Đóng trên địa bàn phường Đô Vinh (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm), Trường Tiểu học Đô Vinh 2 là cơ sở giáo dục có khá đông HSKT theo học hòa nhập. Cô giáo Phạm Thị Mỹ Dung, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đô Vinh 2, cho biết: Thời gian qua, để thực hiện GDHN, nhà trường chú trọng nâng cao nhận thức, cử cán bộ, giáo viên (GV) tham gia các lớp bồi dưỡng GDHN do ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức để nâng cao năng lực chuyên môn, phương pháp giảng dạy HSKT. Trong sinh hoạt chuyên môn, cán bộ, GV thường xuyên trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm quản lý, giáo dục HSKT. Cùng với đó, vào đầu mỗi năm học, nhà trường tổng hợp danh sách HSKT đã được cấp giấy chứng nhận để phân lớp phù hợp. Trong quá trình dạy học, GV tiếp tục theo dõi, phát hiện những em có biểu hiện khuyết tật để tư vấn cho phụ huynh đi thăm khám, giám định, sau đó làm đơn đề nghị chính quyền địa phương cấp giấy chứng nhận khuyết tật để thuận tiện trong việc dạy-học và được hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Hiện nay, toàn trường có 11 HSKT (đã được cấp giấy chứng nhận khuyết tật) học hòa nhập tại 11 lớp từ khối 1 đến khối 5. HSKT và GV giảng dạy được hưởng đầy đủ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Đa phần HSKT của trường thuộc dạng khuyết tật nhẹ nên có khả năng hòa nhập. Qua theo dõi, đánh giá, năm học này, có 3/11 HSKT có khả năng được học chương trình hiện hành như những học sinh bình thường.
Giờ lên lớp của cô và trò lớp 1A, Trường Tiểu học Đô Vinh 2 (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm).
Để thực hiện hiệu quả việc GDHN cho HSKT, cùng với xây dựng tinh thần cảm thông, chia sẻ, Trường Tiểu học Đô Vinh 2 sắp xếp, bố trí mỗi lớp học hòa nhập có 1 HSKT và giảm sĩ số từ 3-5 học sinh so với lớp bình thường. GV chủ nhiệm phối hợp với gia đình HSKT xây dựng kế hoạch giáo dục cá nhân phù hợp với năng lực, nhu cầu của từng HSKT và điều kiện thực tế của nhà trường. Sau khi kế hoạch được phê duyệt, GV tổ chức dạy học, đánh giá HSKT theo kế hoạch giáo dục cá nhân. Nhà trường cũng tạo điều kiện cho HSKT tham gia các hoạt động tập thể để các em mạnh dạn giao tiếp, thể hiện khả năng của bản thân... Cô giáo Nguyễn Thị Minh Trang, GV chủ nhiệm lớp 1A, Trường Tiểu học Đô Vinh 2, chia sẻ: GDHN cho HSKT là việc khó. Ngoài kiến thức, kinh nghiệm, cần một trái tim đủ yêu thương để luôn nỗ lực, đồng hành.
Thông qua các đợt tập huấn, tích lũy kiến thức từ thực tế và học hỏi kinh nghiệm từ đồng nghiệp, đến nay, việc tiếp nhận, thực hiện GDHN cho HSKT với tôi không còn bỡ ngõ như những ngày đầu, song khó khăn thì vẫn còn khá nhiều. Mỗi HSKT có biểu hiện, khả năng, nhu cầu khác nhau nên GV phải phối hợp với gia đình xây dựng kế hoạch giáo dục cá nhân cho từng học sinh. Không có thời gian cố định cho hành trình hòa nhập của HSKT, tùy theo mức độ tật mà mỗi em hòa nhập nhanh hay chậm, có em học 2 năm không nhớ kiến thức nào nhưng đến năm thứ 3 thì tiến bộ rõ nét. Đơn cử như em Thành Đại có 2 năm học không nhớ kiến thức nào, đến năm thứ 3 đã đọc thông, viết thạo. Sự tiến bộ của Thành Đại làm tôi vui mừng đến rơi nước mắt vì những nỗ lực của cô và trò đã được đền đáp xứng đáng. Hiện nay, Thành Đại đang học lớp 3. Năm học này, lớp tôi chủ nhiệm có 1 học sinh bị tự kỷ, khuyết tật ngôn ngữ, khả năng ghi nhớ rất kém. Tôi tiếp tục đồng hành, động viên để em luôn vui vẻ đến trường; luyện nói theo cô giáo mỗi ngày và “phải” nói ra những nhu cầu của mình với GV để tăng khả năng giao tiếp, từ đó có những chuyển biến tích cực ở những kỹ năng khác để có cuộc sống tốt hơn trong tương lai.
Triển khai chương trình GDHN và các hoạt động chăm sóc, giáo dục HSKT, những năm học qua, ngành GD&ĐT luôn chú trọng xây dựng kế hoạch, huy động HSKT và học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khác đến trường. Đến nay, chỉ tính riêng cấp tiểu học, toàn tỉnh có 143 HSKT được bố trí học hòa nhập với học sinh bình thường tại 135 lớp. Không chỉ huy động, tiếp nhận HSKT học hòa nhập tại các trường mầm non, phổ thông, ngành GD&ĐT còn huy động HSKT học tập chương trình giáo dục chuyên biệt tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển GDHN tỉnh. Một số HSKT sau thời gian học chương trình giáo dục chuyên biệt có tiến bộ rõ nét đã được chuyển qua học chương trình GDHN tại các trường tiểu học bình thường.
Tuy còn khó khăn, hạn chế, song những nỗ lực trong triển khai thực hiện chương trình GDHN và các hoạt động chăm sóc, giáo dục HSKT thời gian qua đã góp phần tích cực trong đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục, tạo điều kiện để HSKT được học tập phù hợp với nhu cầu, khả năng của bản thân, sớm hòa nhập cộng đồng, từ đó có cơ hội việc làm và tham gia các hoạt động xã hội khi trưởng thành.
Lâm Anh