Tại huyện Thuận Bắc, trên những cánh đồng lúa lớn diện tích gần 300ha tại các xã: Bắc Phong, Bắc Sơn, Lợi Hải,... ngay từ sáng sớm mùng 3 Tết nông dân đã tất bật với công việc, người dặm lúa, người bón phân, phun thuốc trừ sâu. Anh Nguyễn Văn Hà, thôn Ba Tháp, xã Bắc Phong, chia sẻ: Vụ lúa đông - xuân 2023-2024 các hộ sử dụng giống xác nhận, gieo sạ đồng loạt, đến nay đã gần 1 tháng. Riêng gia đình tôi canh tác 5 sào, đây là thời điểm lúa đang phát triển thân, lá, tôi đều dành thời gian chăm sóc, kiểm tra tình hình, tỉa dặm những chỗ dày quá hoặc thưa quá để đảm bảo lúa mọc đồng đều, tránh ảnh hưởng đến năng suất.
Nông dân huyện Thuận Bắc ra đồng chăm sóc cây trồng vụ đông - xuân. Ảnh: H.Lâm
Trên những cánh đồng chuyển đổi, không khí ra đồng chăm sóc cây trồng của bà con cũng diễn ra nhộn nhịp. Vụ đông - xuân năm nay, toàn huyện Thuận Bắc thực hiện chuyển đổi 44,2ha cây trồng, chủ yếu là các loại rau màu, cỏ chăn nuôi. Anh Nguyễn Huy, thôn Ấn Đạt, xã Lợi Hải, cho biết: Gia đình sản xuất 2 sào ớt và 1,5 sào dưa hấu. Hiện ớt đã thu hoạch, dưa hấu chuẩn bị cho thu hoạch. Mặc dù vui Tết, nhưng tôi không quên nhiệm vụ làm cỏ, theo nước giữ ẩm, bón phân cho cây trồng.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thuận Bắc, năm nay lượng nước tại các hồ chứa trên địa bàn tương đối ổn định, vụ đông - xuân toàn huyện gieo trồng 3.657ha cây trồng các loại. Với mục tiêu nâng cao hiệu quả sản xuất, nhiều giải pháp kỹ thuật đã được huyện chỉ đạo triển khai như: Tổ chức tập huấn, hướng dẫn người dân áp dụng kỹ thuật “1 phải, 5 giảm”, “3 giảm, 3 tăng”, khuyến cáo sử dụng giống từ cấp xác nhận trở lên, giống ngắn ngày chống chịu sâu bệnh tốt.
Cùng với nông dân các địa phương trong tỉnh, đầu xuân mới bà con nông dân huyện Bác Ái phấn khởi ra đồng chăm sóc cây trồng mang theo ước vọng một năm “mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu”. Có mặt tại cánh đồng lớn sản xuất lúa ở xã Phước Chính, chúng tôi ghi nhận không khí lao động rất sôi nổi của nông dân địa phương. Ông Katơr Lĩnh ở thôn Núi Rây, phấn khởi: Thời tiết thuận lợi, lượng nước ở các hồ dồi dào, sau khi thu hoạch lúa vụ mùa với niềm vui được giá, bà con tranh thủ cày đất xuống giống vụ đông - xuân cho kịp thời vụ. Hiện nay, bà con đang tập trung ra đồng chăm sóc cây lúa và các loại cây trồng khác với kỳ vọng mùa màng bội thu.
Trên cánh đồng sản xuất lúa, mì, hoa màu ở các xã: Phước Đại, Phước Thắng, Phước Tiến, Phước Hòa,... không khí lao động cũng diễn ra nhộn nhịp, bà con ai nấy đều vui tươi, phấn khởi. Chị Chamaléa Thị Lam ở thôn Suối Đá, xã Phước Tiến, vui vẻ: Niên vụ mì vừa qua gia đình tôi thu hoạch được hơn 10 tấn mì, thu lãi trên 12 triệu đồng nên có điều kiện đón Tết đầm ấm. Đầu xuân mới gia đình tôi tập trung chăm sóc cây mì niên vụ mới với kỳ vọng đạt năng suất và giá bán cao. Vụ đông - xuân 2023-2024, huyện Bác Ái xuống giống với diện tích 1.800ha cây trồng các loại; trong đó, cây lúa 760ha, cây màu 1.040ha. Nhờ thời tiết thuận lợi, nên các loại cây trồng phát triển tốt.
