Tuy nhiên, nỗi lo trái phiếu đáo hạn trong bối cảnh hoạt động doanh nghiệp chưa có nhiều thuận lợi vẫn là điểm mấu chốt để thị trường trái phiếu doanh nghiệp phục hồi.
Tín hiệu tích cực cho thị trường
Ngày 19/7 vừa qua, hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ chính thức được đưa vào vận hành. Ngay trong phiên giao dịch đầu tiên, 4 mã trái phiếu được giao dịch với tổng số 39 lệnh giao dịch của nhà đầu tư; trong đó, 38 giao dịch được lựa chọn phương thức thanh toán ngay và 1 giao dịch áp dụng phương thức thanh toán cuối ngày.
Tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường đạt trên 5 triệu trái phiếu, với giá trị giao dịch hơn 1.781 tỷ đồng. Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) dự kiến sẽ có hơn 1.600 mã trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ sẽ được đưa vào giao dịch sau khi sàn giao dịch trái phiếu doanh nghiệp được vận hành.
Đây được xem là tin vui của nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp bất động sản. Bởi trong bối cảnh tỷ lệ cho vay trung dài hạn ở các ngân hàng thương mại ngày càng giảm, việc tiếp cận vốn của các doanh nghiệp bất động sản từ các quỹ đầu tư vẫn còn hạn chế, thì thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn là kênh huy động vốn quan trọng cho các dự án đầu tư của các doanh nghiệp này.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp. Hồ Chí Minh, việc thành lập sàn trái phiếu riêng lẻ là một bước đi đáng hoan nghênh, bởi nhà đầu tư không còn phải phụ thuộc vào thiện chí của đơn vị phát hành. Động thái này đã góp phần cải thiện sự minh bạch cho thị trường và nối lại một kênh huy động vốn dài hạn cho các doanh nghiệp nói chung và ngành bất động sản nói riêng.
Ở góc độ chuyên gia, ông Phạm Minh Thắng, nhà điều hành 2 quỹ mở trái phiếu của VinaCapital (VinaCapital - VFF và VinaCapital – VIBF) cho rằng, việc trái phiếu của các doanh nghiệp phát hành riêng lẻ được niêm yết, giao dịch trên sàn là thông tin rất tích cực hỗ trợ cho thị trường trái phiếu trong thời gian tới. Điều này sẽ giúp thanh khoản thị trường trái phiếu doanh nghiệp được cải thiện cũng như nâng cao sự minh bạch và khả năng tiếp cận thị trường của nhà đầu tư. Từ đó, khôi phục niềm tin của nhà đầu tư đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Ngoài sự kiện trên, ông Thắng cho rằng, thị trường trái phiếu cũng đang được hỗ trợ bởi nhiều yếu tố khác. Đặc biệt, khung pháp lý dành cho trái phiếu doanh nghiệp có nhiều thay đổi đáng kể sau khi Bộ Tài chính ban hành Nghị định 08/2023/NĐ-CP sửa đổi và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các Nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.
Trong đó, Nghị định có cho phép nhà phát hành có thể đàm phán với người sở hữu trái phiếu để thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn bằng tài sản khác trong trường hợp doanh nghiệp phát hành không thể thanh toán đầy đủ, đúng hạn theo phương án phát hành đã công bố. Điều này được xem có ý nghĩa rất lớn đối với các doanh nghiệp phát hành trong bối cảnh áp lực đáo hạn vẫn còn lớn.
Thống kê của Vinacapital cho thấy, hiện đã có khoảng 12% trái phiếu chậm thanh toán đã được khắc phục; khoảng 60% trái phiếu chậm thanh toán tổ chức phát hành đang đàm phán với trái chủ để tiếp tục xử lý. Mặt khác, theo một nghiên cứu của VinaCapital, những trái phiếu được đàm phán giữa trái chủ và tổ chức phát hành ngoài tòa án sẽ rút ngắn thời gian xử lý so với việc 2 bên thực hiện đàm phán ở tòa án.
