Những “báu vật sống” của buôn làng

Cũng như các dân tộc thiểu số khác theo mẫu hệ, vai trò của người phụ nữ Raglai Ninh Thuận giữ vị trí chủ đạo trong sản xuất, đời sống. Đồng thời, phụ nữ họ còn thể hiện khá rõ nét ở việc gìn giữ và truyền dạy, chuyển giao vốn văn hóa văn nghệ dân gian của cộng đồng. Những người mẹ, người phụ nữ trong mỗi gia tộc Raglai giữ vai trò quan trọng, không chỉ trong sản xuất, sinh hoạt, tâm linh mà còn là “cái nôi” gìn giữ văn hóa gia tộc, văn hóa làng. Họ chính là những “báu vật sống” của các buôn làng Raglai.

(NTO) Cộng đồng Raglai tỉnh Ninh Thuận có khoảng 50.000 người, chiếm gần 50% dân số người Raglai cả nước. Hình thái xã hội truyền thống gia đình của người Raglai theo mẫu hệ nên vai trò người mẹ thường chi phối toàn bộ hoạt động của palay như: Lao động sản xuất, tín ngưỡng tâm linh, sinh hoạt nghệ thuật. Lâu nay, nhiều nhà nghiên cứu văn hóa dân gian vẫn nghĩ rằng người Raglai không có sử thi, nhưng đến năm 2000, khi nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hải Liên gặp được cụ bà Katơr Thị Cuống và con gái út Katơr Thị Sính thì ông mới phát hiện người Raglai Ninh Thuận có sử thi. Khi nghe hai mẹ con bà Katơr Thị Cuống hát kể, ông đã ghi lại được nhiều sử thi và đã có 4 sử thi được Bộ Văn hóa- Thông tin công nhận và đưa vào bộ sử thi Tây Nguyên.

Đội mã la huyện Bác Ái biểu diễn tại thủ đô Hà Nội trong dịp mừng xuân Tân Não- 2011.

Gia tộc Katơr ở xã Phước Tân đã may mắn còn bà mẹ cả thứ nhất là Katơr Thị Cuống và mẹ cả thứ hai là Katơr Thị Sính. Đây là hai nghệ nhân “báu vật sống“ còn lưu giữ được gần như toàn bộ sử thi Raglai ở Ninh Thuận- di sản văn hóa của tổ tiên, của văn hóa làng xưa cho đến hôm nay. Giọng hát sôi nổi, mộc mạc chân tình, âm điệu trầm bổng và chính sự say sưa hát kể sử thi của mẹ cả Katơr Thị Sính đã làm cho núi rừng ông bà thêm lung linh, huyền bí. Những đêm hát kể sử thi ở xã miền núi Phước Tân và những người hát sử thi như mẹ cả Katơr Thị Sính giờ đây không còn nhiều. Mỗi khi có dịp, giọng hát kể sử thi của mẹ cả Katơr Thị Sính như thôi miên những ai có mặt nơi đây để được trở về với cội nguồn, được nghe những truyền thuyết về các anh hùng của dân tộc… Từ xa xưa, người Raglai Ninh Thuận rất thích nghe hát kể sử thi. Sau một ngày mệt nhọc ở nương rẫy, tối đến mọi người cùng quây quần quanh đống lửa để nghe các nghệ nhân hát kể sử thi. Đêm càng khuya giọng hát càng huyền bí, càng cuốn hút say đắm lòng người.

Nghệ nhân Vi Nhông Nam hướng dẫn cách đánh mã la cho các em thiếu niên xã Ma Nới, Ninh Sơn.

Như nhiều dân tộc khác trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam, người Raglai Ninh Thuận có nền văn hóa văn nghệ dân gian đặc sắc. Trong đó, mã la được xem là một nhạc cụ tiêu biểu của người Raglai. Nó là tài sản quý giá nhất, là vật gia bảo trong mỗi gia tộc và là “vật thiêng” trong đời sống cộng đồng của người Raglai. Phải chăng người Raglai theo chế độ mẫu hệ nên các bộ mã la luôn phản ánh trung thực hình thái xã hội truyền thống đại gia đình mẫu hệ của người Raglai cổ xưa. Mỗi bộ mã la có từ 2, 3, 5 đến 9 chiếc. Mỗi chiếc mã la đều mang tên những bà mẹ theo ngôi thứ trong một đại gia đình như: Mẹ cả Ina Mui, tiếp đến là các mẹ thứ Ina Dara , Ina Ruwơ….. Chiếc mã la lớn nhất, có âm trầm và giữ nhịp cho toàn bộ mã la luôn mang tên là mẹ cả, tức là người có quyền lực cao nhất trong gia đình cổ xưa của người Raglai. Mã la nhỏ nhất mang tên cô con gái út. Tuyệt nhiên ta không hề thấy có chiếc mã la nào được gọi là mã la cha. Từ sự phân biệt ngôi thứ của các bà mẹ trong bộ Mã la mà việc sắp xếp Mã la trong dàn nhạc cũng được sắp xếp như vậy để dẫn dắt các mã la khác tấu theo.

Người Raglai vốn ít thổ lộ tình cảm bằng lời nói. Mã la là nhạc cụ duy nhất trong gia tộc để mọi người gởi gấm tình cảm, ước mơ và giáo dục con cái luôn nhớ về cội nguồn, ý thức gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc. Từ xa xưa cho đến nay, người đánh nhạc cụ mã la dường như chỉ dành cho nam giới. Vậy mà ở Ninh Thuận lại có nhiều gia tộc đã hình thành những đội mã la nữ với vai trò quan trọng của người mẹ cả. Bà Chamaléa Thị Mến là thế hệ thứ 3 của gia tộc Chamaléa ở xã Phước Thắng, huyện Bác Ái giữ vị trí là mẹ cả. Bà vừa là mẹ của 5 người con gái trong gia đình họ Chamaléa, vừa là “mẹ cả” đang giữ chiếc mã la lớn nhất, có tiếng to nhất, có âm trầm nhất trong bộ mã la 5 chiếc của dòng họ Chamaléa ở thôn Ma Oai xã miền núi Phước Thắng.

