Từng bước hoàn thiện hạ tầng, dữ liệu số
Một trong những lĩnh vực CĐS được tỉnh tích cực đẩy mạnh phát triển đó là hạ tầng số và dữ liệu số, nhằm thúc đẩy CĐS và phát triển kinh tế - xã hội. Hiện nay hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin được triển khai theo mô hình điện toán đám mây cho tất cả các ứng dụng của tỉnh từ dịch vụ công (DVC) trực tuyến, hệ thống thư điện tử, hệ chương trình quản lý văn bản và hồ sơ công việc, phần mềm chỉ đạo điều hành, phần mềm đánh giá cán bộ, công chức, đến dịch vụ giám sát an toàn thông tin và tất cả các hệ thống thông tin của các ngành, 100% cơ quan nhà nước của tỉnh.
Theo Sở Thông tin và Truyền thông, trên địa bàn tỉnh có 7 doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ viễn thông, internet và truyền hình cáp, hạ tầng mạng truyền dẫn cáp quang để cung cấp dịch vụ internet cố định băng thông rộng và dịch vụ truy nhập internet được phủ đến 100% số thôn trên địa bàn tỉnh. Hiện nay trên địa bàn Tp. Phan Rang - Tháp Chàm đã lắp đặt 75 trạm 5G (5G NSA) và đã phát sóng thử nghiệm 6 trạm.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh ta. Ảnh: Anh Tuấn
Tỷ lệ dân số có điện thoại thông minh là 434.958 máy/598.683 người đạt 72,65%; tỷ lệ hộ gia đình có internet cáp quang băng thông rộng 127.367 thuê bao/165.133 hộ, đạt 77,13%. Về hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước, hầu hết cán bộ, công chức, viên chức được trang bị máy tính; 100% cơ quan nhà nước đều có mạng nội bộ, kết nối mạng internet băng thông rộng, mạng diện rộng của tỉnh và các bộ, ngành trung ương; mạng truyền số liệu chuyên dùng cấp II đã được triển khai, kết nối từ trung ương đến cấp xã. Cơ quan chuyên môn các cấp đã có mạng nội bộ (LAN) và kết nối mạng diện rộng (WAN) của tỉnh, thông qua mạng truyền số liệu chuyên dùng, phục vụ truy cập internet và các phần mềm dùng chung, dịch vụ giám sát an toàn thông tin và các hệ thống thông tin của các ngành.
Trong phát triển dữ liệu số, UBND tỉnh đã ban hành Danh mục cơ sở dữ liệu (CSDL) dùng chung của tỉnh để các cơ quan thực hiện kết nối, tích hợp các dữ liệu về hệ thống quản lý và chia sẻ CSDL dùng chung. Tỉnh cũng đã kết nối thành công CSDL quốc gia về dân cư với Cổng DVC trực tuyến tỉnh và tổ chức khai thác có hiệu quả. Hiện nay, tỉnh đang triển khai kết nối CSDL quốc gia về dân cư với CSDL về cán bộ, công chức, viên chức; đăng ký kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu phục vụ triển khai Chính phủ điện tử, CĐS theo đề nghị của Cục CĐS quốc gia. Xác định dữ liệu số là tài nguyên mới và năm 2023 là năm “tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới”, các cấp ủy đảng đã tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện số hóa, xây dựng, kết nối và chia sẻ khai thác sử dụng CSDL của ngành, CSDL dùng chung của tỉnh và CSDL quốc gia.
Nâng cao hiệu quả hoạt động chính quyền số
Trong năm qua, tỉnh đã tích cực đẩy mạnh thực hiện chính quyền số, qua đó đã đạt được những kết quả tích cực. Trong năm 2023, tỉnh duy trì, triển khai thực hiện hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc không giấy tờ với 38 đơn vị tham gia, đã tổ chức trên 120 phiên họp. Hội nghị truyền hình trực tuyến được kết nối liên thông 4 cấp từ trung ương, tỉnh, huyện và cấp xã. Hệ thống thông tin kinh tế - xã hội tỉnh đã thực hiện số hóa với 895 biểu, trong đó có 475 biểu báo cáo và 420 biểu số liệu. Đến nay, có 47 cơ quan, đơn vị tham gia nhập liệu trên phần mềm với gần 250 tài khoản; 710/1.030 biểu mẫu báo cáo thuộc 7 lĩnh vực đã được nhập liệu lên hệ thống. Hiện nay, việc trao đổi, xử lý văn bản trên môi trường mạng (trừ văn bản mật) đạt 99,34% đối với cấp tỉnh, 97,76% đối với cấp huyện và 95,12% đối với cấp xã. Việc sử dụng chữ ký số cá nhân toàn tỉnh đạt 97,22%, tăng 9,48% so với cùng kỳ (cấp tỉnh 98,91%; cấp huyện 97,40%; cấp xã 94,64%). Toàn tỉnh có 829 DVC trực tuyến; trong đó đã đồng bộ trạng thái và tích hợp 812 DVC trực tuyến lên Cổng DVC quốc gia đạt 97,95%. Trong năm 2023, toàn tỉnh đã tiếp nhận được 328.508 hồ sơ, trong đó có 273.500 hồ sơ tiếp nhận trực tuyến, đã giải quyết được 324.770 hồ sơ, trong đó số hồ sơ đã giải quyết trước hạn và đúng hạn là 322.647 hồ sơ, chiếm 99,35%.
Cán bộ Công an tỉnh hướng dẫn người dân cài đặt VNeID. Ảnh: Phan Bình
Trung tâm giám sát an toàn, an ninh mạng (SOC) và điều hành đô thị thông minh (IOC) hoạt động ổn định; Trung tâm IOC được kết nối, tích hợp 12 hệ thống thông tin để theo dõi, giám sát; thực hiện chế độ báo cáo kết quả giám sát tình hình hoạt động Trung tâm SOC và IOC hằng tuần và phát hành bản tin điện tử SOC và IOC hằng tháng gửi cho các sở, ban, ngành, địa phương, UBND tỉnh để biết chỉ đạo. Hệ thống camera giám sát kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông đường bộ tại khu vực Tp. Phan Rang - Tháp Chàm và tuyến Quốc lộ 1 qua địa bàn tỉnh; đưa Trung tâm điều hành đô thị thông minh thành phố đi vào hoạt động; hiện đang phối hợp với Công ty Cổ phần FPT triển khai xây dựng phần mềm Smart Ninh Thuận để phục vụ chính quyền, người dân và doanh nghiệp.
Việc phát triển chính quyền số là một nhiệm vụ quan trọng, góp phần hiện đại hóa nền hành chính. Với những nỗ lực trong xây dựng chính quyền số, đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hành của các cơ quan nhà nước, phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.
Anh Tuấn