Tổ chức thí điểm tuyến phố đi bộ trên địa bàn Tp. Phan Rang - Tháp Chàm

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa có Tờ trình số 142/TTr-SVHTTDL gửi UBND tỉnh về Đề án tổ chức thí điểm tuyến phố đi bộ trên địa bàn Tp. Phan Rang - Tháp Chàm.

Đề án nhằm mục tiêu thu hút được đông đảo người dân tham gia, tạo không khí vui tươi, sôi nổi và thân thiện; đồng thời quảng bá, giới thiệu những nét đặc trưng văn hóa truyền thống của người dân Ninh Thuận, những thành tựu trên các lĩnh vực của đời sống xã hội và các tiềm năng, thế mạnh của Tp. Phan Rang-Tháp Chàm đối với du khách trong và ngoài nước; từng bước xây dựng Tp. Phan Rang - Tháp Chàm giàu đẹp, văn minh, phấn đấu trở thành thành phố du lịch (DL), góp phần đưa DL trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Hoàn thiện và nâng cao chất lượng sản phẩm hiện có; xây dựng một số sản phẩm mới phục vụ, đáp ứng nhu cầu người dân và du khách về đêm có tính đặc trưng và có sức hấp dẫn cao. Tăng trưởng ổn định về lượt khách, kéo dài thời gian lưu trú của khách, tăng mạnh về doanh thu dịch vụ thông qua các sản phẩm DL hấp dẫn thu hút khách DL. Tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho cộng đồng dân cư, tạo điều kiện cho người dân và các cơ sở kinh doanh trong khu vực phố đi bộ phát triển, qua đó tạo ra nguồn lợi kinh tế cho cộng đồng dân cư, giải quyết việc làm cho người dân trên địa bàn thành phố.

Trước mắt, Giai đoạn 1 tổ chức thí điểm tuyến phố đi bộ tại đường 16/4, đường Hoàng Diệu, đường Trần Quang Diệu. Trong đó: Đường và vỉa hè đường 16/4 điểm đầu Ngã tư giao cắt đường Ngô Gia Tự với đường 16/4 (từ Công viên 16/4); điểm cuối Ngã tư giao cắt đường 16/4 với đường Hoàng Diệu (vị trí tới đèn xanh, đèn đỏ phía đầu tiểu đảo Quảng trường), bao gồm khu vực quỹ đất trống 2.000m2 (khu đất trống giáp Trụ sở Khối liên cơ quan Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) trên tuyến đường 16/4 và đường Hoàng Diệu.

Góc đường 16 Tháng 4 giao với đường Trần Quang Diệu (Tp.Phan Rang-Tháp Chàm). Ảnh: Văn Nỷ

Đường và vỉa hè đường Hoàng Diệu điểm đầu Ngã tư giao cắt đường 16/4 với đường Hoàng Diệu (vị trí tới đèn xanh, đèn đỏ phía đầu tiểu đảo Quảng trường), bao gồm khu vực quỹ đất trống 5.000m2 (phía Tây đường Hoàng Diệu, khu đất trống giáp Công viên 16/4); điểm cuối Ngã tư giao cắt đường Trần Quang Diệu với đường Hoàng Diệu.

Đường và vỉa hè đường Trần Quang Diệu điểm đầu Ngã tư giao cắt đường Ngô Gia Tự với đường Trần Quang Diệu (phía sau Công viên 16/4); điểm cuối Ngã tư giao cắt đường Hoàng Diệu với đường Trần Quang Diệu (trước cổng Chợ đêm Du lịch). Khu vực Chợ đêm Du lịch cũng là không gian hoạt động của tuyến phố đi bộ.

Thời gian tổ chức được chia thành 2 giai đoạn:

Giai đoạn thí điểm: Thời gian tổ chức Đề án thí điểm trong 2 năm từ tháng 12/2023 - 12/2025 (Dự kiến thời gian tổ chức lễ khai trương tuyến phố đi bộ diễn ra vào dịp Lễ Giáng sinh hoặc Tết Dương lịch). Thời gian tổ chức các hoạt động trong tuyến phố đi bộ: Từ 18 giờ 00’ đến 23 giờ 00’ vào các ngày thứ Sáu, thứ Bảy hằng tuần. Đồng thời, tăng cường phục vụ vào các ngày Lễ, Tết, các sự kiện chính trị trọng đại của địa phương và đất nước.

