Đến Trường TH Nhơn Sơn B, xã Nhơn Sơn (Ninh Sơn), chúng tôi ghi nhận việc dạy tăng cường tiếng Việt cho HS lớp 1 bài bản, nghiêm túc. Năm học sắp tới, toàn trường dự kiến có 72 HS lớp 1, tất cả là con em đồng bào DTTS. Cô giáo Phan Thị Thanh Giang, Phó Hiệu trưởng Trường TH Nhơn Sơn B, cho biết: Do đặc thù của địa phương nên từ đầu tháng 8/2023, nhà trường phối hợp với chính quyền các địa phương tuyên truyền trên loa truyền thanh và đến từng gia đình vận động phụ huynh đưa trẻ lớp 1 đến trường tham gia học tập tăng cường tiếng Việt trước khai giảng năm học 2023-2024. Qua tuyên truyền, vận động, đến nay đã có 50 HS đến trường học tập tại 2 lớp. Số HS chưa đến học phần lớn theo ba mẹ đi làm ăn xa. Phụ huynh xin phép cho con vắng học đến ngày khai giảng sẽ đưa các em về lại địa phương học tập. Ngoài dạy tăng cường tiếng Việt trong dịp hè, với tinh thần “tất cả vì HS thân yêu”, trong năm học, nhà trường tiếp tục bồi dưỡng, tăng cường dạy tiếng Việt cho HS với thời lượng 2 tiết/tuần.
Giáo viên Trường TH Nhơn Sơn B, xã Nhơn Sơn (Ninh Sơn) dạy tiếng Việt cho học sinh chuẩn bị
bước vào lớp 1. Ảnh: K.T
Tham gia các tiết học tăng cường tiếng Việt, HS được các thầy, cô giáo hướng dẫn nhận diện những đồ vật gần gũi với cuộc sống hằng ngày thông qua các hình ảnh, đồ dùng dạy học trực quan, sinh động; làm quen với cách sử dụng sách giáo khoa, các bài học trong tài liệu “Em nói tiếng Việt” lớp 1. Giáo viên cũng tạo môi trường thuận lợi để HS thực hành giao tiếp bằng tiếng Việt; trang bị cho các em kỹ năng cầm bút, cách dùng bảng con, ổn định nền nếp... Cô giáo Bùi Thị Anh Vui, giáo viên Trường TH Nhơn Sơn B, cho biết: Phần lớn HS là con em đồng bào DTTS ở nhà giao tiếp bằng tiếng mẹ đẻ nên khi đi học, vốn tiếng Việt của các em rất ít, nhiều khi các em sử dụng tiếng mẹ đẻ trong các tiết học. Vì vậy, trong quá trình dạy, tôi sẽ lồng ghép những trò chơi liên quan đến việc giao tiếp hoặc thông qua các đồ dùng dạy học trực quan giúp các em luyện nói, luyện nghe và thực hành các kỹ năng hỏi, đáp bằng tiếng Việt. Những trải nghiệm thực tế này sẽ giúp các em dễ tiếp cận và ghi nhớ bài học tốt hơn.
Tìm hiểu thêm chúng tôi được biết, việc tổ chức dạy học tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non (MN), HS TH vùng DTTS trên địa bàn tỉnh được triển khai từ giai đoạn 2016-2020 theo Quyết định số 1008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch số 4255/KH-UBND của UBND tỉnh. Phần lớn trẻ MN, HS TH vùng DTTS của tỉnh đến trường được tăng cường tiếng Việt phù hợp với từng độ tuổi theo quy định; 100% các trường xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Đề án “Tăng cường chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ MN và HS TH vùng DTTS giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025”.
Nhằm nâng cao chất lượng giáo dục vùng DTTS, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 46/2022/QĐ-UBND phê duyệt Đề án “Nâng cao chất lượng giáo dục vùng DTTS, miền núi, vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030” và Kế hoạch số 799/KH-UBND về triển khai thực hiện Đề án “Tăng cường chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ MN và HS TH vùng DTTS giai đoạn II (2021-2025) trên cơ sở tiếng mẹ đẻ của trẻ trên địa bàn tỉnh”. Chỉ đạo, triển khai thực hiện Quyết định số 46/QĐ-UBND và Kế hoạch số 799/KH-UBND của UBND tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo ban hành Công văn số 1811/SGDĐT-NVDH đề nghị Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thành phố triển khai các giải pháp nhằm chuẩn bị tốt môi trường tiếng Việt cho trẻ em DTTS trước khai giảng năm học mới 2023-2024; đảm bảo có 100% cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch triển khai tăng cường tiếng Việt cho trẻ MN, HS TH vùng DTTS; bám sát các giải pháp để xây dựng kế hoạch chỉ đạo triển khai các hoạt động tăng cường tiếng Việt đã được đề cập tại Quyết định số 46/QĐ-UBND và Kế hoạch số 799/KH-UBND của UBND tỉnh trước khai giảng năm học mới ít nhất 2 tuần. Hiện nay, một số trường TH vùng DTTS trên địa bàn tỉnh đang tổ chức dạy học tăng cường tiếng Việt cho HS lớp 1 để các em tự tin bước vào năm học mới, phấn đấu hoàn thành tốt chương trình lớp học, qua đó góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục vùng DTTS, miền núi nói riêng, chất lượng giáo dục toàn tỉnh nói chung.
Lâm Anh - Kim Thùy