dân tộc tỉnh để tổng hợp, báo cáo Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh và Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, chỉ đạo giải quyết kịp thời./.
NT