I. Mục đích, yêu cầu:
1. Mục đích:
a) Tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, tổ chức, đoàn thể, cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân đối với công tác đấu tranh PCTNTC, góp phần xây dựng bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động công vụ; củng cố niềm tin của nhân dân, tạo hiệu ứng tích cực lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội, giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
b) Xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc triển khai, thực hiện các biện pháp, giải pháp phòng ngừa, phát hiện, xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, đấu tranh ngăn chặn, xử lý nghiêm minh hành vi nhũng nhiễu gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc trên địa bàn tỉnh.
2. Yêu cầu:
a) Thực hiện đồng bộ với việc quán triệt, thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng về PCTN, các quy định của pháp luật về PCTN, các chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của Tỉnh ủy về PCTNTC. Xác định công tác PCTN là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của các cấp, các ngành. Kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa, chủ động phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm, kịp thời các hành vi tham nhũng.
b) Việc triển khai thực hiện Chỉ thị 10/CT-TTg ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch này phải được tiến hành nghiêm túc, mạnh mẽ, đồng bộ, thường xuyên. Đồng thời, cùng với việc triển khai, thực hiện toàn diện nhiệm vụ chính trị của các cấp, các ngành gắn với việc thực hiện đồng bộ các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về PCTNTC, kịp thời phát hiện, xử lý ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc.
c) Người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải đề cao trách nhiệm nêu gương, gương mẫu việc thực hiện và tăng cường trách nhiệm trong công tác chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, thanh tra thực hiện nhiệm vụ, công vụ, kỷ luật kỷ cương hành chính thuộc phạm vi quản lý nhà nước được giao.
II. Nội dung:
1. Tiếp tục quán triệt thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị số 10/CT TTg ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ gắn với việc đẩy mạnh việc thực hiện nghiêm túc chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về PCTNTC.
2. Tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác PCTNTC:
a) Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương quán triệt, chỉ đạo chặt chẽ, tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà trong giải quyết công việc. Nghiêm chỉnh thực hiện đúng quy định việc tiếp công dân, tiếp nhận những phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của người dân theo đúng quy định. Trước hết người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương phải đề cao trách nhiệm nêu gương, gương mẫu thực hiện và tăng cường trách nhiệm trong công tác chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ, kỷ luật, kỷ cương hành chính thuộc phạm vi quản lý nhà nước được giao. Quan tâm chỉ đạo, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức vững vàng về chính trị, tư tưởng, trong sáng về đạo đức, lối sống, thành thạo về chuyên môn, nghiệp vụ trong quá trình giải quyết công việc của người dân và doanh nghiệp. Kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị thiếu trách nhiệm, để cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền quản lý trực tiếp có hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà đối với người dân, doanh nghiệp; xử lý ngay người đứng đầu có biểu hiện bao che, dung túng nhân viên dưới quyền có hành vi sai trái.
b) Chấn chỉnh công tác quản lý, siết chặt kỷ cương, kỷ luật hành chính, tăng cường kiểm tra, giám sát cán bộ, công chức, viên chức trong hoạt động công vụ, giải quyết công việc liên quan đến người dân, doanh nghiệp; đảm bảo giải quyết dứt điểm, kịp thời các kiến nghị, phản ánh, tố cáo của người dân và doanh nghiệp, tránh tình trạng giải thích không rõ ràng thay vì giải quyết.
3. Thực hiện cải cách hành chính, tăng cường công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị, đổi mới công nghệ quản lý:
a) Tiếp tục rà soát, đề xuất ban hành, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách, pháp luật thuộc phạm vi quản lý mà chưa có, thiếu, chồng chéo, không còn phù
hợp với thực tế; nhận diện nguy cơ tham nhũng theo vị trí việc làm để có biện pháp kiểm tra, giám sát; thường xuyên rà soát để chấn chỉnh, khắc phục ngay những sơ hở có thể gây phiền hà, sách nhiễu đối với người dân, doanh nghiệp; rà soát thủ tục hành chính theo hướng tinh giản, loại bỏ ngay các thủ tục không cần thiết, rườm rà, khó thực hiện, rút ngắn thời gian, đưa ra lộ trình giải quyết; sau khi tiếp nhận hồ sơ, thủ tục hành chính theo quy định, không được yêu cầu doanh nghiệp, người dân bổ sung hồ sơ, tài liệu quá 01 lần.
b) Nâng cao chất lượng công tác đối thoại với doanh nghiệp, người dân theo hướng thực chất, cầu thị; nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, vướng mắc của người dân, doanh nghiệp để giải quyết thực chất, dứt điểm, đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền biện pháp xử lý đối với những bất cập trong quy định của pháp luật (nếu có); công khai thời gian, địa điểm tiếp dân của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trên trang thông tin điện tử (nếu có) và trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức.
c) Công khai địa chỉ đường dây nóng, hộp thư điện tử và tổ chức tiếp nhận, xử lý, giải quyết kịp thời các phản ánh, kiến nghị, tố cáo của người dân, doanh nghiệp, nhất là về hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà; công khai kết quả xử lý, nếu có lỗi thì phải công khai xin lỗi người dân, doanh nghiệp và khắc phục hậu quả, xử lý vi phạm theo đúng quy định; thực hiện định kỳ báo cáo theo quy định về công tác phòng, chống tham nhũng.
d) Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý của các cơ quan hành chính Nhà nước, xây dựng Chính phủ điện tử từ cấp trung ương đến địa phương; đưa ra lộ trình cụ thể để triển khai dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3 trở lên; khắc phục những hạn chế, hình thức tại một số trung tâm dịch vụ hành chính công; tại những nơi thường xuyên tiếp xúc, giao dịch với người dân, doanh nghiệp phải có giám sát bằng công nghệ hiện đại (như ghi âm, ghi hình, giám sát trực tuyến...).
4. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTNTC, phát huy vai trò, trách nhiệm của xã hội trong PCTNTC:
a) Đẩy mạnh việc thực hiện đánh giá sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp đối với hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và các tổ chức cung cấp dịch vụ công, coi đó là thước đo hiệu quả thực hiện nhiệm vụ, công vụ; chú trọng việc giám sát thực hiện quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp và những việc không được làm của người có chức vụ, quyền hạn; thực hiện phương châm kỷ cương, liêm chính, hành động, phục vụ.
b) Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các cơ quan, đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội và các cơ quan truyền thông, báo chí tăng cường các biện pháp tuyên truyền sâu rộng về chính sách, pháp luật; hướng dẫn, khuyến khích người dân, doanh nghiệp sống, làm việc theo Hiến pháp, pháp luật, thực hành liêm chính, không tiếp tay với tiêu cực, tham nhũng, kiên quyết không đưa, không môi giới hối lộ; tuân thủ các quy tắc, văn hóa ứng xử văn minh; tích cực, chủ động tham gia phát hiện các biểu hiện, các hành vi tham nhũng, lãng phí, thông tin kịp thời, chính xác, trung thực
cho các cơ quan chức năng; tôn vinh những điển hình tốt; việc thông tin cần đảm bảo đúng bản chất, sự thật, không suy diễn, chủ quan, đưa thông tin một chiều, sai lệch.
5. Tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ; xây dựng cơ chế giám sát, phát hiện vi phạm:
a) Tiếp tục chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra, nhất là thanh tra, kiểm tra chuyên ngành theo đúng Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ; khắc phục tình trạng chồng chéo, gây phiền hà, sách nhiễu trong hoạt động thanh tra, kiểm tra. Thanh tra tỉnh, các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố thường xuyên chỉ đạo rà soát kế hoạch thanh tra, kiểm tra để tránh tình trạng thanh tra, kiểm tra chồng chéo đối với doanh nghiệp.
b) Tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp nhận, xử lý, giải quyết yêu cầu được bảo vệ của người tố cáo và có chế tài xử lý; có hình thức khen thưởng, động viên, khích lệ đối với những đơn vị, tổ chức, cá nhân thực hiện, chấp hành tốt; kịp thời phát hiện, xử lý những trường hợp vi phạm và công khai danh tính cán bộ vi phạm trên cổng thông tin điện tử; cương quyết xử lý nghiêm những cán bộ, công chức, vi tiêu cực, tham nhũng, đưa ra khỏi bộ máy của Đảng và Nhà nước; không xử lý hành chính mà phải xử lý hình sự nghiêm minh đối với hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà với người dân, doanh nghiệp đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm theo quy định của pháp luật.
c) Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị Hội đồng nhân dân các cấp, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các cơ quan, đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội, tăng cường hoạt động giám sát trong thực thi công vụ của các cơ quan, tổ chức, công chức, viên chức nhà nước nhằm góp phần ngăn chặn, xử lý có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.
III. Tổ chức thực hiện:
1. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố khẩn trương xây dựng kế hoạch, phổ biến quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc Kế hoạch này; chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh khi để xảy ra nhũng nhiễu, gây phiền hà, tham nhũng trong cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của mình; báo cáo kết quả thực hiện hàng quý, 6 tháng, năm hoặc đột xuất khi có yêu cầu của Ủy ban nhân dân tỉnh (thông qua Thanh tra tỉnh để tổng hợp).
2. Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Thanh tra tỉnh, các cơ quan, đơn vị có liên quan tăng cường đôn đốc, kiểm tra thường xuyên, đột xuất hoạt động thực thi công vụ để kịp thời, phát hiện, xử lý ngay hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà trong giải quyết công việc của người dân, doanh nghiệp; bảo đảm xử lý nghiêm, kịp thời, đồng bộ với quy định về xử lý kỷ luật của Đảng.
3. Sở Thông tin và truyền thông, Báo Ninh Thuận, Đài phát thanh truyền hình tỉnh xây dựng trang, chuyên mục để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTNTC, nêu gương những điển hình tốt, phát huy vai trò, trách nhiệm đối với xã hội.
4. Thanh tra tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan rà soát kế hoạch thanh tra, kiểm tra của đơn vị để khắc phục tình trạng thanh tra chồng chéo đối với các doanh nghiệp, gây phiền hà, sách nhiễu trong hoạt động thanh tra theo đúng Chỉ thị 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ. Đảm bảo đường dây nóng và hộp thư điện tử thông suốt để tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh, khiếu nại, tố cáo về hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà đối với người dân, doanh nghiệp, bảo đảm xử lý kịp thời, nghiêm minh; tổng hợp kết quả thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định.
5. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Hội đồng nhân dân tỉnh tăng cường hoạt động giám sát trong thi hành công vụ của các cơ quan, tổ chức, công chức, viên chức nhà nước, góp phần ngăn chặn, xử lý hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp và phối hợp với các cơ quan chính quyền các cấp trong quá trình thực hiện./.
NT