Trong chuyến công tác vào dịp đầu năm mới, chúng tôi ghé thăm CĐL sản xuất nho ở thôn Thái An, xã Vĩnh Hải (Ninh Hải). Những vườn nho trĩu quả trải dài trên tuyến Tỉnh lộ 702 nhìn rất bắt mắt. Đang chăm sóc hơn 1,3 sào nho giống NH01-152 chín bói, ông Đoàn Văn Hoàng ở thôn Thái An, phấn khởi: Từ ngày làng nho Thái An được quy hoạch theo mô hình sản xuất CĐL thì bà con thấy hiệu quả kinh tế mang lại rất rõ rệt. Sản xuất nho theo mô hình CĐL giúp tiết kiệm chi phí, tăng năng suất, tăng giá trị và nâng cao chất lượng nông sản. Hiện nay sản phẩm nho ở địa phương đa dạng với nhiều giống như: Nho đỏ giống Red Cardinal, nho ăn tươi NH01-152, nho kẹo, nho xanh... được khách du lịch trong và ngoài nước rất ưa chuộng, qua đó giúp kinh tế của người dân ngày càng phát triển đi lên. Hiện nay, trên địa bàn huyện Ninh Hải có khoảng 438ha đất trồng cây nho, riêng tại xã Vĩnh Hải, cây nho bén duyên với người dân nơi đây từ những năm 1993, qua quá trình sản xuất, nhận thấy cây nho phù hợp với thổ nhưỡng địa phương, đem lại hiệu quả kinh tế nên bà con đã dần mở rộng diện tích. Đến thời điểm hiện tại, diện tích sản xuất cây nho tại địa phương phát triển lên trên 180ha. Theo ước tính, nếu chăm sóc tốt, bình quân mỗi năm người trồng nho thôn Thái An thu lãi từ 400-500 triệu/ha. Với thu nhập hiện tại, người trồng nho đảm bảo ổn định kinh tế hộ gia đình.
Nông dân huyện Bác Ái đưa cơ giới vào thu hoạch lúa trên cánh đồng mẫu lớn.
Ông Nguyễn Khắc Phòng, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Thái An, cho biết: Nhằm tạo điểm nhấn cho dòng nho ăn tươi chất lượng cao của tỉnh nhà, HTX đang trồng nhân rộng giống nho mới NH01-152 tại làng nho Thái An. Nhờ đáp ứng các tiêu chí sản xuất, sản phẩm nho ăn tươi NH01-152 của HTX được xếp hạng sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh. Cùng với sản phẩm nho NH01-152, HTX còn có 7 sản phẩm khác đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao gồm nho sấy không đường, nho hồng sấy, nho đỏ, mật nho, rượu nho, táo sấy, mứt rau câu Hồng Vân. Các sản phẩm được xếp hạng OCOP đã góp phần khẳng định giá trị sản xuất, tạo động lực cho HTX đẩy mạnh sản xuất, quảng bá để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Qua đó, giúp du khách có thêm nhiều sự lựa chọn sản phẩm khi tới du lịch tại làng nho Thái An.
Ngược lên huyện vùng cao Bác Ái, đến thăm CĐL sản xuất lúa nằm ở 2 thôn Suối Rớ và Suối Khô. Điều làm chúng tôi ấn tượng là những ruộng lúa chín vàng trải dài của bà con đồng bào Raglai nơi đây. Từ 11 hộ với diện tích 4,6ha ban đầu, đến nay đã tăng lên trên 60 hộ với diện tích gần 23ha, năng suất bình quân đạt 5,5-6 tấn/ha. Đang thu hoạch 6 sào lúa giống Đài Thơm 8, ông Kadá Tý ở thôn Suối Khô, phấn khởi: Trước đây mình sản xuất theo kiểu truyền thống năng suất lúa chỉ từ 3-4 tạ/sào. Từ ngày chuyển sang mô hình CĐL, các hộ cùng áp dụng một giống lúa, cùng quy trình canh tác và được cán bộ hướng dẫn kỹ thuật bón phân, phun thuốc nên năng suất lúa trung bình từ 5-6 tạ/sào, cao hơn từ 1-2 tạ/sào so với trồng lúa theo phương thức truyền thống trước kia. Vụ này giá lúa khô từ 9.000-9.200 đồng/kg, đây là giá cao nhất từ trước đến nay nên bà con rất phấn khởi, có thêm thu nhập để mua sắm trong dịp Tết. Cùng chung niềm vui, bà Chamaléa Thị Phượng ở thôn Suối Khô, chia sẻ: Từ ngày tham gia mô hình CĐL gia đình tôi tham gia liên kết với HTX Nông nghiệp Dịch vụ tổng hợp Phước Chính để sản xuất lúa chất lượng cao. Khi tham gia liên kết, nông dân được HTX đầu tư phân bón, giống, hỗ trợ kỹ thuật. Lúa sau khi thu hoạch được HTX thu mua, nông dân không sợ bị thương lái ép giá nên bà con rất yên tâm sản xuất để phát triển kinh tế gia đình.
Mô hình CĐL sản xuất lúa ở xã Phước Chính triển khai giai đoạn 1 trong thời gian qua đã khẳng định hiệu quả cả về kinh tế và xã hội, qua đó, nâng cao nhận thức của cán bộ và nhân dân trong chuyển đổi phương thức canh tác và đầu tư trong sản xuất lúa, xây dựng vùng sản xuất nông sản hàng hóa lớn, góp phần thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh. Đồng chí Nguyễn Quốc Hoàn, Chủ tịch UBND xã Phước Chính cho biết: Triển khai xây dựng mô hình CĐL là chủ trương đúng của tỉnh, huyện trong việc dần đẩy nhanh tiến độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. Qua triển khai mô hình đã giúp thu nhập bình quân đầu người đạt trên 22 triệu đồng/người/năm, qua đó giúp xã hoàn thành 13/19 tiêu chí nông thôn mới. Trong thời gian tới, xã tiếp tục vận động người dân mở rộng diện tích sản xuất lúa ở CĐL giai đoạn 2 và giai đoạn 3 nhằm góp phần thực hiện thành công Đề án xây dựng CĐL sản xuất lúa tại xã gắn với xây dựng nông thôn mới do UBND huyện Bác Ái triển khai.
Được biết, sau thành công của mô hình CĐL sản xuất lúa tại xã Phước Chính, huyện Bác Ái tiếp tục chỉ đạo các địa phương tiếp tục nhân rộng ở các xã Phước Tiến, Phước Thắng và Phước Tân; tiếp tục tăng cường tuyên truyền, phổ biến giúp nông dân nắm được chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về xây dựng CĐL, lợi ích của việc tham gia vào CĐL; vận động các doanh nghiệp chung sức phát triển nông nghiệp bền vững, xây dựng nông thôn mới bằng hình thức liên kết xây dựng CĐL, hỗ trợ nông dân và bảo đảm hài hòa lợi ích của các bên tham gia. Huyện xác định, sản xuất CĐL sẽ là cơ hội để các địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số Raglai thoát nghèo bền vững, từng bước ổn định cuộc sống.
Kha Hân