Nông dân xã Phước Hòa (Bác Ái) chăm sóc vườn bưởi da xanh. Ảnh: Kha Hân
Ngày đầu xuân mới, nông dân huyện Ninh Sơn đồng loạt ra đồng sản xuất với tâm trạng phấn khởi. Ngay từ sáng sớm mùng 3 Tết, tranh thủ thời tiết thuận lợi, nông dân thôn Phú Thủy, xã Mỹ Sơn tích cực ra đồng thăm ruộng lúa, theo nước trong tiếng cười nói xen lẫn lời thăm hỏi chúc mừng đầu xuân. Phấn khởi vì vụ lúa trước được mùa, được giá nên vụ đông - xuân này chị Phạm Thị Sen đã mở rộng diện tích sản xuất. Chị Sen chia sẻ: Gia đình tôi canh tác 6 sào lúa, sau nghỉ Tết gia đình tích cực chăm sóc cây lúa với hy vọng sẽ có một mùa vụ bội thu. Tại xã Nhơn Sơn, nông dân trồng táo cũng hối hả thu hoạch táo bán cho thương lại. Ông Phạm Tấn Đạt, thôn Lương Cang, phấn khởi: Táo được thương lái thu mua từ 10.000-15.000 đồng/kg, ngày đầu xuân mới tôi hái được 500kg táo bán tại vườn thu được 7,5 triệu đồng.
Nông dân xã Nhơn Sơn (Ninh Sơn) thu hoạch táo. Ảnh: Kim Thùy
Tại huyện Thuận Nam, trên cánh đồng muối công nghiệp ở thôn Quán Thẻ, xã Phước Minh, không khí lao động đầu xuân cũng rất nhộn nhịp. Hàng chục lao động của Công ty Cổ phần Muối Cà Ná Ninh Thuận đang chăm chỉ làm việc, pha lẫn tiếng chuyện trò rôm rả. Chị Kim Liên, chia sẻ: Sau những ngày nghỉ tết Nguyên đán, công nhân của công ty đã trở lại làm việc. Làm nghề nào thì quen với nghề đó, nghỉ lâu quá lại thấy nhớ “nghề”, muốn được đi làm sớm. Thời tiết đầu xuân nắng ấm, ai cũng tranh thủ xuống đồng để thu hoạch muối. Diêm dân Trần Văn Châu ở thôn Quán Thẻ 1, cho biết: Thời tiết đầu xuân nắng ấm, hạt muối kết tinh trắng, giá muối ổn định, tạo động lực cho diêm dân hăng say lao động.
Công nhân Công ty Cổ phần Muối Cà Ná Ninh Thuận (Thuận Nam) sản xuất đầu xuân. Ảnh: Anh Thi
Đầu xuân mới, ngư dân ở các xã ven biển cũng đã ra khơi đánh bắt. Sau lễ khai cửa biển đầu năm vào mùng 3 Tết, ngư dân của hai xã đã làm lễ xuất bến đánh bắt hải sản. Anh Nguyễn Văn Phát ở thôn Lạc Tân 1, xã Phước Diêm, tâm sự: Bà con mong ước đầu xuân thời tiết thuận lợi, anh em bạn thuyền ra khơi vào lộng an toàn, khai thác được nhiều hải sản.
Ngay từ sáng mùng 3 Tết, ngư dân Ninh Hải cũng đã ra quân đánh bắt đầu xuân. Tại cảng cá Mỹ Tân, cảng cá Ninh Chữ tấp nập ngư dân chuẩn bị nhu yếu phẩm, xăng dầu, đá để vươn khơi đánh bắt hải sản. Theo anh Nguyễn Tấn Tú, chủ tàu cá ở thị trấn Khánh Hải, cho biết: Với ngư dân, chuyến biển đầu xuân là quan trọng nhất, quyết định đến hiệu quả khai thác cả năm. Mặc dù đang là thời điểm vui xuân, nhưng sáng mùng 3 Tết tôi cùng với 16 thuyền viên kiểm tra thiết bị tàu, chuẩn bị các nhu yếu phẩm cần thiết để “xông biển” đầu xuân mới.
Ngư dân Ninh Hải khai thác hải sản đạt sản lượng cao trong dịp đầu xuân. Ảnh: T.Thịnh
Anh Nguyễn Trần Minh, chủ một tàu cá ở thôn Khánh Hội, xã Tri Hải, cho biết: Đầu xuân mới giá các loại hải sản cao, ngư dân tin tưởng chuyến đi biển đầu xuân thắng lợi. Anh em thuyền viên trên tàu không quên mang theo bánh tét, củ kiệu, mang hương vị Tết lên tàu ra biển, thêm phần ấm cúng những ngày đánh bắt đầu xuân. Hy vọng đầu xuân “mưa thuận, gió hòa”, gặp luồng cá lớn, ngư dân đánh bắt hải sản nặng lưới, đầy khoang.
Nhóm PV-CTV