Lan tỏa niềm tin, tạo động lực phát triển hàng Việt

Được triển khai từ năm 2009, đến nay, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (CVĐ) đã góp phần làm thay đổi nhận thức, thói quen tiêu dùng của người dân, tạo động lực giúp các doanh nghiệp (DN) trong nước không ngừng cải tiến nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển thương hiệu.

Hàng Việt chiếm lĩnh thị trường

Những năm qua, các cấp, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm trong thực hiện CVĐ. Trong đó, công tác tuyên truyền về nội dung, mục đích, ý nghĩa của CVĐ được triển khai sâu rộng tới các tầng lớp nhân dân thông qua nhiều hình thức. Điều đáng ghi nhận là các cơ quan, đơn vị đã đổi mới, sáng tạo trong công tác tuyên truyền, tạo dấu ấn, thu hút được sự hưởng ứng, tham gia mạnh mẽ trong tầng lớp nhân dân thông qua các cuộc thi như: Cuộc thi “Bình chọn sản phẩm OCOP tỉnh Ninh Thuận được yêu thích”, cuộc thi ảnh “Tôi tin dùng hàng Việt”... Qua đó, góp phần làm thay đổi nhận thức, thói quen mua sắm, tiêu dùng của người dân từ ưu tiên sang tin dùng hàng Việt.

Người tiêu dùng lựa chọn hàng Việt tại siêu thị WinMart. Ảnh: Văn Nỷ

Minh chứng rõ nhất cho điều này là “làn sóng” dùng hàng nội ngày càng tăng dần, nhờ vậy mà hàng Việt cũng chiếm ưu thế trên kệ hàng của các cửa hàng bán lẻ, siêu thị trên địa bàn tỉnh. Qua ghi nhận tại siêu thị Co.opmart Thanh Hà, các mặt hàng trong nước được trưng bày đẹp mắt, đa dạng, phong phú về chủng loại, mẫu mã, đồng thời kèm theo nhiều chương trình khuyến mãi, hậu mãi thu hút người tiêu dùng (NTD) lựa chọn và mua sắm. Bà Võ Trần Ái Phương, Phụ trách Maketing siêu thị cho biết: Hiện nay, siêu thị có hơn 13.000 mặt hàng, phục vụ đa dạng các nhu cầu thiết yếu cho NTD, trong đó tỷ lệ hàng Việt chiếm 90%. Chính vì có nhiều ưu điểm về nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đa dạng về mẫu mã, chủng loại, chất lượng tốt, giá thành hợp lý nên hàng Việt được nhiều NTD ưa chuộng. Nhằm cung cấp cho khách hàng những sản phẩm Việt với chất lượng tốt nhất cũng như đảm bảo bình ổn giá cả thị trường, bình quân mỗi tháng, siêu thị đưa trên 100 mặt hàng mới có xuất xứ Việt Nam lên kệ. Chị Nguyễn Thị Minh Khai, phường Phủ Hà cho biết: Từ những bữa cơm nhỏ đến những vật dụng trong gia đình tôi đều là hàng Việt. Ngoài giá cả bình ổn, mẫu mã được thay đổi theo thị hiếu thì lý do mà gia đình gắn bó với hàng Việt chính là dễ tìm kiếm, có thể mua ở chợ, siêu thị và sàn thương mại điện tử (TMĐT); không có tình trạng khan hiếm hàng hóa vào các đợt cao điểm.

Phát triển sản xuất, kết nối cung - cầu

Với sự tin tưởng của NTD, các hộ kinh doanh, DN trong và ngoài tỉnh không ngừng đổi mới, chú trọng nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ, đầu tư trang thiết bị, đổi mới mẫu mã, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm... Điển hình như Công ty Cổ phần Thực phẩm Cánh Đồng Việt (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm), sau gần 8 năm có mặt trên thị trường, công ty đã đầu tư nhà máy chế biến nha đam lớn nhất Việt Nam, với dây chuyền, thiết bị chế biến hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc tế FSSC 22000, công suất 120 tấn/ngày. Bà Nguyễn Thị Mỹ Phước, Phó Giám đốc Tài chính - Thương mại công ty cho biết: Những năm qua, chúng tôi luôn đặt uy tín, chất lượng lên hàng đầu trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Sản phẩm có mã vạch và truy xuất được nguồn gốc để tăng độ tin cậy. Nhờ vậy, sản phẩm làm ra không chỉ có được chỗ đứng trong thị trường hàng Việt mà còn xuất đi các thị trường khó tính như: Nhật Bản, Hàn Quốc... Cùng với đó, công ty phát triển kinh doanh trên các nền tảng TMĐT như: Tiki, Shopee và tham gia kết nối cung cầu. Mới đây nhất, trong phiên chợ hàng Việt về miền núi tổ chức tại xã Lâm Sơn (Ninh Sơn), công ty tham gia phục vụ NTD với nhiều chương trình khuyến mãi, dùng thử, qua đó nhận được sự tin dùng của người dân.

Phiên chợ hàng Việt về miền núi tại xã Lâm Sơn (Ninh Sơn) thu hút người dân tham quan, mua sắm.

Bên cạnh các phiên chợ hàng Việt, từ đầu năm đến nay, Sở Công Thương đã tổ chức 5 hội nghị kết nối cung cầu tại các tỉnh, thành phố; 1 hội chợ Công Thương khu vực Nam Trung Bộ - Ninh Thuận; hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm địa phương; vận hành sàn giao dịch TMĐT tỉnh Ninh Thuận... Đây là cơ hội không chỉ giúp các hộ kinh doanh, cơ sở, DN quảng bá rộng rãi thương hiệu mà còn kích cầu mua sắm, tiêu dùng trong người dân.

Đồng chí Lê Văn Bình, UVTV Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo CVĐ cho biết: Để CVĐ tiếp tục được lan tỏa, thời gian tới, Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan thông tấn, báo chí tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về CVĐ gắn kết chặt chẽ với các phong trào thi đua yêu nước. Đẩy mạnh quảng bá sản phẩm đặc thù địa phương gắn với phát triển TMĐT, khai thác du lịch; phối hợp tổ chức các hội chợ, phiên chợ, chuyến hàng Việt về nông thôn, miền núi. Kịp thời biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện, lan tỏa CVĐ... qua đó, góp phần xây dựng văn hóa tiêu dùng hàng Việt trong người dân.