Đơn cử như chợ Khánh Hải (Ninh Hải), có gần 500 tiểu thương kinh doanh với lượng hàng hóa tại chợ rất lớn, tuy nhiên, công tác đảm bảo an toàn PCCC tại chợ vẫn còn nhiều bất cập. Tại một số điểm quầy bán hàng, các loại hàng hóa, bao bì dễ bắt cháy vẫn được xếp sát với khu vực ổ cắm điện. Các thiết bị điện như quạt, bóng đèn qua nhiều năm sử dụng, không được kiểm tra thay thế, bị sờn cũ, chập chờn nhưng vẫn được sử dụng. Nhiều tiểu thương cũng chưa biết cách sử dụng bình chữa cháy.
Kiểm tra hệ thống phòng cháy, chữa cháy tại chợ Khánh Hải (Ninh Hải).
Ông Nguyễn Nhựt, Trưởng Ban quản lý (BQL) chợ Khánh Hải cho biết: Khu nhà lồng chợ được xây dựng từ năm 1997, trải qua nhiều năm sử dụng, các trang thiết bị PCCC tại chợ đã xuống cấp, hư hỏng. Hệ thống đường ống chữa cháy cũ lâu ngày không sử dụng cũng đã bị mục gãy, không đáp ứng được yêu cầu PCCC. Không những thế, khu nhà lồng chật hẹp, hàng trăm tiểu thương phải ngồi tràn ra đường đi cạnh chợ, ảnh hưởng đến công tác chữa cháy. Mặc dù BQL chợ thường xuyên nhắc nhở, cảnh báo nhưng do điều kiện thực tế không thể bố trí tiểu thương ở chỗ nào khác. Do đó rất mong được Nhà nước quan tâm đầu tư mở rộng phạm vi chợ và trang bị hệ thống PCCC đảm bảo an toàn cho tiểu thương, người dân.
Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh có khoảng 120 chợ dân sinh. Đây là một trong những loại hình cơ sở được xếp loại đặc biệt nguy hiểm về cháy, nổ. Thực tế trong những năm qua, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra không ít vụ cháy tại các chợ như chợ Khánh Hải, Quảng Sơn, Tân Mỹ..., gây thiệt hại lớn về tài sản, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội. Tuy nhiên, hiện nay, tại nhiều chợ, nguy cơ mất an toàn PCCC vẫn đang hiện hữu. Theo Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ (CNCH) Công an tỉnh, mặc dù chính quyền địa phương rất quan tâm chỉ đạo, kiểm tra công tác PCCC tại các chợ. Tuy nhiên, đối với các chợ dân sinh trên địa bàn tỉnh luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn PCCC; đặc biệt hiện nay trên địa bàn tỉnh có một số chợ đưa vào sử dụng trước năm 2001, trước thời điểm Luật PCCC có hiệu lực nên chưa đáp ứng được các điều kiện về thẩm định, nghiệm thu về PCCC.
Lãnh đạo Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH cho biết: Trong số các chợ không đảm bảo an toàn, có chợ Khánh Hải (Ninh Hải), chợ Phước Dân (Ninh Phước) và chợ Quảng Sơn (Ninh Sơn). Đến thời điểm này, chính quyền địa phương, các BQL chợ và cơ quan Cảnh sát PCCC và CNCH cũng rất quan tâm kiểm tra, nhưng các chợ này vẫn có nguy cơ rất cao mất an toàn PCCC. Các chợ này, trong thời gian tới Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH sẽ báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo xử lý dứt điểm theo quy định của Nghị quyết số 17/2021/NQ-HĐND ngày 11/12/2021 quy định việc xử lý đối với các cơ sở không đảm bảo yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy được đưa vào sử dụng trước ngày Luật Phòng cháy và chữa cháy số 27/2001/QH10 ngày 29/6/2001 và hiệu lực trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận. Theo đó, trước ngày 1/1/2024 nếu các chợ không đảm bảo các tiêu chí quy định sẽ phải buộc di dời hoặc ngưng hoạt động. Đối với các chợ dân sinh trên địa bàn tỉnh, nhất là trong thời điểm cuối năm và dịp Tết Nguyên đán sẽ tập trung lớn lượng hàng hóa, do đó đề nghị các chợ cần phải chấp hành nội quy PCCC và tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn, nhắc nhở đối với các hộ tiểu thương và người dân luôn chấp hành quy định PCCC tại chợ. Việc bố trí hàng hóa phải đảm bảo khoảng cách an toàn tuyệt đối không cho tiểu thương thắp hương, sử dụng lửa trong khu vực chợ.
Để nâng cao hiệu quả PCCC tại các chợ dân sinh, bên cạnh việc tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị PCCC đồng bộ, hiện đại. Các chủ đầu tư, BQL chợ cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức PCCC cho tiểu thương, người dân ở các chợ, nhất là trang bị kiến thức, kỹ năng PCCC để chủ động phòng ngừa và xử lý kịp thời khi có cháy, nổ xảy ra. Việc nâng cao hiệu quả PCCC cho chợ dân sinh góp phần hạn chế tối đa các vụ cháy, nổ, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân và các hộ kinh doanh.
Anh Tuấn