Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo ngành giáo dục cần khẩn trương xây dựng và triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng XI trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo; hoàn chỉnh việc xây dựng và tổ chức thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2011 - 2020 nhằm đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam.
Ngày 16/7, tại tỉnh Đồng Tháp, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức Hội nghị tổng kết 4 năm thực hiện Chỉ thị 33/2006/CT-TTg về chống tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục chuyên nghiệp. Hội nghị cũng tiến hành sơ kết 3 năm thực hiện phong trào thi đua “ Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”; tổng kết năm học 2010-2011, triển khai nhiệm vụ năm học 2011-2012. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chủ trì Hội nghị.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: “Những điều tốt đẹp nhất phải dành cho giáo dục đào tạo”
- Ảnh: Chinhphu.vn
Báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo và thảo luận của các đại biểu tại Hội nghị đều khẳng định, cuộc vận động “Hai không” và phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” gắn với đổi mới công tác quản lý giáo dục là những giải pháp tích cực của ngành giáo dục được đề ra đúng thời điểm, đã nhận được sự đồng thuận và quan tâm của toàn dân, của các cấp, các ngành, đoàn thể từ Trung ương đến địa phương. Toàn ngành giáo dục, từ cán bộ quản lý đến các thầy cô giáo và học sinh đã hưởng ứng và triển khai tích cực; đến nay đã đạt được những kết quả về nhiều mặt, tạo ra những động lực mới trong dạy và học, nâng cao hơn chất lượng giáo dục toàn diện. Trật tự, kỷ cương trong thi cử, hoạt động giám sát, kiểm tra, thanh tra được tăng cường, những tiêu cực trong dạy và học đã cơ bản được ngăn chặn. Kết quả các kỳ thi đã thực chất hơn. Công tác thi đua khen thưởng đã có nhiều đổi mới gắn với triển khai thực hiện chuẩn đánh giá giáo viên, cán bộ quản lý, bảo đảm tính khách quan, công bằng, góp phần làm cho các phong trào thi đua đi vào thực chất và có ý nghĩa hơn. Cụ thể là số thí sinh bị đình thi chỉ giảm mạnh từ 2.621 em năm 2007 xuống còn 45 em vào năm 2011, tỷ lệ học sinh bỏ học giảm từ 0,9% năm học 2006-2007 xuống còn 0,51% năm học 2009-2010, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học năm 2011 đạt 95,72%, tình hình vi phạm đạo đức nhà giáo đã giảm (năm 2008 có 24 vụ, năm 2010 có 11 vụ và 6 tháng đầu năm 2011 có 3 vụ)...
Cũng trong 3 năm thực hiện phong trào thi đua “ Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” đã tạo nhận thức rõ rệt về cách làm giáo dục ở các địa phương, ý thức trách nhiệm của toàn xã hội đối với hoạt động giáo dục, xã hội hóa giáo dục chuyển biến tích cực. Nổi bật là ở hầu hết các trường khung cảnh sư phạm ngày càng khang trang, văn minh, nền nếp, tỷ lệ giáo viên dạy giỏi ngày càng tăng, 98,6% số trường đã xây dựng Qui tắc văn hóa ứng xử ...
Các tham luận của đại biểu tại Hội nghị đã chỉ ra các hạn chế và kiến nghị nhiều giải pháp để thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 33 của Thủ tướng Chính phủ và phong trào thi đua của ngành.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng biểu dương sự nỗ lực và những thành tích đã đạt được từ các cuộc vận động và phong trào thi đua của toàn ngành giáo dục trong những năm qua; biểu dương đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, các thầy cô giáo và các em học sinh đã tích cực thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, các cuộc vận động và các phong trào thi đua của ngành; đồng thời đánh giá cao sự phối hợp có hiệu quả của các cấp, các ngành từ Trung ương tới địa phương trong lĩnh vực công tác rất quan trọng này.
