Cùng dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình; các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Lê Khánh Hải và Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và đại biểu dự Lễ công bố quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là công cụ quan trọng để tỉnh Quảng Ngãi hoạch định phương hướng, điều hành và quản lý mọi hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, phát triển không gian lãnh thổ trên địa bàn tỉnh trong thời kỳ tới, đảm bảo tính kết nối đồng bộ, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh, khắc phục các điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực phát triển cân đối, hài hòa, hiệu quả và bền vững.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 cho lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
Phát biểu tại Lễ Công bố quy hoạch, nhắc đến tiềm năng, lợi thế và truyền thống văn hóa phong phú của vùng đất Quảng Ngãi, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nêu rõ, Quảng Ngãi thuộc vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, có vị trí chiến lược quan trọng và hệ thống giao thông đồng bộ kết nối Bắc - Nam và Đông - Tây với các tỉnh Tây Nguyên và Nam Lào. Với gần 130 km bờ biển, Quảng Ngãi có tiềm năng to lớn trong phát triển kinh tế biển trong đó Khu kinh tế gắn với Cảng biển nước sâu Dung Quất là khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực với trung tâm lọc hóa dầu, năng lượng quốc gia, cơ khí-luyện kim và trung tâm logistics lớn.
Quảng Ngãi luôn tự hào là trung tâm của Văn hóa Sa Huỳnh, một trong ba nền văn hóa cổ của Việt Nam có niên đại cách đây từ 2.500 - 3.000 năm; giao thoa, tương tác với Văn hóa Đông Sơn ở vùng đồng bằng Bắc Bộ và văn hóa Óc Eo ở vùng Đông Nam Bộ. Đây cũng là vùng đất địa linh nhân kiệt, có truyền thống cách mạng, quê hương của đội Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa, của những anh hùng khởi nghĩa Ba Tơ và rất nhiều chí sĩ yêu nước, nhà hoạt động cách mạng, lãnh đạo tài ba của đất nước.
Từ một tỉnh nghèo Quảng Ngãi đã vươn lên trở thành tỉnh phát triển năng động, một trong những trung tâm công nghiệp của vùng Duyên hải Nam Trung Bộ với quy mô nền kinh tế (GRDP) đứng thứ 4/14 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Nam Trung Bộ, cao gấp khoảng 2 lần năm 2010.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
Phó Thủ tướng cho rằng Quảng Ngãi cần phát triển mạng lưới các đô thị theo tư duy kinh tế tổng hợp (thương mại, dịch vụ, công nghiệp, du lịch…), kết hợp đô thị chuyên ngành có năng lực cạnh tranh ở tầm quốc gia, quốc tế, kết nối thông suốt trong nội tỉnh, trong vùng, quốc gia và quốc tế. Bên cạnh yêu cầu xanh, hiện đại, thông minh, giữ được bản sắc văn hoá, các đô thị của Quảng Ngãi cũng phải thích ứng với biến đổi khí hậu, khai thác được hết thế mạnh của tự nhiên.
Đồng thời, giải được bài toán liên thông giữa khu vực miên núi và đồng bằng ven biển, không gian giữa đô thị và khu vực nông thôn. Trong phát triển công nghiệp, Phó Thủ tướng cho rằng Quảng Ngãi phải có các giải pháp để nâng cao chất lượng nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tập trung vào một số chuỗi giá trị hàng hoá lớn, công nghiệp công nghệ cao, cốt lõi… tiến tới làm chủ từ chuyển giao đến thiết kế, nghiên cứu, triển khai, sản xuất, phân phối.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân phát biểu. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
Theo nội dung công bố, Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 có nội dung thể hiện tư duy mới, tầm nhìn mới phù hợp với định hướng phát triển của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước, của vùng giai đoạn 2021 - 2030; từ đó mở ra những cơ hội phát triển mới và định hình các giá trị mới cho tỉnh Quảng Ngãi trong thời kỳ quy hoạch. Bản Quy hoạch lần này được tiếp cận một cách hệ thống, đa chiều; dựa trên sự phát triển bền vững cân bằng giữa 3 yếu tố: kinh tế - xã hội - môi trường.
