Học sinh Trường THPT Trường Chinh nghiên cứu hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường

Với mục tiêu hỗ trợ bệnh nhân tiểu đường điều trị bệnh, nhóm học sinh Trường THPT Trường Chinh (Ninh Sơn) gồm: Nguyễn Thị Lan Anh và Cao Gia Huy, lớp 10A1 đã tìm hiểu, triển khai thực hiện dự án “Nghiên cứu hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường bằng bột, trà và cao bào chế từ lá xoài non (LXN) trên địa bàn huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận”. Đây là một trong 2 dự án đoạt giải Nhất trong Cuộc thi Khoa học kỹ thuật học sinh trung học cấp tỉnh năm học 2023-2024.

Chia sẻ với chúng tôi, trưởng nhóm Nguyễn Thị Lan Anh, cho biết: Qua theo dõi chúng em nhận thấy bệnh tiểu đường (đái tháo đường) ngày càng trẻ hóa và gây cho người bệnh nhiều biến chứng như suy thận, suy tim, tổn thương võng mạc... Ngày nay, có nhiều loại thuốc điều trị tiểu đường song đều có tác dụng phụ như buồn nôn, nôn, vàng da, ứ mật... Theo Đông y, LXN có vị chua nhẹ, tính mát, có tác dụng giải nhiệt, lợi tiểu, có thể phòng và chữa bệnh tiểu đường vì chứa chất Mangiferin - chất quan trọng giúp điều hòa đường huyết. Ở địa phương, cây xoài được trồng nhiều và phát triển rất tốt. Một năm xoài có thể ra 3-4 đợt lá non tùy loại và thời gian sinh trưởng. Điều này gây khó cho những người muốn sử dụng LXN để chữa bệnh tiểu đường. Để có thể sử dụng LXN quanh năm, chúng em đã nảy sinh ý tưởng và chế biến chúng thành các sản phẩm như bột, trà và cao để thuận tiện cho việc sử dụng.

 

Em Nguyễn Thị Lan Anh và Cao Gia Huy giới thiệu các sản phẩm hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường từ lá xoài non.

Tiến hành bào chế các sản phẩm nói trên, Lan Anh và Gia Huy cùng nhau tìm kiếm, thu hái LXN tại địa phương, sau đó bỏ cuống, rửa sạch, phơi khô. Tiếp đó, các em nghiên cứu bào chế LXN khô thành các sản phẩm bột, trà và cao để thuận tiện cho việc sử dụng. Định tính Mangiferin trong dịch chiết, Lan Anh và Gia Huy hòa tan bột LXN vào nước nóng 80 độ C, lọc bã lấy dung dịch LXN cho phản ứng lần lượt với dung dịch Amoniac, NaOH loãng, FeCl3 5% và Cyanidin tại phòng thí nghiệm của trường. Tất cả các phản ứng hóa học đều thể hiện sự tồn tại của Mangiferin trong dung dịch bột LXN. Kiểm tra chỉ tiêu chất lượng, định lượng hàm lượng Mangiferin và khả năng kháng enzyme alpha-glucosidase, các em lấy 50g cao LXN gửi Viện Công nghệ sinh học và Môi trường (Đại học Tây Nguyên). Phiếu trả kết quả phân tích của Viện Công nghệ sinh học và Môi trường (ngày 27/11/2023) cho kết quả không phát hiện E.coli, Coliform, hàm lượng Pb và hàm lượng Cd; tổng số vi sinh vật hiếu khí và tổng số bào tử nấm meo, nấm mốc < 10CFU/g; hàm lượng Mangiferin đạt 35,98%; khả năng kháng enzyme alpha-glucosidase là IC50 = 43,17µg/mL (IC50 là nồng độ chất thử ức chế 50% hoạt động của enzyme).

Lan Anh cho biết thêm: Từ kết quả nghiên cứu, chúng em thấy rằng sản phẩm bột, trà và cao LXN giữ được các hoạt chất sinh học như LXN tươi, có khả năng làm giảm đường huyết, đạt các tiêu chuẩn an toàn để sử dụng. Người mắc bệnh tiểu đường có thể sử dụng để hỗ trợ điều trị bệnh. Sau Cuộc thi Khoa học kỹ thuật học sinh trung học cấp tỉnh, chúng em tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu ý kiến góp ý từ các thầy, cô giáo, các chuyên gia để hoàn thiện dự án “Nghiên cứu hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường bằng bột, trà và cao bào chế từ LXN trên địa bàn huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận” để tham gia Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học năm học 2023-2024, dự kiến được tổ chức trong tháng 3/2024, tại tỉnh Bắc Giang.