Chuyển biến tích cực trong thực hiện chuyển đổi số lĩnh vực giáo dục và đào tạo

Để thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, nâng cao chất lượng, hiệu quả dạy và học, thời gian qua, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số (CĐS) và đạt được một số kết quả quan trọng bước đầu.

Theo đồng chí Nguyễn Huệ Khải, Giám đốc Sở GD&ĐT, thực hiện nhiệm vụ CĐS, Sở GD&ĐT đã xây dựng kế hoạch, tập trung ứng dụng công nghệ thông tin, CĐS đồng bộ cả về quản lý giáo dục (QLGD), quản trị nhà trường và đổi mới phương thức tổ chức dạy học, kiểm tra đánh giá trên nền tảng công nghệ. Hệ thống cơ sở dữ liệu, các nền tảng số QLGD, quản trị trường học từng bước được xây dựng, triển khai đồng bộ, thống nhất, phục vụ từ cán bộ quản lý, đến giáo viên, học sinh và phụ huynh.

Phát triển nền tảng số, năm 2021, ngành GD&ĐT xây dựng Hệ chương trình QLGD Ninh Thuận với mục tiêu QLGD một cách toàn diện, liên thông từ cấp sở, phòng đến từng cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh; từng bước tích hợp các nền tảng đang chạy độc lập để phát huy hiệu quả khai thác, sử dụng và hướng đến việc hình thành kho dữ liệu lớn để áp dụng các mô hình giáo dục thông minh, trí tuệ nhân tạo trong GD&ĐT. Đến nay, Hệ chương trình QLGD Ninh Thuận đã hoàn thành thiết kế kiến trúc số và tiếp tục nâng cấp, tích hợp các nền tảng khác để hình thành sinh thái số. Ngành GD&ĐT cũng đã hoàn tất việc cập nhật dữ liệu và thường xuyên cập nhật, bổ sung dữ liệu trong hệ chương trình QLGD; đồng thời, tiến hành đồng bộ dữ liệu với cơ sở dữ liệu của Bộ GD&ĐT.

Giáo viên Trường Tiểu học Đô Vinh 2 (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy.

Hoạt động CĐS ngành GD&ĐT được tập trung triển khai trên Hệ chương trình QLGD Ninh Thuận, bao gồm cả công tác quản lý và hoạt động dạy, học ở các đơn vị trường học từ cấp mầm non đến phổ thông. Mọi hoạt động CĐS tập trung và hướng đến sự tiện lợi cho người dùng, đặc biệt là đối với công tác quản lý của hiệu trưởng, công tác giảng dạy của giáo viên và hướng đến phục vụ cho sự tiện lợi của phụ huynh như: Tiến đến xây dựng mô hình trường học thông minh, trường học thanh toán không dùng tiền mặt (KDTM), mọi hoạt động giao tiếp giữa nhà trường và phụ huynh được thực hiện trên cổng thông tin điện tử (như học bạ điện tử, sổ liên lạc điện tử...)

Qua triển khai thực hiện các nội dung CĐS, trong năm 2023, ngành GD&ĐT có 100% dịch vụ công trực tuyến toàn trình được cung cấp trên nhiều phương diện khác nhau; tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ đạt 75%; tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính được tiếp nhận, xử lý trực tuyến đạt 93,3%, tăng 23,3%; 100% hồ sơ công việc được xử lý trên môi trường mạng... Cùng với đó, ngành GD&ĐT cơ bản hoàn thành việc kết nối, chia sẻ dữ liệu cho Tp. Phan Rang - Tháp Chàm để triển khai xây dựng nền tảng đô thị thông minh; hoàn thành 2 sản phẩm CĐS (nền tảng Dasboard để chuẩn bị cho kết nối vào hệ thống IOC của tỉnh và ngân hàng đề thi, kiểm tra dùng chung), vượt 1 sản phẩm so với chỉ tiêu tỉnh giao.

Điểm nổi bật trong năm 2023 là phương thức thanh toán KDTM trong cơ sở giáo dục có nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều địa phương trước đây không thực hiện được việc thu học phí KDTM nhưng năm nay thực hiện đạt trên 70% (điển hình như huyện Ninh Sơn, Thuận Nam, Thuận Bắc). Đối với Tp. Phan Rang - Tháp Chàm cũng có sự tiến bộ rõ nét trong triển khai thu học phí KDTM với tỷ lệ đạt 77,47%...

Tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả CĐS, trong năm 2024, ngành GD&ĐT tiếp tục cập nhật, chuẩn hóa dữ liệu định kỳ; đảm bảo 100% giáo viên, nhân viên hỗ trợ phục vụ (trừ các vị trí không thuộc đề án vị trí việc làm) được cấp tài khoản thực hiện Hệ chương trình QLGD Ninh Thuận; đảm bảo tất cả phụ huynh có sử dụng điện thoại thông minh được tuyên truyền, hỗ trợ cài đặt app Mobil để sử dụng dịch vụ miễn phí về những thông tin liên quan đến phiếu liên lạc điện tử; triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án 06; đầu tư các phân hệ quản lý nhằm đồng bộ với Hệ chương trình QLGD Ninh Thuận như: Cung cấp gói chữ ký số cho giáo viên theo đơn vị trường để thực hiện việc số hóa các loại hồ sơ, học vụ theo điều lệ trường học, phát triển nền tảng chữ ký số trực tiếp cho các loại hồ sơ đã được số hóa theo điều lệ trường học các cấp học, phát triển thư viện điện tử dùng chung cho cấp THCS và THPT, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào thực tế ảo phục vụ công tác quản lý và dạy học (nền tảng KamiBrain)...; phòng GD&ĐT các huyện, thành phố tăng cường công tác tham mưu để đầu tư các phòng dạy Tin học cho các trường tiểu học và THCS đáp ứng cho các lớp 3, 4, 6, 7 và 8.