Năm nước gồm Ai Cập, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Ethiopia, Iran và Saudi Arabia chính thức trở thành thành viên của BRICS từ ngày 1/1/2024. Ghi dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển, việc BRICS nâng tổng số thành viên lên 10 nước cho thấy uy tín và vai trò ngày càng lớn của nhóm này trong các vấn đề khu vực và quốc tế. BRICS thu hút nhiều nước đang phát triển có cùng quan điểm về các nguyên tắc nền tảng, như tôn trọng lợi ích của nhau, mong muốn thiết lập một trật tự quốc tế đa cực, cũng như một hệ thống tài chính và thương mại toàn cầu công bằng…
Các nhà phân tích nhận định, việc BRICS kết nạp thêm các thành viên mở ra giai đoạn hợp tác mới, song những khác biệt giữa những thành viên cũ và mới có thể cản trở khả năng ra quyết định cũng như tiến trình phát triển của BRICS. Bởi vậy, việc hỗ trợ các thành viên mới hội nhập hài hòa với hoạt động của nhóm chính là một trong những nhiệm vụ đặt ra với Nga, nước Chủ tịch luân phiên BRICS năm 2024.
Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa qua có bài phát biểu nêu bật những định hướng hợp tác của BRICS trong năm đánh dấu bước ngoặt quan trọng của nhóm. Đưa ra chủ đề của nhiệm kỳ Chủ tịch BRICS là “Tăng cường chủ nghĩa đa phương vì an ninh và phát triển toàn cầu công bằng”, Nga tiếp tục thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác then chốt là chính trị và an ninh, kinh tế và tài chính, văn hóa và nhân đạo.
Dưới sự dẫn dắt của Nga, các nước thành viên BRICS sẽ tăng cường phối hợp chính sách đối ngoại; tìm giải pháp ứng phó hiệu quả thách thức đối với an ninh và ổn định toàn cầu. Nhiệm kỳ Chủ tịch của Nga cũng sẽ tập trung bảo đảm an ninh năng lượng và lương thực, tăng cường vai trò của nhóm trong hệ thống tiền tệ quốc tế, mở rộng hợp tác liên ngân hàng và thúc đẩy sử dụng nội tệ trong hoạt động thương mại giữa các nước thành viên.
Tại Hội nghị thượng đỉnh diễn ra tại Ấn Độ tháng 9/2023, G20 đã cấp tư cách thành viên thường trực cho Liên minh châu Phi (AU). Việc AU gia nhập G20 là cơ hội để các nước đang phát triển thể hiện quan điểm và góp phần định hình các quyết định của nhóm này. Điều này giúp AU thúc đẩy bảo đảm lợi ích của khu vực, đồng thời đóng góp hiệu quả vào nỗ lực chung nhằm giải quyết thách thức toàn cầu. Có thêm AU, G20 đóng góp khoảng 85% GDP toàn cầu và chiếm khoảng 2/3 dân số thế giới. Các nước nam bán cầu tiếp thêm nguồn lực, góp phần nâng cao tầm ảnh hưởng của G20, một diễn đàn đóng vai trò quan trọng đối với các chương trình nghị sự toàn cầu.
Trọng trách dẫn dắt các nước thành viên G20 trong năm nay đặt lên vai Brazil, nước lần đầu giữ trọng trách Chủ tịch luân phiên. Tại Hội nghị quan chức cấp cao G20 tại Brasilia tháng 12/2023, hoạt động mở đầu trong năm Chủ tịch G20, Tổng thống Brazil Lula da Silva nhấn mạnh, bất bình đẳng là “gốc rễ của mọi vấn đề” mà thế giới đang phải đối mặt và thế giới cần một mô hình toàn cầu hóa mới. Lựa chọn chủ đề “Xây dựng một thế giới công bằng và một hành tinh bền vững” cho Năm Chủ tịch G20, Brazil đưa ra những ưu tiên trong các chương trình nghị sự là hòa nhập xã hội và chống nạn đói, chuyển đổi năng lượng và phát triển bền vững, cải cách thể chế quản trị toàn cầu.
Việc mở rộng của BRICS và G20 sẽ còn được tiếp nối, bởi nhiều quốc gia đã bày tỏ quan tâm hoặc chính thức nộp đơn xin gia nhập các nhóm này. Có thể thấy, xu hướng mở rộng quy mô của các tổ chức đa phương là minh chứng cho mong muốn tăng cường hợp tác vì mục tiêu phát triển chung của các quốc gia, trong đó có các nước đang phát triển, nhất là trong một thế giới còn nhiều bất ổn và thách thức.
Theo Báo Nhân Dân