Vì vậy, cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia giáo dục khuyến cáo người dân nên thận trọng khi tiếp cận các nguồn thông tin không chính thống và không lan truyền những nội dung chưa được kiểm chứng, tác động tiêu cực tới quá trình dạy, học của thầy và trò các nhà trường.
Phê bình, góp ý sách giáo khoa cần đúng và trung thực
Từ đầu năm học 2023 - 2024 đến nay, nhiều tài khoản mạng xã hội đã lan truyền hình ảnh chụp trang sách về một số nội dung được cho là ngữ liệu trong sách giáo khoa như: Giã gạo thổi cơm, Bạn An dũng cảm, Bắn tung tóe, Bé xách đỡ mẹ, Vẽ gì khó… Những nội dung này đã thu hút nhiều người xem và được lan truyền nhanh chóng, với các ý kiến bình luận tiêu cực về chất lượng sách giáo khoa mới, người viết sách giáo khoa và ngành giáo dục.
Những hình ảnh sai sự thật về các nội dung trong sách giáo khoa tạo ra dư luận không hay, ảnh hưởng đến việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018: Văn Dũng/TTXVN
Tuy nhiên thực tế, các nội dung trên không có trong bất kỳ cuốn sách giáo khoa hiện hành nào đang được sử dụng tại các nhà trường. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thông tin khuyến cáo về vấn đề này, đồng thời có công văn đề nghị Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) hỗ trợ xác minh, kiểm tra nguồn gốc các thông tin trên và có giải pháp ngăn chặn việc lan truyền thông tin sai sự thật; xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân đăng tải, bình luận xuyên tạc, khiến dư luận hoang mang, ảnh hưởng tới uy tín của ngành giáo dục.
Hiện nay, có 3 bộ sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt để sử dụng trong các nhà trường gồm: Kết nối tri thức với cuộc sống, Chân trời sáng tạo và Cánh Diều. Ngay từ khi mới ra đời, một số sách giáo khoa được giáo viên, phụ huynh phát hiện có “sạn”, một số ngữ liệu chưa phù hợp, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu các nhà xuất bản chỉnh sửa.
Ông Nguyễn Văn Tùng, Phó Tổng biên tập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cho biết: Bên cạnh những văn bản được quy định trong chương trình phổ thông thì cũng có những văn bản tác giả sách giáo khoa tự lựa chọn. Tuy nhiên, sự lựa chọn đó bao giờ cũng tuân thủ quy trình chặt chẽ, là sự xét duyệt của hội đồng thẩm định quốc gia qua rất nhiều vòng. Vì vậy, văn bản có nội dung không tốt, hầu như ko bao giờ có cơ hội xuất hiện trong sách giáo khoa.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Ngọc Thống, chủ biên môn Ngữ văn, Chương trình giáo dục phổ thông 2018, phụ huynh và người dùng mạng xã hội nên tỉnh táo phân tích khi tiếp cận với các nội dung, hình ảnh lan tràn trên không gian mạng. Những hình ảnh sai sự thật về các nội dung trong sách giáo khoa tạo ra dư luận không hay, ảnh hưởng đến việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Ngọc Thống cho rằng: Việc phê bình, góp ý cho sách giáo khoa hay bất kì tài liệu, bài báo, công trình khoa học nào cũng là cần thiết và nên làm. Tuy nhiên, động cơ và mục đích phê bình, góp ý, cũng như thái độ và cách làm cần trong sáng, tôn trọng lẫn nhau... đặc biệt cần nêu thông tin đúng và trung thực, có căn cứ, bằng chứng cụ thể, rõ ràng... đừng chỉ nghe nói đâu đó rồi đưa lại không kiểm chứng.
“Khi nêu lên một hiện tượng nào, nhất là với sách giáo khoa, mọi người hãy chụp nguyên văn bài, trang bìa của sách, tên các tác giả và nhà xuất bản, năm xuất bản rõ ràng để thông tin được đưa một cách trung thực. Nhiều người cũng không phân biệt được sách giáo khoa với sách tham khảo, sách ngoài thị trường và sách được lưu hành trong nhà trường, sách của những lần đổi mới trước và sách mới theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018...” - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Ngọc Thống bày tỏ.
Kiểm soát chặt chẽ các xuất bản phẩm trong nhà trường
Trước những thông tin sai sự thật, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các cơ quan liên quan đã kịp thời lên tiếng cảnh báo nhưng hiệu ứng đám đông lan truyền vẫn khiến dư luận xã hội và phụ huynh lo lắng, băn khoăn về chất lượng các sách giáo khoa, sách tham khảo được đưa vào giảng dạy trong các nhà trường hiện nay. Do vậy, việc kiểm tra, giám sát chất lượng các xuất bản phẩm này cần được tăng cường hơn nữa để không bỏ sót, lọt những tài liệu, nội dung không phù hợp được đưa vào giảng dạy.