Nêu bật những thành tựu mà ngành giáo dục đã đạt được trong thời gian qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ rõ những tồn tại, hạn chế của ngành cần khắc phục trong thời gian tới, đó là nhận thức và ý thức trách nhiệm của một bộ phận cán bộ quản lý và giáo viên về yêu cầu thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng, thực hiện các cuộc vận động và các phong trào thi đua của ngành còn hạn chế. Việc triển khai thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, đổi mới nội dung và phương pháp dạy học còn nhiều bất cập, nhất là ở vùng có điều kiện khó khăn.... Bệnh tiêu cực và bệnh thành tích trong giáo dục vẫn chưa được khắc phục triệt để. Tình trạng trường học chưa thân thiện, học sinh chưa tích cực vẫn còn tồn tại ở nhiều nơi. Trên tinh thần này, Thủ tướng đề nghị các đại biểu tham dự Hội nghị dành thời gian thảo luận nghiêm túc, đề ra những giải pháp thiết thực, hiệu quả để thực hiện tốt hơn, với quyết tâm cao hơn các cuộc vận động và các phong trào thi đua của toàn ngành; khắc phục nhanh những yếu kém còn tồn tại.
Để thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội Đảng XI, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu ngành giáo dục phải tập trung sức phát huy những kết quả đạt được, gắn việc thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về chống tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục với đẩy mạnh thực hiện "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", đẩy mạnh phong trào thi đua "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực". Coi đây là hoạt động thường xuyên trong mỗi nhà trường, mỗi cơ sở giáo dục, thực hiện tốt các mục tiêu nhiệm vụ trong năm học tới và các năm tiếp theo.
Trước mắt, Thủ tướng chỉ đạo ngành giáo dục cần khẩn trương xây dựng và triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng XI trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo; hoàn chỉnh việc xây dựng và tổ chức thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2011 - 2020 nhằm đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XI của Đảng để phát triển nền giáo dục theo hướng chuẩn hoá, hiện đại hoá, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế; đưa nền giáo dục nước ta tiến kịp nền giáo dục tiên tiến trên thế giới; góp phần quan trọng xây dựng nền văn hóa, con người Việt Nam và thực hiện các mục tiêu Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020. Đồng thời, tiếp tục đổi mới quản lý giáo dục, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, là khâu đột phá để nâng cao chất lượng giáo dục.... đổi mới cơ chế tài chính, đẩy mạnh hợp tác quốc tế và khuyến khích các hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, tạo điều kiện để người dân được học tập suốt đời.
Thủ tướng cũng đề nghị ngành tiếp tục chăm lo xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục cả về số lượng và chất lượng gắn với đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động "Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo". Cần làm tốt công tác quy hoạch đào tạo nguồn nhân lực của ngành Giáo dục và tiếp tục đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp dạy và học, triển khai có kết quả Đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi.... Phát triển mạng lưới trường, lớp học và nâng cấp cơ sở vật chất - kỹ thuật cho các cơ sở giáo dục, đào tạo theo hướng chuẩn hóa, đồng thời dành sự quan tâm hơn tới phát triển giáo dục, đào tạo ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện khó khăn.
Với tình cảm và trách nhiệm đặc biệt với ngành giáo dục, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Đảng, Nhà nước ghi nhận, đánh giá cao các kết quả mà sự nghiệp giáo dục đào tạo đạt được. Sự nghiệp giáo dục đào tạo đã có đóng góp rất quan trọng, to lớn đối với sự phát triển của đất nước. Giáo dục đã góp phần đưa Việt Nam từ một nước chịu hậu quả nặng nề sau chiến tranh vươn lên thành nước xuất khẩu gạo, cà phê, cao su, cá ba sa,... thuộc hàng lớn nhất trên thế giới, thực hiện thành công công cuộc xóa đói giảm nghèo, “đưa đất nước Việt Nam vượt qua tình trạng một nước nghèo , kém phát triển thành nước có thu nhập trung bình” đúng như mục tiêu mà Đại hội Đảng đã đề ra.
