Xác định, đào tạo, phát triển và nâng cao chất lượng NNL là nhiệm vụ thường xuyên và có tính chiến lược lâu dài, Huyện ủy Ninh Hải đề ra các nhiệm vụ, giải pháp để tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy về phát triển NNL tại địa phương. Cùng với đó, tập trung chỉ đạo cụ thể hóa nhiệm vụ phát triển NNL trong chương trình, kế hoạch hằng năm, 5 năm gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của các cấp, các ngành đảm bảo chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả. Sau nửa nhiệm kỳ thực hiện, tỷ lệ lao động (LĐ) qua đào tạo ước đến cuối năm 2023 là 66,6%, đạt 116,84%; trong đó, tỷ lệ qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ là 39,6%, đạt 99% so với chỉ tiêu nghị quyết giao. Số LĐ được tạo việc làm ước đến năm 2023 đạt 10.073 người, đạt 61,05% so với chỉ tiêu nghị quyết đề ra. Quy mô, chất lượng NNL được nâng lên, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH. Công tác thu hút LĐ có chất lượng, trình độ chuyên môn cao làm việc trong các doanh nghiệp (DN), cơ quan, đơn vị trong và ngoài huyện được quan tâm thực hiện và đạt kết quả bước đầu.
Theo đánh giá của Huyện ủy Ninh Hải, bên cạnh kết quả đạt được, còn một số khó khăn, hạn chế như: Chuyển dịch cơ cấu LĐ tuy đúng hướng nhưng còn chậm, LĐ làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp còn cao; quy mô đào tạo, chất lượng NNL chưa đáp ứng nhu cầu phát triển KT-XH và hội nhập quốc tế, tỷ trọng LĐ có trình độ cao làm việc trong các ngành kinh tế trọng điểm chỉ đạt 20%; tỷ lệ LĐ qua đào tạo nghề còn thấp (36,5%)... NNL của địa phương còn hạn chế so với tiềm năng và lợi thế phát triển kinh tế của huyện; việc thu hút đầu tư phát triển KT-XH, tạo môi trường, điều kiện cơ hội việc làm cho người LĐ trong huyện còn khó khăn.
Trung tâm huyện Ninh Hải. Ảnh: V.M
Với mục tiêu phát triển NNL của huyện có quy mô, cơ cấu hợp lý, nhất là nhân lực chất lượng cao, phục vụ các ngành kinh tế trọng điểm, bao gồm: Năng lượng sạch; du lịch đẳng cấp cao; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến và kinh tế đô thị; tập trung phát triển chuyển đổi số (CĐS) và sàn giao dịch điện tử, đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH nhanh và bền vững, góp phần hiện thực hóa mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020-2025. Phấn đấu đến năm 2025, có ít nhất 60% LĐ làm việc trong các ngành kinh tế trọng điểm; tỷ lệ LĐ qua đào tạo đạt 70%. Đến năm 2030, có ít nhất 68% LĐ làm việc trong các ngành kinh tế trọng điểm; tỷ lệ LĐ qua đào tạo đạt 75%.
Đồng chí Trịnh Minh Hoàng, Bí thư Huyện ủy, cho biết: Để đạt được mục tiêu trên, trong thời gian tới Huyện ủy tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt các quan điểm, chủ trương, chính sách, vị trí, vai trò, tầm quan trọng của phát triển và nâng cao chất lượng NNL trong phát triển KT-XH của huyện. Tăng cường kết nối giữa các trường học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các DN, cơ sở sử dụng nhân lực để đa dạng nguồn thông tin trong quá trình tư vấn, hướng nghiệp và đào tạo nhân lực. Nâng cao trách nhiệm cấp ủy đảng, hệ thống chính trị trong đào tạo, phát triển NNL. Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, cấp chính quyền địa phương, sự vào cuộc của hệ thống chính trị trong việc tổ chức, triển khai các nội dung, chương trình phát triển nhân lực của huyện. Thực hiện tốt cơ chế phối hợp hiệu quả giữa Nhà nước, cơ sở đào tạo, DN trong đào tạo, tuyển dụng LĐ góp phần tạo việc làm cho người LĐ và cung ứng nguồn LĐ theo nhu cầu của DN.
Cùng với đó, huyện tập trung đào tạo về quản lý và chuyên môn, nhất là kiến thức ngoại ngữ, giao tiếp, hội nhập quốc tế cho đội ngũ LĐ đang phục vụ trong ngành du lịch, đặc biệt là du lịch đẳng cấp cao. Rà soát, tuyển cử LĐ tham gia các chương trình đào tạo LĐ có kỹ năng, tay nghề cao, nghiệp vụ chuyên môn giỏi trong lĩnh vực nông nghiệp đặc thù, du lịch đẳng cấp cao, năng lượng tái tạo, kinh tế đô thị, CĐS... Tiếp tục thu hút, đãi ngộ nhân tài, đào tạo bồi dưỡng cán bộ công chức, viên chức, phát triển NNL thực hiện chủ trương đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại trong từng ngành, lĩnh vực, thúc đẩy phát triển KT-XH theo hướng nhanh và bền vững.
Bình An