Cùng dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; đại diện lãnh đạo Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, các bộ, ngành, cơ quan trung ương; các chuyên gia, nhà giáo lão thành, đại diện cơ sở giáo dục (CSGD).
Tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh ta có đồng chí Phan Tấn Cảnh, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Sở GD&ĐT, các sở, ngành, địa phương, CSGD.
Năm học 2022-2023, ngành GD&ĐT tiếp tục hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý để thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT theo Nghị quyết số 29-NQ/TW của trung ương. Toàn ngành tích cực xây dựng Chương trình giáo dục (GD) mầm non mới; tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình GD phổ thông 2018 và Chương trình GD thường xuyên mới theo lộ trình. Chất lượng GD đại trà, GD mũi nhọn được nâng lên. Trong năm học qua, học sinh (HS) Việt Nam tiếp tục đạt nhiều thành tích cao trong các hội thi khoa học - kỹ thuật, các kỳ thi olympic khu vực và quốc tế. Tự chủ GD đại học từng bước đi vào thực chất. Mạng lưới, quy mô trường lớp được quan tâm đầu tư. Công tác chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, chỉ đạo điều hành và trong hoạt động dạy, học được đẩy mạnh. Theo bảng xếp hạng các quốc gia tốt nhất về GD năm 2021 (công bố năm 2022), Việt Nam xếp thứ 59 thế giới, tăng 5 bậc. Tuy vậy, tồn tại, hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ năm học là công tác soạn thảo một số văn bản còn chậm tiến độ, đặc biệt là văn bản có ảnh hướng lớn đến định hướng phát triển toàn ngành; vẫn còn tình trạng thiếu giáo viên (GV), đặc biệt là GV mầm non, tiểu học; việc quy hoạch mạng lưới CSGD mầm non, phổ thông ở một số địa phương còn bất cập...
Đồng chí Phan Tấn Cảnh, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và các đại biểu tham dự tại điểm cầu tỉnh ta.
Tại hội nghị, lãnh đạo các địa phương, đơn vị, CSGD cũng đã trao đổi làm rõ thêm thực trạng, kết quả, khó khăn, hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ năm học 2022-2023 và đề xuất, kiến nghị Bộ GD&ĐT, các bộ, ngành liên quan và Chính phủ một số nội dung, như: Bổ sung biên chế GV; sửa đổi quy định cấp phó trong CSGD; nghiên cứu ban hành cơ chế đặc thù đối với đội ngũ nhà giáo công tác tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; tiếp tục quan tâm đầu tư chương trình “Sóng và máy tính cho em”, nhất là vùng khó khăn, biên giới, hải đảo; thực hiện miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho HS vùng dân tộc thiểu số, vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; đánh giá về tự chủ đại học; quan tâm đầu tư thiết chế GD thường xuyên, trung tâm học tập cộng đồng...
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, đánh giá cao ý kiến tâm huyết, sát thực tiễn, nêu bật kết quả đạt được, thẳng thắn nhìn nhận khó khăn, thách thức, từ đó đúc kết bài học kinh nghiệm, đề ra phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm học 2023-2024 và định hướng phát triển GD&ĐT trong những năm học tới của đại biểu. Đồng chí biểu dương những nỗ lực, kết quả ngành GD&ĐT đạt được trong năm học vừa qua; chỉ ra một số tồn tại, hạn chế; khẳng định vai trò, tầm quan trọng của GD&ĐT đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng chí đề nghị cấp ủy, chính quyền các địa phương tiếp tục quan tâm hơn nữa đến sự nghiệp GD&ĐT. Đối với ngành GD&ĐT, tiếp tục thực hiện tốt việc đổi mới căn bản, toàn diện, kế thừa, phát huy, tiếp thu tiến bộ nhân loại trong phát triển GD&ĐT đảm bảo phù hợp, sát thực tiễn, bám sát tư tưởng lấy HS làm trung tâm; trang bị toàn diện kiến thức, phẩm chất, kỹ năng cho HS; kiên quyết không cho ma túy xâm nhập học đường; khắc phục tình trạng bạo lực học đường; đảm bảo an ninh, an toàn cho GV, HS trong mọi hoàn cảnh. Cùng với đó, toàn ngành tập trung nâng cao chất lượng GD các cấp; có giải pháp nhanh chóng khắc phục tình trạng thiếu GV; đẩy mạnh công tác truyền thông tạo sự đồng thuận xã hội; ngăn chặn tiêu cực, tham nhũng trong GD; quan tâm bố trí quỹ đất cho phát triển GD; đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính trong toàn ngành...
Lâm Anh