Về lãi suất, đại diện VinaCapital cho rằng, kể từ đầu năm nay, Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần cắt giảm lãi suất điều hành, lãi suất huy động theo đó đã giảm mạnh, lãi suất cho vay dự báo sẽ tiếp tục giảm trong nửa cuối năm. Đây sẽ là yếu tố rất quan trọng giúp thị trường trái phiếu doanh nghiệp phục hồi trong thời gian tới.
Bởi lẽ, khi mặt bằng lãi suất giảm, sẽ giúp cho thanh khoản thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng lên. Bên cạnh đó, mặt bằng giá trái phiếu cũng đã quay về quanh mệnh giá so với thời điểm khó khăn nhất của thị trường quý IV/2022, khi đó hầu hết các trái phiếu đều giao dịch ở mức chiết khấu.
"Với lãi suất giảm, nhiều doanh nghiệp cũng có kế hoạch phát hành trái phiếu trở lại trong các quý tới. Điều này chứng tỏ thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất và đang bước vào giai đoạn phục hồi", ông Phạm Minh Thắng nhận định.
Vẫn còn nhiều vấn đề phải lưu ý
Dù đã qua giai đoạn được xem là tồi tệ nhất, tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn còn không ít khó khăn trong quá trình phục hồi.
Theo số liệu của Bộ Tài chính, cuối tháng 5/2023, tỷ trọng giá trị trái phiếu lưu hành chỉ còn chiếm 11,6% GDP, thấp hơn nhiều so với mức 18,2% GDP vào thời điểm thị trường bùng nổ cuối năm 2021. Điều này có nghĩa là thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiện đã bị thu hẹp khoảng 30% so với trước đó.
Trong khi đó, trái phiếu đáo hạn, trái phiếu chậm thanh toán đã tăng lên đáng kể. Cập nhật dữ liệu mới đây của HNX cho thấy, từ nay đến cuối năm 2023, tổng giá trị trái phiếu sẽ đến hạn khoảng 147.310 tỷ đồng; trong đó có tới 49% giá trị trái phiếu sắp đáo hạn thuộc nhóm bất động sản với 72.170 tỷ đồng. Đến giữa tháng 7/2023, giá trị chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu doanh nghiệp vào khoảng 44.000 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Bá Khương, chuyên viên phân tích của Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect cho rằng, niềm tin của các nhà đầu tư chưa quay trở lại trong bối cảnh còn nhiều tổ chức phát hành đang gặp khó khăn về hoạt động kinh doanh, khó khăn về dòng tiền dẫn tới chậm thanh toán các khoản nợ trái phiếu đến hạn là nguyên nhân chính khiến hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp vẫn còn trầm lắng.
Dù áp lực trái phiếu doanh nghiệp đã được "làm mềm" đáng kể từ sau khi Nghị định 08 có hiệu lực. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường bất động sản vẫn trầm lắng, nhiều doanh nghiệp gặp khó về dòng tiền và hạn chế khả năng tiếp cận nguồn vốn, danh sách các doanh nghiệp chậm thanh toán các nghĩa vụ nợ trái phiếu vẫn còn tiếp tục tăng lên. Nếu thanh khoản không cải thiện, nhiều nhà phát hành trái phiếu sẽ phải đối mặt với khó khăn ngày càng lớn trong việc đảm bảo đủ nguồn vốn để đáo hạn trái phiếu của mình.
Việc sàn giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ được đưa vào vận hành gần đây sẽ phần nào giải quyết câu chuyện thanh khoản trái phiếu. Tuy nhiên, vấn đề này vẫn cần được cơ quan quản lý theo dõi chặt chẽ. Bởi lẽ, trong trường hợp nhà phát hành chưa thể cấu trúc tài chính, dòng tiền, chưa trả nổi nợ cũ thì lại đem lên sàn bán sẽ khiến khoản nợ trái phiếu có nguy cơ ngày càng phình to. Và khi đó, câu chuyện quản lý thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ phát sinh nhiều vấn đề phải giải quyết hơn so với ở thời điểm hiện tại.
Theo TTXVN/Báo Tin tức