Góp phần làm tăng doanh thu hoạt động thương nghiệp trong tháng 1 là nhờ các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh thương mại, các siêu thị, trung tâm mua sắm luôn duy trì lượng hàng hóa dồi dào và tăng cường đầu tư các sản phẩm mới, đa dạng, phong phú; đồng thời triển khai nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn để kích cầu tiêu dùng nhân dịp đầu năm mới 2024 và chuẩn bị đón tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Bên cạnh đó, chương trình bình ổn thị trường tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 góp phần bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, ổn định thị trường và an sinh xã hội, cung cấp đầy đủ, thường xuyên, đảm bảo nguồn hàng hóa thiết yếu, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, đặc biệt đối với vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa và vùng đồng bào dân tộc.
Trong tổng mức tăng kể trên, xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 2.695,1 tỷ đồng, chiếm 76,3% tổng mức, tăng 5,6% so với tháng trước và tăng 11,5% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 532,1 tỷ đồng, chiếm 15,1% tổng mức, tăng 0,7% so với tháng trước và tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu du lịch lữ hành đạt 1,3 tỷ đồng, chiếm 0,04% tổng mức, tăng 0,5% so với tháng trước và tăng 17,2% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu dịch vụ khác ước đạt 304,8 tỷ đồng, chiếm 8,6% tổng mức, tăng 3,8% so với tháng trước và tăng 11,6% so với cùng kỳ năm trước.
Người tiêu dùng chọn mua hàng hóa tại siêu thị Winmart. Ảnh: V.Nỷ
Về chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1 tăng 0,55% so với tháng trước và tăng 4,26% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính có 7 nhóm có chỉ số giá tăng, 3 nhóm chỉ số giá ổn định, chỉ có 1 nhóm có chỉ số giá giảm. Cụ thể, 7 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng gồm: Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng cao nhất với 4,10%, chủ yếu do giá gas tăng 1,40%; giá nhà ở thuê tăng 9,84%; vật liệu bảo dưỡng tăng 0,40%, nhất là giá mặt hàng sơn các loại tăng do nhu cầu sửa chữa nhà những ngày cận Tết tăng. Tiếp đến nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,25%, tập trung chủ yếu ở các mặt hàng như: Gương treo tường tăng 4,93%; dụng cụ làm vườn tăng 0,99%; chổi các loại tăng 3,99%; nến, diêm tăng 1,79%; thuốc diệt côn trùng tăng 0,68%; giá thuê người phục vụ tăng mạnh 4,38% do giá công thuê những ngày cận Tết tăng.
Các nhóm: Đồ uống và thuốc lá tăng 0,25%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,06%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,03%; giao thông tăng 0,01%. Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,05%, trong đó lương thực tăng 0,11% chủ yếu giá gạo tăng (tăng 0,10%) nguyên nhân do sản lượng thu hoạch trong vụ thấp phải nhập gạo ở các tỉnh khác về, chi phí vận chuyển tăng làm tăng giá gạo địa phương.
Ba nhóm: Thuốc và dịch vụ y tế, bưu chính viễn thông, giáo dục có chỉ số giá không tăng không giảm. Riêng nhóm may mặc, mũ nón, giày dép giảm 0,04%, do một số cửa hàng quần áo giảm giá để thu hút khách hàng, giải phóng lượng hàng tồn cũ để nhập hàng mới về bán trong dịp cận Tết. Trong đó, quần áo cho bé gái giảm 0,69%; các mặt hàng còn lại giữ giá ổn định do nhu cầu mua sắm vẫn còn chậm.
Tháng 1 là thời điểm giáp tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, nên hoạt động vận tải trong tháng diễn ra khá sôi động và nhộn nhịp, do nhu cầu vận chuyển hành khách về quê và lượng hàng hóa lưu thông phục vụ sản xuất, kinh doanh tăng. Trong đó, lượng hành khách vận chuyển đạt 1,6 triệu lượt, tăng 0,9% so với tháng trước và tăng cao 78,9% so với cùng kỳ năm trước; vận chuyển hàng hóa đạt 1,6 triệu tấn, tăng 7,7% so với tháng trước và tăng 36,4% so với cùng kỳ năm trước.
Linh Giang