Đã vào tuổi 70, bà Chamaléa Thị Mến chợt nhận ra mình đang giữ một di sản văn hóa của ông bà để lại và bà hiểu rằng không thể mang theo những di sản qúi báu ấy của cộng đồng khi về với tổ tiên. Vì vậy, bà đã dạy cho con cháu trong gia tộc biết hát sử thi, đánh mã la và thành lập một đội mã la nữ gồm những đứa con gái của bà. Ngày nay, nhạc cụ mã la không còn nhiều, tiếng mã la đã bớt vang vọng núi rừng ông bà. Đó không chỉ là nỗi lo của những người làm công tác bảo tồn văn hóa văn nghệ dân gian, mà còn là nỗi niềm trăn trở của những người mẹ cả Raglai như bà Chamalea Thị Mến. Bởi mã la mất đi, là cái hồn của núi rừng ông bà mất đi. Trong nỗi niềm ấy, bà mẹ cả Chamalea Thị Mến đã quyết tâm phải gìn giữ, phải truyền dạy cho con cháu yêu quí vốn văn nghệ dân gian đặc sắc của dân tộc. Đôi tay của mẹ cả Mến giờ đã yếu, không thể cùng các con đánh mã la sau những mùa nương rẫy. Thế nhưng mẹ cả Mến vẫn luôn có mặt và cầm tay chỉ từng động tác cho con cháu đánh mã la.

Đội mã la nữ gồm 5 người con của bà Chamalea Thị Mến giờ không thể thiếu trong các lễ hội của gia tộc, của làng. Không những thế, đội còn tham gia biểu diễn ở các Hội diễn trong và ngoài tỉnh. Qua mỗi lần biểu diễn, đội luôn nhận được sự cổ vũ nồng nhiệt của khán giả, của cộng đồng. Để rồi, nhiều gia tộc đã học tập và xây dựng những đội mã la nữ, mã la thiếu nhi. Trước đây việc sử dụng các nhạc cụ dân tộc truyền thống, trong đó có mã la chủ yếu dành cho người đàn ông Raglai, còn người phụ nữ hầu như chỉ lo việc nương rẫy và chăm sóc con cái. Ngày nay, phụ nữ Raglai đã vượt ra khỏi nếp nhà, tham gia vào công tác xã hội và đang trở thành lực lượng “chủ công“ trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Tuy nhiên, điều này khó có thể trở thành hiện thực nếu thiếu đi những người mẹ cả tâm huyết như Chamalea Thị Mến, Katơr Thị Sính trong việc giữ gìn vốn văn hóa văn nghệ dân gian của cộng đồng.

Trong nhịp sống sôi động, hối hả của xã hội đương đại, lớp thanh thiếu niên Raglai hôm nay đã bớt yêu thích sử thi, không biết đánh mã la. Vì vậy, cùng với việc truyền dạy của ngành Văn hóa- Thể thao- Du lịch tỉnh Ninh Thuận, các mẹ cả, nghệ nhân dân gian Raglai cũng đang miệt mài truyền dạy, chuyển giao cho con cháu. Đêm đêm, sau những giờ lao động vất vả trên nương rẫy, trong ngôi nhà sàn ấm cúng, các bà mẹ thường hát sử thi, dạy con cháu đánh mã la với suy nghĩ mưa lâu sẽ thấm, rồi những âm vang hồn thiêng của cộng đồng sẽ lay động trong tâm thức của con cháu biết yêu quí, trân trọng di sản văn hóa dân gian của ông bà để lại. Ngày nay, ở gia tộc nào của người Raglai còn mẹ cả (người tộc trưởng của gia tộc) thì còn lưu giữ “vốn liếng“ văn hóa đặc sắc và phong phú của cộng đồng. Và quan trọng hơn, họ là người gìn giữ, truyền dạy và chuyển giao vốn văn hóa- văn nghệ dân gian cho con cháu hiệu quả nhất.

Văn hóa văn nghệ dân gian Raglai chỉ tồn tại bền vững trong không gian làng, trong mỗi gia tộc. Vì thế, những nỗ lực của các bà mẹ cả là những “báu vật sống“ của gia tộc Raglai đang góp phần làm cho nền văn hóa văn nghệ dân gian Raglai luôn được bảo tồn và phát triển rực rỡ, lung linh sắc màu. Văn hóa- văn nghệ dân gian của cộng đồng người Raglai Ninh Thuận ngày càng phong phú, đa dạng, đó là nhờ ý thức, sự nỗ lực của cả cộng đồng. Trong đó, có vai trò đặc biệt quan trọng của người mẹ, người phụ nữ Raglai đang nỗ lực gìn giữ, truyền dạy và chuyển giao di sản văn hóa dân gian Raglai.

Văn hóa- văn nghệ dân gian Raglai luôn chứng tỏ sức sống nội sinh mãnh liệt của cộng đồng Raglai Ninh Thuận để làm động lực cho mọi người vững tin vào cuộc sống no ấm hôm nay và mai sau. Những người mẹ cả, những ‘báu vật sống” của buôn làng như Katơr Thị Sính, Chamalea Thị Mến không còn nỗi lo đơn độc về sự gìn giữ và phát huy văn hóa văn nghệ dân gian của dân tộc Raglai vốn được truyền giữ từ ngàn đời nay.