Đến với làng Chăm Lương Tri, chúng tôi gặp không khí nô nức của cư dân địa phương chuẩn bị vui đón mùa lễ Ramưwan 2011. Cấp ủy chi bộ và Ban quản lý thôn phối hợp với Ban phong tục tổ chức mùa lễ diễn ra trong không khí vui tươi, tiết kiệm, lành mạnh. Động viên bà con thôn xóm đoàn kết phát triển sản xuất chung tay xây dựng nông thôn mới no ấm.
Gia đình chị Câu Thị Gòn thu hoạch đậu xanh cung cấp thực phẩm
cho bà con Lương Tri chuẩn bị vui đón Ramưwan 2011.
Lương Tri là khu dân cư duy nhất của xã Nhơn Sơn thuộc huyện Ninh Sơn có đông đồng bào Chăm sinh sống. Toàn thôn hiện có 650 hộ với 3083 nhân khẩu chuyên nghề sản xuất nông nghiệp. Chăn nuôi gia súc có sừng kết hợp trồng trọt là thế mạnh kinh tế của nông dân địa phương. Với số lượng đàn gia súc có sừng trên 15.700 con đã đưa Lương Tri chiếm vị thế “đầu bảng” trong nghề chăn nuôi ở xã Nhơn Sơn. Trong đó, đàn cừu có 15.000 con, đàn dê có 219 con và đàn bò có 512 con. Với giá bán thịt dê cừu hơi 80.000 đồng/kg, trung bình một con cừu xuất chuồng trị giá trên 2 triệu đồng. Nghề chăn nuôi dê cừu khôi phục đã bảo đảm cho nhiều gia đình có của ăn của để. Các nông hộ Hứa Ngọc Hướng, Đạo Văn Vần, Dương Tấn Phin, Đạo Bùi có đàn cừu từ 100- 400 con nêu gương sản xuất giỏi, đời sống gia đình khá giả.
Đàn gia súc của nông dân Lương Tri chăn thả trên cánh đồng Chà Vum.
Nông dân Lương Tri canh tác 64 ha ruộng chủ động tưới ba vụ lúa quanh làng và 180 ha ruộng một vụ lúa, 200 ha đất màu trên cánh đồng Chà Vum. Từ đây, nhiều loại nông sản hàng hóa của nông dân xuất bán ra thị trường thu về nhiều tỉ đồng góp phần đưa Lương Tri trở thành vùng nông thôn thịnh vượng. Nhà ở của nông dân căn bản đã được ngói hóa khang trang. Nhiều ngôi nhà mới xây của các nông hộ trẻ như Hứa Văn Thảo, Đạo Thanh Nhớ trị giá 300- 400 triệu đồng. Toàn thôn có 545 hộ đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa, chiếm 83,8% số hộ sinh sống tại địa phương. Thôn Lương Tri được Chủ tịch UBND huyện Ninh Sơn công nhận thôn văn hóa cấp huyện. Ban phong tục Lương Tri được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen do có thành tích xuất sắc thực hiện chính sách đại đoàn kết các dân tộc trên địa bàn tỉnh.
Trao đổi với trưởng thôn Hứa Văn Thương, chúng tôi được biết anh là công dân đầu tiên có học vấn tú tài và cũng là người đầu tiên làm thầy giáo của thôn Lương Tri. Tốt nghiệp trung cấp sư phạm năm 1980, anh trở về làng dạy chữ cho học sinh bậc tiểu học. Do đông con đời sống gia đình khó khăn nên sau 10 năm làm thầy, anh xin thôi dạy học về nhà làm kinh tế. Với đàn cừu 100 con và 1,7 ha ruộng lúa, Hứa Văn Thương đạt danh hiệu nông dân sản xuất giỏi nuôi bốn con ăn học thành đạt. Anh nói:” Ba chục năm trước, cả làng chỉ có một mình tôi tốt nghiệp trung cấp sư phạm. Đến nay, con em Lương Tri có trên 100 người tốt nghiệp đại học, cao đẳng. Nhiều gia đình có 2-3 con tốt nghiệp đại học, cao đẳng như Đạo Cung Ai, Thành Hiểu, Lượng Phú Đức. Tính riêng trong năm 2010 vừa qua, Lương Tri có 21 cháu thi đậu vào các trường đại học, cao đẳng. Với quan niệm học để có việc làm ổn định, bà con dồn sức đầu tư cho con em học hành chu đáo. Mùa lễ Ramưwan năm nay, Ban quản lý thôn tổ chức văn nghệ vận động bà con ủng hộ quỹ khuyến học khen thưởng động viên phong trào học tập ở địa phương”.
Chúng tôi đến thăm Sư cả Câu No trụ trì chùa Bà ni Lương Tri. Pha ấm trà ngon mời khách, ông bộc bạch niềm vui:“Nhìn thấy Nhà nước đầu tư xây dựng trường học hai tầng lầu khang trang, bê tông đường giao thông và hệ thống nước sạch sinh hoạt cho thôn Lương Tri, bụng dạ tôi vui mừng lắm. Tôi vận động bà con đoàn kết xây dựng đời sống nông thôn ngày càng no ấm. Tổ chức mùa lễ Ramưwan 2011 với tinh thần vui tươi, tiết kiệm để dành vốn liếng nuôi con ăn học thành tài tham gia xây dựng đất nước giàu mạnh”.
Sơn Ngọc