Tuy nhiên bên cạnh các thành tựu to lớn về giáo dục đào tạo, Thủ tướng đề nghị phải quan tâm tới chất lượng giáo dục. Nhiệm vụ đặt ra đối với công tác giáo dục đào tạo nước ta còn rất nặng nề, để phát triển nhanh Nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, cần triển khai đồng bộ các giải pháp. Trước hết Thủ tướng lưu ý phải quán triệt sâu rộng, nâng cao nhận thức để đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý, toàn hệ thống chính trị, toàn xã hội và từng người dân thấy được ý nghĩa và vai trò to lớn của công tác giáo dục đào tạo. Đại hội Đảng XI đã chỉ rõ: Phát triển Nguồn nhân lực chất lượng cao và Đổi mới cơ bản, toàn diện sự nghiệp giáo dục là một trong 3 khâu đột phá của đất nước giai đoạn tới. Thủ tướng đề nghị lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương phải quan tâm “dành những gì tốt nhất cho giáo dục”, để “giáo dục thực sự là quốc sách hàng đầu”.
Thủ tướng yêu cầu, những việc cần làm ngay trong thời gian tới là: Rà soát các thể chế, quy chế, quy định về giáo dục đào tạo để sửa đổi, hoàn chỉnh và ban hành theo hướng huy động mọi sự sáng tạo cho giáo dục; tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra, chăm lo xây dựng trường lớp. Quản lý giáo dục đại học cần phải được Bộ GD-ĐT và chính quyền các địa phương quan tâm nhiều hơn nữa, xây dựng, ban hành kịp thời các văn bản pháp lý để quản lý đầy đủ mọi quá trình hoạt động của các trường đại học. Đảm bảo công bằng cho giáo dục, thời gian tới cần chú ý nhiều hơn tới công tác giáo dục vùng đồng bào dân tộc, chăm lo phát triển hệ thống trường bán trú dân nuôi, tạo cơ hội học tập cho trẻ vùng nông thôn, dù khó khăn đến đâu Chính phủ cũng cam kết sẽ đảm bảo đủ nguồn vốn tín dụng cho sinh viên.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân động viên,
tặng hoa em Võ Thành Luân trường Trường Xuân đã đạt 57,5 điểm-
thủ khoa kỳ thi tốt nghiệp lớp 12của Đồng Tháp - Ảnh: Chinhphu.vn.
Nhân dịp tham dự Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tặng hoa chúc mừng em Võ Thành Luân, học sinh trường Trung học phổ thông Trường Xuân, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp vừa đạt thủ khoa tốt nghiệp phổ thông trung học của tỉnh, với 57,5 điểm. Đây là tấm gương học sinh nghèo vượt khó của tỉnh Đồng Tháp với 12 năm học phổ thông đều đạt học sinh giỏi.
Thủ tướng biểu dương thành tích học tập xuất sắc và tinh thần vượt khó của em Võ Thành Luân, đồng thời mong muốn em tiếp tục cố gắng học tập, xứng đáng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành, của gia đình và xã hội. Đề nghị tỉnh Đồng Tháp quan tâm hỗ trợ em Võ Thành Luân, Thủ tướng cho rằng, những cố gắng của em Luân đã chứng minh dù hoàn cảnh khó khăn nhưng với nghị lực, bằng tri thức và hoài bão cao đẹp, em sẽ biến ước mơ thành hiện thực, góp phần xây dựng đất nước.
Chia sẻ về kinh nghiệm học tập của mình, em Luân nói: “Em cố gắng tiếp thu kiến thức và làm bài tập tại lớp, nắm chắc lý thuyết và giải nhiều bài tập để rèn kỹ năng làm bài cho mình. Không có điều kiện để mua sách tham khảo, em tranh thủ những giờ giải lao hay cuối buổi học, em thường lên thư viện đọc sách để mở rộng kiến thức. Đồng thời, những bài tập khó em chưa hiểu liền chủ động gặp các thầy cô nhờ giải thích hay cùng các bạn trao đổi để tìm ra cách giải”. Chính việc luôn bám sát chương trình ôn tập theo nội dung bài thầy cô hướng dẫn và nắm vững kiến thức, rèn luyện tốt kỹ năng làm bài tập và tự học là chính đã giúp cho Luân tự tin làm bài đạt được kết quả tốt trong kỳ thi vừa qua.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng Sản Việt Nam