Những ngày này đến các địa phương ven biển dễ dàng bắt gặp hình ảnh các giàn phơi cá bằng tre, nứa được dựng lên hai bên đường với hương thơm đặc trưng. Để phục vụ thị trường Tết, chị Nguyễn Thị Loan, chủ cơ sở hải sản tươi sống Hùng Loan, khu phố 9, phường Đông Hải (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm) chủ động trữ khoảng 15 tấn mực, cá các loại… với nhiều mức giá khác nhau. Chị Loan chia sẻ: Hải sản khô được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng trong dịp Tết. Năm nay, nguồn nguyên liệu cá tươi mua từ các ghe tàu của ngư dân không có nhiều do thời tiết cuối năm biển động. Mặc dù giá nhập hàng cao nhưng vì sức tiêu thụ chậm nên tôi cũng không dám tăng giá bán hải sản khô mà giữ nguyên giá như vụ Tết năm ngoái. Hiện nay tôm khô được nhiều khách hàng, doanh nghiệp đặt hàng trước để làm quà biếu trong dịp Tết. Để giữ độ ngon, ngọt và mềm thơm của tôm một nắng, tôi chỉ chọn mua tôm còn sống. Sau đó sẽ lột vỏ, làm sạch để ráo nước mới tẩm ướp gia vị và đem đi phơi nắng”.
Cơ sở hải sản Hùng Loan chủ động trữ hàng hóa phục vụ tết Nguyên đán. Ảnh: M.Dung
Tranh thủ trời có nắng to và gió mạnh, chị Ngô Thị Tiền, chủ cơ sở hải sản Tiền Ngô, khu phố 4, Đông Hải (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm) đang khẩn trương sơ chế, phơi những mẻ mực để kịp giao cho khách hàng. Mực tươi sau khi câu lên sẽ được phân loại, lựa những con to, thân dày, thịt trắng, rửa sạch rồi phơi trên vỉ lưới cao tầm 3 - 4 giờ nắng khi đạt độ khô 70 - 80% thì mực được cho vào túi hút chân không, sau đó đưa vào tủ lạnh bảo quản ở nhiệt độ khoảng 15°C; hoặc phơi mực thêm 3 - 4 nắng để làm mực khô. Cần mẫn, tỉ mỉ đảo từng con mực trong cái nắng chang chang, chị Tiền chia sẻ, mực tươi nên chỉ cần rửa với nước sạch, khi phơi phải canh đủ thời gian nắng để mực khô giữ được vị dai, ngon đặc trưng. Tùy chất lượng, kích cỡ, như mực một nắng loại 1 hiện có giá dao động từ 900.000 - hơn 1 triệu đồng/kg, mực khô có giá dao động từ 400.000 - 1 triệu đồng/kg. Ngoài bán hàng truyền thống, chị Tiền còn linh hoạt sử dụng các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, Tiktok... để kết nối thị trường. Nhờ vậy, nhiều khách hàng từ các nơi đã gọi điện đặt hàng Tết, mỗi ngày cơ sở chị bán từ 20-100 ký mực, tôm và cá khô các loại. Ngoài các sản phẩm truyền thống như: mực khô, cá khô, tôm khô, năm nay các sản phẩm hải sản được chế biến sẵn như: Mực tẩm gia vị, cá chỉ vàng tẩm gia vị, cá bò tẩm, cá mai rim, …cũng được nhiều cơ sở sản xuất sẵn sàng phục vụ dịp Tết.
Chị Ngô Thị Tiền, chủ cơ sở hải sản Tiền Ngô, khu phố 4, phường Đông Hải (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm) phơi những mẻ mực kịp giao hàng cho khách.
Cùng với việc đảm bảo số lượng, các cơ sở luôn chú trọng đến khâu an toàn vệ sinh thực phẩm. Hầu hết các cơ sở đều nói không với chất cấm trong quá trình chế biến, cẩn trọng trong quá trình lựa chọn nguyên liệu. Quá trình sơ chế, phơi sấy đến tẩm ướp, đóng gói luôn được kiểm soát nghiêm ngặt. Sản phẩm sau khi hoàn thành được đóng gói, bao bì ghi thông tin và dán nhãn mác của cơ sở rõ ràng. Để tăng sức cạnh tranh cho các mặt hàng hải sản của địa phương các cơ sở sản xuất và chế biến ở đây đã quan tâm đến việc cải tiến đa dạng mẫu mã, hình thức cho sản phẩm.
Mỗi món ăn được chế biến từ hải sản khô góp mặt trong những bữa cơm ngày Tết không chỉ góp phần lan tỏa hương vị miền đất nắng mà còn mang đến cái Tết đủ đầy, ấm no hơn cho người dân ven biển trong tỉnh.
Mỹ Dung