Dựa trên việc phân tích và trao đổi ở các cấp độ, tỉnh Quảng Ngãi đưa ra 3 tầm nhìn chiến lược: Quảng Ngãi phát triển dựa trên những ưu thế riêng có của mình - hướng đến mô hình phát triển kiểu mẫu bền vững; Quảng Ngãi - một điểm đến mới, chuyên sâu trên cung kinh tế trọng điểm miền Trung và Quảng Ngãi phát huy lợi thế riêng có để trở thành Trung tâm hậu cần cảng biển, kinh tế biển - đảo, hành lang kinh tế Đông Tây.
Về mục tiêu phát triển đến năm 2030, Quảng Ngãi phấn đấu là tỉnh phát triển khá của cả nước, có thu nhập bình quân đầu người ít nhất bằng mức bình quân của cả nước. Đến đến năm 2030, tỉnh phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt 7,25 - 8,25%/năm. GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 7.700 - 7.900 USD. Phấn đấu tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 50%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 410.000 tỷ đồng. Chỉ số phát triển con người (HDI) duy trì thuộc nhóm có chỉ số HDI cao (nhóm 2) theo phân loại của UNDP. Tỷ lệ độ che phủ rừng ổn định ở mức 52%. Tỷ lệ dân số được cấp nước sạch khu vực thành thị 100% và nông thôn trên 80%. Tỷ lệ nước thải đô thị được thu gom và xử lý bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định đạt 50% đối với đô thị loại II và 20% đối với các đô thị còn lại.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi trao Quyết định chủ trương đầu tư cho các nhà đầu tư. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
Tại buổi lễ, tỉnh Quảng Ngãi đã trao Quyết định chấp thuận nhà đầu tư thực hiện một số dự án phát triển đô thị, sản xuất khí công nghiệp trên địa bàn.
* Nhân dịp này, tỉnh Quảng Ngãi đã khởi công dự án đường Hoàng Sa - Dốc Sỏi. Đây là dự án thuộc nhóm A, là công trình giao thông đường bộ cấp I; có tổng chiều dài tuyến là 26,88 km (trong đó có 09 hạng mục công trình cầu), với điểm đầu tuyến giao với đường Trì Bình - Dung Quất, thuộc huyện Bình Sơn và điểm cuối tuyến kết nối với đường Hoàng Sa, tại nút giao đầu cầu Đập dâng sông Trà Khúc thuộc địa phận thành phố Quảng Ngãi; tổng mức đầu tư là 3.500 tỷ đồng; nguồn vốn Trung ương và ngân sách tỉnh; thời gian thực hiện năm 2022 - 2027.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và đại biểu phát lệnh khởi công Dự án đường Hoàng Sa - Dốc Sỏi. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dự Lễ khởi công Dự án đường Hoàng Sa - Dốc Sỏi. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
Công trình sẽ được tổ chức triển khai thi công hoàn thành trong thời gian 24 tháng đảm bảo yêu cầu về chất lượng và mỹ thuật. Dự án sau khi hoàn thành sẽ góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông đường bộ của tỉnh theo quy hoạch được duyệt; đồng thời hình thành trục dọc giao thông quan trọng của tỉnh kết nối nhanh, thuận lợi từ sân bay Chu Lai, Khu kinh tế Dung Quất đến thành phố Quảng Ngãi và các địa phương phía Nam; tạo thành hành lang phát triển kinh tế chủ đạo, làm động lực để thu hút đầu tư và khai thác hiệu quả tiềm năng phát triển kinh tế đối với khu vực phía Đông của các huyện: Bình Sơn, Sơn Tịnh và thành phố Quảng Ngãi; giảm lưu lượng phương tiện trên tuyến Quốc lộ 1, nhất là trong giờ cao điểm hiện đang bị quá tải; đáp ứng nhu cầu đi lại thuận lợi cho Nhân dân.
Theo TTXVN/Báo Tin tức