Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) gồm 10 chương, 136 điều, quy định về chế độ, chính sách BHXH, bao gồm: Trợ cấp hưu trí xã hội, BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện, bảo hiểm hưu trí bổ sung; quản lý nhà nước về BHXH; tổ chức thực hiện BHXH; đăng ký tham gia và quản lý thu, đóng BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện; quyền, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với bảo hiểm xã hội; trình tự, thủ tục thực hiện BHXH; quỹ BHXH; khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm về BHXH.
Tại hội nghị, đại biểu của các sở, ban, ngành trong tỉnh đều thống nhất với các nội dung của dự thảo Luật BHXH và góp ý nhiều vấn đề cụ thể trong quá trình công tác tại địa phương, đơn vị, góp phần xây dựng dự thảo Luật BHXH được hoàn chỉnh hơn. Về nội dung tại Điều 42 dự thảo luật, đề nghị nghiên cứu để quy định cụ thể cách xác định thời gian nửa ngày để tính hưởng chế độ ốm đau là tính theo giờ làm việc theo quy định của pháp luật về lao động hay tính theo 24h, đặc biệt đối với trường hợp người lao động làm việc theo chế độ 12 giờ/ca/kíp. Đối với các trường hợp làm việc theo ca thì thời gian nghỉ ốm đau ngoài thời gian làm việc trong ngày có được giải quyết hưởng chế độ ốm đau không. Đồng thời, tại Điều 118 dự thảo luật, đề nghị sửa đổi cụm từ “Chi phí quản lý bảo hiểm xã hội” thành “Chi tổ chức hoạt động quỹ bảo hiểm xã hội”.
Đồng chí Đàng Thị Mỹ Hương, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu tại hội nghị lấy ý kiến góp ý Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi).
Đề nghị bổ sung điểm b, khoản 1, Điều 30 như sau: “b) Người lao động hưởng lương theo thỏa thuận với người sử dụng lao động thì tiền lương làm căn cứ đóng BHXH là tiền lương tháng, bao gồm mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác, được trả thường xuyên và ổn định trong mỗi kỳ trả lương. Tiền lương làm căn cứ đóng BHXH không bao gồm các khoản sau: Tiền thưởng theo quy định của Bộ luật Lao động; tiền làm thêm giờ; các khoản bồi dưỡng bằng hiện vật; các khoản hỗ trợ khi người lao động có thân nhân bị chết người lao động có người thân kết hôn, sinh nhật của người lao động, trợ cấp cho người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.”
Tại Điều 1. Phạm vi điều chỉnh: Đề nghị cơ bản kế thừa Luật BHXH năm 2014 và bổ sung nội dung cải cách của NQ số 28-NQ/TW về việc “xây dựng hệ thống BHXH đa tầng”. Đề xuất cụ thể như sau: “Luật này quy định chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng; quyền và trách nhiệm của người lao động, người sử dụng lao động; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến bảo hiểm xã hội, tổ chức đại diện tập thể lao động, tổ chức đại diện người sử dụng lao động; Hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội; cơ quan bảo hiểm xã hội; quỹ bảo hiểm xã hội; thủ tục thực hiện bảo hiểm xã hội và quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội”.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đánh giá cao ý kiến mà các đại biểu góp ý vào dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) và đề nghị các cơ quan, đơn vị tiếp tục nghiên cứu, gửi ý kiến đóng góp về đoàn ĐBQH tỉnh để đoàn tổng hợp.
Phan Bình