Thực hiện “Liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giữa hợp tác xã, tổ hợp tác với doanh nghiệp (DN) trong chuỗi giá trị theo Nghị định số 98/2018/NĐ-CP của Chính phủ, huyện Ninh Phước đã tranh thủ nguồn lực hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn, ứng dụng các tiến bộ khoa học-công nghệ và nhân rộng các mô hình hiệu quả vào sản xuất. Huyện cũng đã củng cố, phát triển các hợp tác xã (HTX); liên kết với các DN để kêu gọi đầu tư, liên kết sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm cho nông dân; triển khai thực hiện các chương trình ứng dụng và chuyển giao, nhân rộng các mô hình công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, nhất là mô hình cánh đồng lớn gắn với liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Từ mô hình thí điểm 56ha cánh đồng lớn lúa tại xã Phước Hậu từ vụ hè-thu 2017 đến nay, huyện Ninh Phước đã nhân rộng thêm 15 cánh đồng lớn với diện tích 2.353,3ha; trong đó 11 cánh đồng lớn lúa diện tích 2.156,6ha; 2 cánh đồng lớn bắp giống 140ha và 2 cánh đồng lớn măng tây xanh 56,65 ha.
Ông Đàng Năng Tom, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ninh Phước cho biết: Qua hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với HTX và DN, nông dân đã tiết kiệm được chi phí sản xuất, năng suất bình quân đạt cao hơn so với sản xuất đại trà. Ngoài ra sản phẩm còn bán cao hơn giá thị trường; được hỗ trợ ứng trước giống, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật cho sản xuất không tính lãi. Hình thành được các liên kết giữa nông dân với HTX, giữa nông dân với DN và giữa HTX với DN; thu nhập và đời sống nông dân được tăng lên và ổn định do tăng năng suất, khắc phục một phần khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ, áp dụng đồng bộ tiến bộ kỹ thuật trên quy mô lớn theo quy trình kỹ thuật “1 phải 5 giảm"; áp dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất và môi trường sản xuất do ít sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Qua liên kết, các HTX nâng cao kỹ năng điều hành và năng lực hoạt động thương thảo ký kết hợp đồng; làm tốt cầu nối giữa nông dân và DN. DN có vùng nguyên liệu ổn định, gắn sản xuất với thị trường, tăng khả năng cạnh tranh do kiểm soát được chất lượng sản phẩm.
Phân loại nho tại Trang trại nho Ba Mọi.
Bên cạnh những thuận lợi và hiệu quả kinh tế mạng lại, việc tổ chức liên kết giữa nông dân, HTX và DN thực tế vẫn còn nhiều khó khăn, tỷ lệ thành công hợp đồng tiêu thụ nông sản mới chỉ ở mức 25-30% đối với lúa, măng tây xanh trên 70%, cao nhất trên cây bắp nhân giống đạt 100%. Trong liên kết vẫn còn tình trạng “phá vỡ” hợp đồng, khó duy trì ổn định, nhất là khi có biến động lớn về thị trường. Các điều kiện cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp chưa được đầu tư hoàn chỉnh; vùng dự kiến chuyển đổi cơ cây trồng, phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ chưa được quy hoạch, đầu tư đúng mức; thiếu DN lớn để tổ chức liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn.
Việc đẩy mạnh thực hiện cánh đồng lớn gắn với liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm tiếp tục được xác định là một chủ trương lớn và cần thiết trong thời gian gian tới, cũng như phù hợp với chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh và định hướng đề ra của Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2022-2025. Do đó, trong thời gian tới, để thực hiện hiệu quả trong liên kết chuối giá trị sản phẩm, huyện kiến nghị các sở, ngành quan tâm hỗ trợ, hướng dẫn địa phương thực hiện tốt chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; có chính sách hỗ trợ cho các HTX đã thực hiện cánh đồng lớn để duy trì nhằm nâng cấp, củng cố chuỗi giá trị đã có. Tiếp tục đẩy mạnh chuyển giao các tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất, thu hoạch, bảo quản và chế biến một số sản phẩm có thế mạnh của huyện, của tỉnh như: Nho, táo, măng tay xanh... và trình diễn một số mô hình mới “mô hình công nghệ cao" có hiệu quả kinh tế, phù hợp với điều kiện khí hậu của địa phương, nhu cầu thị trường để nông dân học tập và ứng dụng. Ngoài ra, cần kết nối và mời gọi các DN tham gia liên kết sản xuất, cung ứng vật tư và bao tiêu sản phẩm để nông dân có đầu ra ổn định và yên tâm sản xuất.
Anh Tuấn