Bên cạnh việc quản lý chất lượng sách giáo khoa, từ năm 2014, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 21/2014/TT-BGDĐT quy định về quản lý và sử dụng xuất bản phẩm tham khảo trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên.
Theo đó, xuất bản phẩm tham khảo được lựa chọn sử dụng trong các cơ sở giáo dục phải đảm bảo các yêu cầu sau: Phù hợp với mục tiêu, nội dung chương trình giáo dục do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành đối với từng cấp học, lớp học; đảm bảo tính khoa học, tính chính xác, tính sư phạm và tính thẩm mĩ; phù hợp với tâm sinh lí lứa tuổi của đối tượng sử dụng. Đồng thời, các sách tham khảo không trái với văn hóa, lịch sử, địa lí, đạo lí và thuần phong mĩ tục Việt Nam, phù hợp với xu hướng hội nhập quốc tế; có tác dụng giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc; đảm bảo giữ gìn an ninh chính trị, trật tự xã hội và giữ vững chủ quyền quốc gia; không vi phạm các quy định của pháp luật.
Giáo viên có trách nhiệm cung cấp đầy đủ thông tin, nhận định và đề xuất đúng, khách quan, tin cậy cho cơ sở giáo dục để lựa chọn được xuất bản phẩm tham khảo có chất lượng và sử dụng có hiệu quả trong quá trình giảng dạy, nghiên cứu; kịp thời phản ánh với cán bộ quản lí cơ sở giáo dục về những xuất bản phẩm tham khảo không đúng với các quy định trên. Người đứng đầu các cơ sở giáo dục có biện pháp chủ động ngăn ngừa các xuất bản phẩm tham khảo không đúng quy định xâm nhập vào nhà trường; dừng việc sử dụng xuất bản phẩm tham khảo có nội dung sai sót, không phù hợp với mục tiêu, chương trình giáo dục và sách giáo khoa.
Các Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra các nhà trường về việc sử dụng sách; đình chỉ việc sử dụng xuất bản phẩm tham khảo có nội dung sai sót, không phù hợp với mục tiêu, chương trình giáo dục và xử lí theo thẩm quyền đối với những cơ sở giáo dục, các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa - tác giả từng có nhiều tác phẩm được đưa vào sách giáo khoa cho rằng: Việc đưa ra các nhận định về tác phẩm, đặc biệt là các bài trong sách giáo khoa cần hết sức cẩn trọng, có cái nhìn đa chiều, phù hợp. Nhiều thông tin không chính xác đưa ở đâu đó vào chứ không phải trong sách giáo khoa. Ở chiều ngược lại, khi lựa chọn những nội dung đưa vào sách giáo khoa cần phải chuẩn. Hiện nay, vẫn xuất hiện bài đưa vào như “báo tường”, chúng ta bắt học sinh phải học mà quên mất rằng, những bài học trong chương trình phổ thông sẽ đi theo các em suốt đời, sau này làm gì cũng nhớ như in bài học đó. Vì vậy, phải chọn những tác phẩm có giá trị đích thực, tránh sự lộn xộn không đáng có.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thị Minh Hằng, giảng viên cao cấp Học viện Quản lý Giáo dục chia sẻ: Khi tiếp nhận những thông tin không đúng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần nhanh chóng phối hợp với cơ quan an ninh để vào cuộc xác minh những tổ chức, cá nhân cố tình đăng thông tin sai sự thật nhằm bôi xấu danh dự ngành Giáo dục và Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đồng thời, cơ quan chức năng phải xử lý người vi phạm theo các chế tài của pháp luật thật nghiêm minh.
Bộ Giáo dục và Đào tạo và các nhà xuất bản, cần chủ động rà soát, kiểm tra xem những nội dung đó có nằm trong sách giáo khoa hay không? Nếu phản ánh đúng, Bộ cần tiếp thu, chỉnh sửa, hiệu đính theo quy định để đảm bảo tính chính xác về mặt ngữ liệu. Bởi ngữ liệu trong sách giáo khoa ngoài đúng về mặt chuyên môn phải đảm bảo tính sư phạm. Bên cạnh đó, thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới, giáo viên được giao quyền tự chủ và phát triển chương trình. Thầy cô phải là người rà soát, nếu ngữ liệu trong sách giáo khoa chưa chuẩn có thể thay thế bằng nội dung khác cho phù hợp, đảm bảo tính khoa học.
Theo TTXVN/Báo Tin tức