Theo đó, phong trào “Toàn dân tham gia phát hiện, cung cấp các thông tin, hình ảnh phản ánh vi phạm hành chính về trật tự ATGT” được triển khai trên phạm vi toàn tỉnh. Đối tượng tham gia là toàn thể quần chúng nhân dân, các cơ quan, ban, ngành, Mặt trận, đoàn thể và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh; phấn đấu mỗi người dân là một “tuyên truyền viên”, một “cộng tác viên” đắc lực với lực lượng chức năng trong công tác bảo đảm trật tự ATGT. Trong đó, tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân tự ý thức, trách nhiệm trong chấp hành pháp luật về an toàn giao thông và chủ động phát hiện, cung cấp thông tin, tài liệu phản ánh các vi phạm trật tự ATGT cho lực lượng chức năng để xử lý đúng quy định của pháp luật.
Người dân tham gia giao thông an toàn trên đường 16 Tháng 4 (Tp.Phan Rang-Tháp Chàm). Ảnh: Văn Nỷ
Về nội dung thông tin, hình ảnh phản ánh hành vi vi phạm: Tập trung vào các hành vi chở quá số người quy định; đón, trả khách không đúng nơi quy định; xe ô tô chở hàng quá khổ; có dấu hiệu quá tải, cơi nới thành thùng xe, chở vật liệu để rơi vãi; đi vào đường cấm, đi ngược chiều; không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông; dừng, đỗ không đúng nơi quy định; đi vào làn dừng phương tiện khẩn cấp, đi lùi trên đường cao tốc; điều khiển xe lạng lách, đánh võng gây mất trật tự ATGT, an ninh, trật tự, an toàn xã hội... đặc biệt tập trung tuyên truyền đến người dân về hành vi chăn thả gia súc trên các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ gây cản trở giao thông, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông và để gia súc phóng uế trên đường gây mất mỹ quan trên tuyến đường giao thông.
Về phương pháp ghi nhận các thông tin, hình ảnh phản ánh hành vi vi phạm: Nội dung hành vi vi phạm; quay video clip, chụp ảnh về hành vi vi phạm (sử dụng phương tiện của cá nhân như máy ảnh, camera, điện thoại thông minh, camera hành trình...); thời gian phát hiện; tuyến đường, địa điểm xảy ra vi phạm; biển kiểm soát, đặc điểm của phương tiện; chủ xe, người điều khiển phương tiện (nếu xác định được) và các thông tin khác có liên quan theo tính chất của từng vụ việc, hành vi vi phạm cụ thể.
Sau khi ghi nhận được thông tin, hình ảnh phản ánh hành vi vi phạm, quần chúng nhân dân cần nhanh chóng liên hệ, phản ánh trực tiếp với các đơn vị công an trên địa bàn tỉnh (qua các kênh tương tác trực tuyến như: Số điện thoại đường dây nóng; tài khoản Zalo; trang fanpage Facebook...) công an các đơn vị, địa phương có trách nhiệm bảo đảm bí mật đối với danh tính của người cung cấp tin.
Sau khi tiếp nhận thông tin, hình ảnh do nhân dân cung cấp, công an các đơn vị, địa phương thực hiện trình tự, thủ tục theo đúng quy định tại Nghị định số 135/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ về danh mục, việc quản lý, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ và quy trình thu thập, sử dụng dữ liệu thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ do cá nhân, tổ chức cung cấp; Thông tư số 32/2023/TT-BCA, ngày 1/8/2023 của Bộ Công an quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của lực lượng cảnh sát giao thông…
T.D