Năm học 2023-2024, toàn tỉnh có 297 cơ sở giáo dục (CSGD), bao gồm 295 CSGD mầm non, phổ thông và 2 trung tâm, giảm 4 CSGD so với năm học trước. Tổng số CB, công chức, viên chức ngành GD&ĐT có trên 10.200 người. Tổng số HS mầm non và phổ thông dự kiến trên 147.200 HS. Chuẩn bị cho năm học mới, toàn tỉnh đầu tư xây dựng, sửa chữa cơ sở vật chất (CSVC) trường lớp với tổng số tiền khoảng 218 tỷ đồng (từ nguồn ngân sách địa phương, 3 chương trình mục tiêu quốc gia và xã hội hóa).
Cùng với CSVC, các địa phương, CSGD quan tâm đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục, góp phần trang bị đồ dùng, thiết bị dạy học hiện đại đáp ứng yêu cầu dạy, học, triển khai Chương trình GDPT 2018. Cô giáo Phạm Thị Lục, Hiệu trưởng Trường Tiểu học (TH) Mỹ Sơn A (Ninh Sơn), cho biết: Năm học này, nhà trường được huyện đầu tư xây mới 10 phòng học, dự kiến hoàn thành, đưa vào sử dụng đầu tháng 11/2023. Việc xây mới phòng học, phòng chức năng giúp nhà trường tổ chức tốt việc dạy, học và triển khai Chương trình GDPT 2018. Cùng với phòng học, nhà trường đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục, qua đó đã vận động các doanh nghiệp, mạnh thường quân hỗ trợ 15 bộ máy vi tính và 7 tivi thông minh, đáp ứng nhu cầu học tập của HS.
Học sinh Trường THPT Nguyễn Trãi. Ảnh: Văn Nỷ
Sau 3 năm “đi học nhờ” tại Trường TH Nhơn Sơn B, năm học này, cô và trò Trường Mẫu giáo Nhơn Sơn, cơ sở thôn Lương Tri, xã Nhơn Sơn (Ninh Sơn) được chuyển về học tập trong ngôi trường mới khang trang với quy mô 4 phòng học, bếp ăn đầy đủ tiện nghi. Chị Dương Thị Mỹ Duyên, phụ huynh HS ở thôn Lương Tri, xã Nhơn Sơn, chia sẻ: Trường Mẫu giáo Nhơn Sơn, cơ sở thôn Lương Tri trước đây xuống cấp trầm trọng, thiếu an toàn nên HS được thông báo chuyển đến học tạm tại Trường TH Nhơn Sơn B. Học nhờ, học tạm nên CSVC còn hạn chế, không có sân chơi. Nay điểm trường thôn Lương Tri được xây mới khang trang nên ai cũng phấn khởi. Cô giáo Lương Thị Đức Tính, Phó Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Nhơn Sơn, cho biết: Việc đầu tư xây mới điểm trường thôn Lương Tri là niềm vui lớn đối với CB, GV, HS và phụ huynh nhà trường. Khi chuyển về điểm trường mới, HS có không gian học tập, vui chơi đúng tiêu chuẩn; công tác chuyên môn, sinh hoạt nghiệp vụ của GV cũng thuận lợi hơn. Hiện nay, phụ huynh đã đến trường đăng ký cho con nhập học. Dự kiến năm học này, điểm trường thôn Lương Tri có 80 HS, tỷ lệ trẻ ra lớp tăng so với năm học trước.
Trường TH Mỹ Sơn A, xã Mỹ Sơn (Ninh Sơn), chỉnh trang phòng Tin học chuẩn bị cho năm học mới. Ảnh Kim Thùy
Chung tay chuẩn bị năm học mới, Mặt trận, đoàn thể, đơn vị từ tỉnh đến cơ sở có nhiều hoạt động thiết thực trong việc vận động, trao tặng học bổng, đồ dùng học tập, phương tiện đến trường; sửa chữa CSVC, tổng dọn vệ sinh, chặt tỉa, trồng mới cây xanh... tạo môi trường cảnh quan xanh, sạch, đẹp, an toàn, giúp HS nghèo có thêm điều kiện đến trường. Tuy vậy, khó khăn hiện nay là biên chế CB, GV còn thiếu ở các cấp học theo định mức quy định, nhất là các môn học và hoạt động giáo dục theo Chương trình GDPT 2018; CSVC, trang thiết bị phục vụ dạy, học mặc dù đã được quan tâm đầu tư song chưa đáp ứng yêu cầu xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia và tổ chức các hoạt động giáo dục...
Năm học 2023-2024 đang đến gần, với sự quan tâm của cả hệ thống chính trị, gia đình và xã hội, kỳ vọng năm học 2023-2024ngành GD&ĐT tỉnh nhà sẽ từng bước tháo gỡ khó khăn, khắc phục hạn chế; có bước phát triển toàn diện; đạt kết quả quan trọng ở cả giáo dục đại trà, giáo dục mũi nhọn, phổ cập giáo dục, xóa mù chữ. Qua đó, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương ngày càng phát triển.
Lâm Anh - Kim Thùy