Sau khi núi lửa Hunga-Tonga-Hunga-Ha'apai ở ngoài khơi Tonga phun trào năm 2022 và đưa hàng triệu tấn nước vào bầu khí quyển Nam bán cầu hồi tháng 1/2022, các nhà khoa học NASA cho rằng lượng nước nhiều hơn bình thường 10% sẽ có hại cho tầng ozone và Trái đất phải chuẩn bị đối phó với một lỗ thủng lớn ở tầng ozone vào mùa Thu 2023.
Núi lửa phun trào gây ra sóng thần tại Tonga. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Ông Paul Newman, Trưởng nhóm nghiên cứu ozone của NASA, từng cho rằng: “Đó là quy mô rất lớn. Điều đó thật tồi tệ đối với những người phải sống ở khu vực cạn kiệt ozone ở cực Nam Nam Mỹ". Nhưng thực tế điều này đã không xảy ra.
Theo thông tin mới nhất của NASA và Cơ quan Khí quyển và Đại dương quốc gia Mỹ (NOAA), lỗ thủng tầng ozone năm 2023 có kích thước trung bình trong 20 năm qua, thậm chí nhỏ hơn một chút so với năm ngoái. Từ tháng 9 đến giữa tháng 10, lỗ thủng tầng ozone có diện tích trung bình là 23,1 triệu km2, lớn thứ 16 kể từ khi các vệ tinh bắt đầu theo dõi vào năm 1979.
Theo ông Newman, các nhà nghiên cứu sẽ phải tìm ra mô phỏng máy tính của họ đã sai ở đâu. Lỗ thủng tầng ozone đã được cải thiện nhờ Nghị định thư Montreal năm 1987, khi các nước trên thế giới đồng ý ngừng hoạt động sản xuất tạo ra các chất thải làm suy giảm tầng ozone.
Theo dữ liệu của NASA, lỗ thủng tầng ozone lớn nhất vào năm 2000 với diện tích 29,9 triệu km2. Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng phải mất nhiều thập niên để lỗ thủng tầng ozone "lành hẳn".
Theo TTXVN/Báo Tin tức