Giai đoạn sau thí điểm: Tổ chức tổng kết, đánh giá kết quả hoạt động của tuyến phố đi bộ, căn cứ tình hình thực tiễn, nhu cầu của du khách và Nhân dân sẽ có phương án đầu tư các hạng mục cơ sở hạ tầng; các hoạt động văn hóa nghệ thuật, các loại hình dịch vụ; mở rộng qui mô, phạm vi và thời gian hoạt động tuyến phố đi bộ.

Nội dung hoạt động của tuyến phố đi bộ:

Các hoạt động văn hóa, nghệ thuật tổ chức tại khu vực dọc tuyến đường từ Ngã tư giao cắt đường Ngô Gia Tự với đường 16/4 (Công viên 16/4) đến đường Hoàng Diệu bao gồm: Biểu diễn chương trình nghệ thuật dân tộc tại khu vực quỹ đất trống 5.000m2 (phía Tây đường Hoàng Diệu, khu đất trống giáp Công viên 16/4), các tiết mục văn nghệ ca ngợi quê hương con người Ninh Thuận, các làn điệu dân tộc của địa phương trong đó có văn hóa Chăm, Raglai; chiếu video clip về văn hóa, DL Ninh Thuận, bài chòi, đờn ca tài tử, biểu diễn nhạc cụ đàn đá, đàn Chapi, trống Ghi năng, Paranưng, kèn Saranai….). Tổ chức biểu diễn ca nhạc đường phố, hiphop, acoustic, xiếc, ảo thuật đường phố, khiêu vũ, dancesport, múa lân sư rồng,... tại khu vực lòng đường 16/4 của tuyến phố đi bộ. Hoạt động văn hóa, nghệ thuật tĩnh: Thư pháp, triển lãm tranh, ảnh nghệ thuật, sách, người tượng, vẽ chân dung, ký họa, chụp ảnh tự động, tô tượng, xếp gỗ,….. được bố trí tại khu vực đường Hoàng Diệu (khu vực vỉa hè từ đèn xanh, đèn đỏ tiếp giáp khu vực Tượng đài đến khu vực Chợ đêm du lịch). Hoạt động trải nghiệm các trò chơi dân gian: Cà kheo, kéo co, đá cầu, ô ăn quan, đánh chuyền,…được bố trí tại khu vực vỉa hè đường Hoàng Diệu (phía giáp Công viên 16/4 đến đường Trần Quang Diệu).

Các hoạt động ẩm thực, giải khát trong tuyến phố đi bộ được bố trí tập trung tại khu vực quỹ đất trống 2.000m2 (khu đất trống giáp Trụ sở Khối liên cơ quan thành phố Phan Rang - Tháp Chàm) trên tuyến đường 16/4 và đường Hoàng Diệu, và một phần diện tích khu vực quỹ đất trống 5.000m2 phía Tây đường Hoàng Diệu, khu đất trống giáp Công viên 16/4, vỉa hè đường Trần Quang Diệu giáp Công viên 16/4 để kinh doanh, giới thiệu quảng bá ẩm thực Ninh Thuận.

Các hoạt động dịch vụ, mua sắm bố trí các gian hàng tại khu vực dọc vỉa hè từ Trung tâm hành chính công đến khu đất trống giáp Trụ sở Khối liên cơ quan Tp. Phan Rang - Tháp 6 Chàm trên tuyến đường 16/4 và đường Hoàng Diệu, Trần Quang Diệu để tổ chức các hoạt động dịch vụ mua sắm, kết hợp ẩm thực, giải khát (dựa trên hiện trạng các hộ kinh doanh hiện hữu) và khuyến khích người dân tham gia các gian hàng kinh doanh và giới thiệu các mặt hàng, dịch vụ của các đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ DL.

Hoạt động thể thao giải trí được bố trí tại khu vực dọc vỉa hè phía cuối Công viên 16/4 và khu vực tiếp giáp với quỹ đất trống 5.000m2 phía Tây đường Hoàng Diệu, tổ chức không gian các hoạt động dịch vụ thể thao, giải trí và các trò chơi dành cho trẻ em.

Ngoài ra, Các phương án tổ chức tuyến phố đi bộ, trang trí không gian đường đi bộ, chiếu sáng trang trí cảnh quan, hoạt động kinh doanh trong phố đi bộ, giao thông…cũng được cụ thể hóa thành các phương án và giao cụ thể cho các sở, ngành, địa phương liên quan tham gia tổ chức thực hiện. Tổng vốn đầu tư Đề án khoảng 41,477 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách đầu tư khoảng 26,077 tỷ đồng, nguồn vốn xã hội hóa 15,4 tỷ đồng.