Tại hội nghị, đại diện Cục Sở hữu trí tuệ giới thiệu tổng quan về nhiệm vụ đăng ký bảo hộ, CDĐL cho sản phẩm nha đam. Theo đó, với mục tiêu nhằm phát huy danh tiếng, đảm bảo duy trì sự tín nhiệm của người tiêu dùng, đảm bảo cơ chế quản lý sử dụng CDĐL có hệ thống chặt chẽ, khoa học; hình thành hệ thống sản xuất, phát triển sản phẩm mang CDĐL theo chuỗi giá trị gắn với truy xuất nguồn gốc và kiểm soát chất lượng sản phẩm từ đó nâng cao giá trị của sản phẩm nha đam trên thị trường, chống lại sự lạm dụng dấu hiệu nguồn gốc, nâng cao đời sống của người sản xuất, kinh doanh. Khu vực địa lý của sản phẩm nha đam được giới hạn trong 5 đơn vị hành chính sau: huyện Ninh Phước, T.p Phan Rang - Tháp Chàm, huyện Ninh Hải, huyện Ninh Sơn, huyện Thuận Bắc với tổng diện tích 800 ha. Đối tượng sản phẩm nha đam được lựa chọn bảo hộ CDĐL “Ninh Thuận” gồm 2 sản phẩm: Lá nha đam, Thạch nha đam.
Các đại biểu tham dự hội nghị.
Cũng tại hội nghị, các đại biểu đã chia sẻ về tình hình quản lý, phát triển cây nha đam tại đơn vị, địa phương và đề xuất, góp ý các nội dung của nhiệm vụ như: phương án triển khai, định hướng phát triển vùng nguyên liệu đáp ứng nhu cầu thị trường. Thiết lập mô hình sản xuất, quản lý và phát triển sản phẩm nha đam của tỉnh được bảo hộ CDĐL theo chuỗi giá trị gắn với truy xuất nguồn gốc và quản lý chất lượng sản phẩm được bảo hộ. Đồng thời mong muốn, Cục Sở hữu trí tuệ sớm triển khai các nội dung của nhiệm vụ, đăng ký thành công CDĐL, góp phần tăng thêm nhận thức và hiểu biết của cộng đồng về giá trị thương hiệu sản phẩm nha đam của tỉnh.
Hồng Nguyệt