Đồng chí Châu Thị Thanh Hà, UVTV Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Phan Rang-Tháp Chàm, cho biết: Nhận thức ý nghĩa, tầm quan trọng của việc triển khai Đề án, Ban Thường vụ Thành ủy đã chỉ đạo cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các tổ chức chính trị-xã hội tuyên truyền sâu rộng nội dung Đề án đến từng cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân; đồng thời giao Ban Tuyên giáo Thành ủy hướng dẫn các địa phương, đơn vị tiếp nhận, quản lý, sử dụng và khai thác sách đạt hiệu quả, đáp ứng nhu cầu văn hóa đọc ở cơ sở.
Qua thống kê từ các địa phương, đơn vị, từ năm 2009 đến nay có 16/16 phường, xã và các đơn vị trên địa bàn thành phố đã tiếp nhận đúng, đủ số lượng các ấn phẩm theo danh mục cấp phát của Trung ương, với tổng cộng hơn 11.000 đầu sách (bao gồm cả đĩa CD-ROM và CD Audio) với trên 25.000 bản sách. Đây là nguồn tài liệu quan trọng cung cấp kiến thức, kỹ năng về công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể, về tư tưởng Hồ Chí Minh, về chính sách pháp luật, văn hóa, y tế, giáo dục, môi trường, khoa học, kỹ thuật...góp phần nâng cao kiến thức, trình độ cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân ở xã, phường, đơn vị; đồng thời, các đầu sách là nguồn định hướng tư tưởng quan trọng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân ở các địa phương.
Mô hình xe thư viện lưu động phục vụ cho học sinh Trường Tiểu học Đô Vinh 3 (Tp. Phan Rang – Tháp Chàm). Ảnh: S.Ngọc
Các đầu sách được trang bị hầu hết thuộc thể loại hỏi và đáp, thuận lợi cho việc tìm hiểu, tra cứu thông tin, việc vận dụng vào thực tiễn và việc triển khai, thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, thiết thực trong việc đưa kiến thức lý luận chính trị, pháp luật, văn hóa - xã hội, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất vào đời sống. Việc tăng cường trang bị sách cho cơ sở, xã, phường góp phần thực hiện có hiệu quả Kết luận của Hội nghị Trung ương 7 (khóa XI) về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở; Kết luận của Bộ Chính trị về một số chủ trương, giải pháp tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay và Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, khóa XIII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ...
Phát huy các kết quả đạt được, trong thời gian đến, địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về ý nghĩa và sự cần thiết, về mục đích và yêu cầu của việc thực hiện Đề án, làm cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân nhận thức sâu sắc và hiểu rõ về chủ trương đúng đắn của Đảng, về trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong việc chỉ đạo, triển khai thực hiện Đề án. Gắn việc quản lý, khai thác, sử dụng sách của Đề án với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị ở từng địa phương; tăng cường quản lý, sử dụng có hiệu quả các loại sách, ấn phẩm đã được trang bị. Các cấp ủy Đảng, chính quyền, địa phương cần chú trọng công tác kiểm tra, đôn đốc thực hiện tốt việc quản lý, sử dụng sách của Đề án; phân công cán bộ phụ trách, theo dõi và hướng dẫn việc tra cứu, tìm hiểu kiến thức, thông tin từ các loại sách, ấn phẩm được trang bị; thường xuyên đánh giá, sơ kết, rút kinh nghiệm, kịp thời phát hiện, nhân rộng những mô hình hay, cách làm hiệu quả trong triển khai thực hiện.
Xuân Bính