Qua hơn 2 năm thực hiện chương trình giảm nghèo và triển khai thực hiện phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh đã được các cấp, các ngành và các địa phương tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ và có hiệu quả. Ban vận động Quỹ “Vì người nghèo” các cấp đã vận động trên 39,2 tỷ đồng, hỗ trợ sửa chữa, xây dựng nhà đại đoàn kết, hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế, vay vốn sản xuất...; Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phối hợp tổ chức tiếp nhận từ các tổ chức, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài tỉnh ủng hộ 70.909 suất quà với tổng số tiền trên 22,7 tỷ đồng cho các hộ nghèo, cận nghèo, hộ gia đình chính sách. Qua đó, góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 7,82% năm 2021 xuống còn 5,93% năm 2022 và giảm còn 4,21% năm 2023.
Đại diện Đoàn giám sát Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương phát biểu tại buổi giám sát. Ảnh: T.Mạnh
Tại buổi làm việc, đại diện Đoàn giám sát Ban TĐKT Trung ương ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đạt được trong việc triển khai thực hiện phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” trên địa bàn tỉnh. Về nhiệm vụ trong thời gian tới, đoàn đề nghị Hội đồng TĐKT tỉnh cần quan tâm, đẩy mạnh và đổi mới hơn nữa phong trào thi đua; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong việc vươn lên thoát nghèo bền vững...
* Cùng ngày, Đoàn giám sát Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương đã đến tham quan, khảo sát Mô hình trồng cây măng tây xanh của HTX Dịch vụ Tổng hợp Tuấn Tú tại xã An Hải (Ninh Phước).
Đồng chí Phạm Đức Toàn, Phó Trưởng ban, Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương tham quan thực tế Mô hình trồng măng tây xanh của HTX Dịch vụ Tổng hợp Tuấn Tú tại thôn Tuấn Tú (Ninh Phước). Ảnh: A.Thi
Đến tham quan mô hình giảm nghèo bền vững hỗ trợ sản xuất theo chuỗi giá trị cây măng tây xanh của HTX Dịch vụ Tổng hợp Tuấn Tú, đại diện Đoàn giám sát Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương đánh giá cao hiệu quả của mô hình trồng măng tây xanh theo hướng liên kết trong sản xuất, không chỉ tạo thu nhập ổn định cho cho các thành viên mà còn tạo việc làm thường xuyên cho người dân địa phương, giúp các hộ nghèo phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Đây là hướng đi bền vững mà tỉnh và địa phương cần nhân rộng trong thời gian đến để giúp các hộ nghèo có điều kiện vươn lên thoát nghèo bền vững.
* Trước đó, Đoàn giám sát Ban TĐKT Trung ương đã đi thăm, khảo sát mô hình giảm nghèo bền vững hỗ trợ sản xuất theo chuỗi giá trị cây nha đam ở thôn Xóm Bằng, xã Bắc Sơn (Thuận Bắc).
Đoàn giám sát Ban TĐKT Trung ương đến tham quan mô hình trồng nha đam ở thôn Xóm Bằng, xã Bắc Sơn (Thuận Bắc). Ảnh: Văn Nỷ
Tiến Mạnh-Anh Thi