Những con lợn con đầu tiên được biến đổi gen để phát triển các cơ quan phù hợp nhằm mục đích cấy ghép vào cơ thể người của Nhật Bản đã chào đời vào ngày 11/2 vừa qua. Việc vượt qua ranh giới loài để "cấy ghép dị chủng" được kỳ vọng sẽ dẫn đến các phương pháp cấy ghép mới. Các cơ sở nghiên cứu và tổ chức y tế Nhật Bản đặt mục tiêu sớm bắt đầu thử nghiệm cấy ghép trên khỉ và thử nghiệm lâm sàng trên người vào năm 2025.
Công ty liên doanh PorMedTec Co., một công ty con của Đại học Meiji, có trụ sở tại Kawasaki, tỉnh Kanagawa, đã sử dụng tế bào từ lợn biến đổi gen nhập khẩu từ công ty công nghệ sinh học eGenesis của Mỹ để tạo ra lợn con nhân bản.
Hai con lợn con được nhân bản nhằm mục đích lấy nội tạng phù hợp cấy ghép cho người. Ảnh: Kyodo
Cơ thể bệnh nhân thường có phản ứng đào thải mạnh mẽ các cơ quan được cấy ghép từ các loài khác, nhưng tế bào của những con lợn biến đổi gen này đã được thay đổi bằng 10 loại gen liên quan để ngăn chặn phản ứng này. Hơn nữa, khoảng 50 gen đã được "ngắt" để loại bỏ những nguy cơ từ gen lợn đối với cơ thể con người.
PorMedTec đã thiết lập công nghệ vượt qua thử nghiệm mầm bệnh của Bộ Y tế Nhật Bản, bằng cách sử dụng các cơ sở chăn nuôi và thức ăn chuyên dụng dành cho loài lợn dùng để cấy ghép nội tạng này.
Các nhóm nghiên cứu tại các trường đại học và cơ sở y tế trong nước có kế hoạch ghép thận của những con lợn này vào cơ thể khỉ đuôi dài để xác nhận khỉ sống được bao lâu và liệu các cơ quan có hoạt động bình thường hay không. Sau đó, họ hy vọng sẽ tiến hành nghiên cứu lâm sàng trên con người.
Tại Mỹ, một trái tim từ một loại lợn khác đã được ghép cho một bệnh nhân mắc bệnh tim nặng vào năm 2022 và bệnh nhân này đã tạm thời phục hồi chức năng tim. Tiếp theo là một ca cấy ghép khác vào năm 2023. Những con khỉ được ghép thận từ cùng loại lợn với những con sinh vào ngày 11/2 nói trên đã sống sót được hơn hai năm, kết quả đã được công bố trên tạp chí khoa học Nature của Anh.
Theo Mạng lưới Cấy ghép Nội tạng Nhật Bản, năm 2022, tỷ lệ người hiến tạng tại Nhật Bản chỉ là 0,88 trên một triệu người, thấp hơn nhiều so với các quốc gia khác như: Mỹ (44,5), Anh (21,08) và Hàn Quốc (7,88). Trong khi đó, tính đến cuối tháng 1/2024, có đến 14.346 người chờ ghép thận và 861 người chờ ghép tim trên toàn Nhật Bản.
Việc cấy ghép dị chủng được kỳ vọng sẽ làm giảm bớt tình trạng khan hiếm nội tạng như hiện nay, nhưng vẫn có những lo ngại về tính an toàn. Không có quy định nào về cấy ghép dị chủng trong Đạo luật về cấy ghép nội tạng và vẫn còn những thách thức về việc phải tuân theo các thủ tục pháp lý nào để coi cấy ghép dị chủng là một phương pháp điều trị y tế hợp lệ.
Hiroshi Nagashima, người sáng lập và nhà khoa học trưởng của PorMedTec, kiêm giáo sư sinh học sinh sản tại Đại học Meiji cho biết: "Chúng tôi đang hướng tới việc tạo ra những con lợn do Nhật Bản tự phát triển, nhưng hiện tại, chúng tôi đang phải nhập khẩu chúng (tế bào) từ Mỹ".
Ông nói thêm: "Để đảm bảo rằng Nhật Bản không bị tụt hậu trong lĩnh vực cấy ghép dị chủng, chúng tôi cho rằng cách hành động tốt nhất cho nghiên cứu trong nước và tổ chức y tế là trước tiên phải sản xuất được lợn biến đổi gen".
Theo TTXVN/Báo Tin tức