Tại các địa bàn đặc biệt khó khăn, trung bình mỗi năm có từ 1-2 phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn và 40 chuyến bán hàng lưu động phục vụ nhu cầu tiêu dùng và mua sắm của bà con vùng cao. Đến nay, đã hình thành 2 điểm bán hàng Việt tại huyện Thuận Bắc và huyện Bác Ái. Ông Nguyễn Văn Anh ở thôn Suối Đá, xã Lợi Hải (Thuận Bắc) cho biết: Từ khi có chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, người dân rất vui, tìm hiểu sản phẩm mua về dùng; hàng Việt có chất lượng tốt, giá cả hợp túi tiền của bà con vùng nông thôn.
Hiện nay, hàng Việt chiếm khoảng 90% trong các chợ nông thôn, chủ yếu là các nhóm hàng: Lương thực, thực phẩm, hàng may mặc, đồ gia dụng, hóa mỹ phẩm... Theo đồng chí Trần Quốc Sanh, Phó Giám đốc Sở Công Thương: Hàng Việt về nông thôn, miền núi góp phần bình ổn thị trường, tạo cho người tiêu dùng có thói quen sử dụng hàng hóa do doanh nghiệp (DN) Việt Nam sản xuất. Thông qua hoạt động đưa hàng Việt về vùng đồng bào DTTS&MN đã góp phần quảng bá hàng Việt, khuyến khích người dân tích cực hưởng ứng, ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Đồng thời, thúc đẩy phát triển, hình thành các kênh phân phối hàng Việt uy tín phục vụ người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS&MN.
Phiên chợ hàng Việt về miền núi năm 2023 tại xã Lâm Sơn (Ninh Sơn) thu hút người tiêu dùng.
Với nhiều DN, tham gia bán hàng tại vùng nông thôn, miền núi không đặt lợi nhuận lên trên hết, mà điều quan trọng là có thêm điều kiện tiếp cận và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Bà Trần Thị Minh, Giám đốc Công ty TNHH Nhật Thành Food, thị trấn Phước Dân (Ninh Phước) chia sẻ: Thông qua Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, nhất là chương trình đưa hàng Việt về vùng nông thôn, miền núi đã giúp công ty nắm bắt nhu cầu, thị hiếu của người dân để xây dựng mạng lưới phân phối, phát triển thị phần tại khu vực nông thôn. Qua đó, người dân sẽ có cái nhìn đúng về chất lượng hàng Việt, đây cũng là cách nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của DN và người tiêu dùng.
Mặt khác, tham gia đưa hàng Việt về vùng “khó khăn” cũng đồng nghĩa mở ra cơ hội cho các DN liên kết hợp tác đầu tư, khai thác vùng nguyên liệu, mở rộng cơ sở sản xuất, đầu tư dây chuyền máy móc, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tại thị trường nông thôn, miền núi. Nhằm khuyến khích tham gia các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, ngành chức năng đã tạo điều kiện thuận lợi cho các DN, đơn vị sản xuất, kinh doanh vay vốn với lãi suất 0% trong thời hạn 3 tháng để dự trữ hàng hóa thiết yếu. Đồng thời, miễn phí tiền thuê gian hàng tại các phiên chợ, hỗ trợ hình mở các điểm bán hàng Việt theo nhu cầu thực tế của địa phương và các đơn vị tham gia.
Để hỗ trợ tốt cho phát triển thương mại vùng đồng bào DTTS&MN, hỗ trợ đẩy mạnh giao thương, phát triển hạ tầng thương mại phục vụ nhu cầu hàng hóa của người dân, ngành Công Thương sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của ngành. Trong đó, phối hợp với các ban, ngành, địa phương đầu tư các dự án chợ vùng đồng bào DTTS&MN. Lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn, miền núi ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất, chế biến, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm trên thị trường, từ đó nâng cao hiệu quả xúc tiến tiêu thụ sản phẩm ở vùng đồng bào DTTS&MN.
Anh Thi