Năm 2019, gia đình bà Pi Năng Thị Ôi ở thôn Hà Lá Hạ, xã Phước Thắng được Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ 1 con bò cái giống Rahman để phát triển chăn nuôi. Nhờ được hướng dẫn cách chăm sóc và phòng bệnh nên bò sinh trưởng tốt, chỉ 1 năm sau đã sinh được 1 bê đực có trọng lượng nặng gấp đôi so với bê vàng địa phương. Nhận thấy khâu chọn giống có vai trò quan trọng đối với hiệu quả chăn nuôi, gia đình bà mạnh dạn mua thêm một con bò đực giống Rahman để cải tạo chất lượng đàn bò, đến nay đàn bò của gia đình bà đã có 4 con bê F1 giống Rahman. Bà Ôi, chia sẻ: Bò cái giống Rahman được Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ cho gia đình tôi đến nay đã đẻ được 2 lứa, hiện đang mang thai lại gần 5 tháng rồi, giống bò này sinh ra bê con thể trạng lớn hơn so với bê vàng địa phương. Gia đình đã có bò đực và bò cái giống Rahman để phối giống nên trong tương lai đàn bò của gia đình sẽ được cải tạo về chất lượng đàn.
Nông dân Bác Ái ứng dụng công nghệ tưới phun mưa trong sản xuất nông nghiệp.
Với mong muốn mang đến những sản phẩm nông nghiệp an toàn cho người tiêu dùng, giữa năm 2019, HTX Nông nghiệp công nghệ cao Nam Miền Trung đã triển khai thực hiện mô hình trồng dưa lưới và dưa lê trong nhà màng tại xã Phước Tiến. Để triển khai mô hình, HTX đã đầu tư hơn 3 tỷ đồng để làm hệ thống nhà màng với diện tích trên 0,7ha. Ngoài ra, HTX còn ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất như: Công nghệ tưới nước nhỏ giọt giúp tiết kiệm 30-60% lượng nước và phân bón thông thường. Anh Nguyễn Trọng Hạnh, Giám đốc HTX, cho biết: Thời gian đầu lên vùng đất Bác Ái khởi nghiệp gặp nhiều khó khăn, nhưng được sự hỗ trợ của ngành chức năng, địa phương, đã giúp mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao của HTX thành công như ngày hôm nay, qua đó giúp HTX mở rộng liên kết sản xuất dưa quy mô trên 4ha, mỗi năm cung ứng ra thị trường từ 350 - 400 tấn dưa, tạo việc làm ổn định cho trên 10 lao động ở địa phương với mức thu nhập từ 5,5 - 6 triệu đồng/người/tháng.
Xác định việc đẩy mạnh chuyển giao KHKT vào sản xuất là chìa khóa để phát triển nông nghiệp bền vững, giúp người dân nâng cao thu nhập. Thời gian qua huyện Bác Ái đã xây dựng kế hoạch thực hiện “Đề án một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với huyện giai đoạn 2022-2026”; trong đó, tập trung chỉ đạo dồn điền đổi thửa, xây dựng cánh đồng lớn sản xuất lúa với diện tích trên 100ha ở xã Phước Chính. Hỗ trợ nhân rộng mô hình tưới tiết kiệm nước với số tiền trên 2,9 tỷ đồng/43,685ha với các loại cây trồng như: Bưởi da xanh, bơ, mít, cỏ chăn nuôi... Huyện phối hợp triển khai thực hiện đề tài khoa học chuyển giao kết quả cho nông dân áp dụng vào sản xuất. Đơn cử, đề tài “Ứng dụng tiến bộ KHKT trong chăn nuôi bò hướng thịt nhằm cải tạo chất lượng đàn bò” giúp bà con nâng cao hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi.
Giai đoạn 2021-2023, huyện Bác Ái hỗ trợ mỗi xã trên địa bàn triển khai từ 3-5 mô hình khuyến nông để người dân áp dụng vào sản xuất. Nhờ đó, đã hình thành nhiều vùng chuyên canh cây ăn quả, bắp, lúa, mì.... Qua đánh giá, phân loại xếp hạng đến đầu năm 2023 toàn huyện có 6 sản phẩm nông nghiệp được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh gồm: Rượu chuối mồ côi, bưởi da xanh, hạt chuối cô đơn, dưa lưới SunFarm, hạt điều Chapi, gạo Phước Chính. Hình thành 2 chuỗi liên kết sản xuất lúa và chăn nuôi, thu hút 5 DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao...
Đồng chí Ngô Thanh Lâm, Phó Chủ tịch UBND huyện Bác Ái, cho biết: Thời gian qua, huyện đã triển khai nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả, hướng dẫn người dân áp dụng KHKT cũng như tham gia các chuỗi sản xuất để giúp người dân phát triển kinh tế. Được hỗ trợ chuyển giao KHKT, nông dân, DN, HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp mở rộng quy mô sản xuất. Qua đó, góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn và quan trọng hơn là người dân được tiếp cận kỹ thuật canh tác mới, từ đó thay đổi tư duy sản xuất cũ. Thời gian tới, huyện đẩy mạnh công tác phối hợp, liên kết với các ngành chức năng tăng cường hoạt động tập huấn, tổ chức hội nghị đầu bờ các giống cây trồng, vật nuôi mới; tiếp tục lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình, dự án hỗ trợ trực tiếp cho nông dân nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh tế.
Kha Hân