Tin vắn

* Kỳ họp thứ 13, HĐND tỉnh khóa XI, nhiệm kỳ 2021-2026 đã thông qua Nghị quyết tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể tỉnh Ninh Thuận đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Mục tiêu phát triển kinh tế tập thể năng động, hiệu quả, bền vững, cùng với kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế với nhiều mô hình liên kết, hợp tác trên cơ sở tôn trọng bản chất, các giá trị và nguyên tắc của kinh tế tập thể. Tiếp tục cũng cố, mở rộng và phát triển kinh tế tập thể trong các ngành, lĩnh vực, trong đó hình thức HTX là nòng cốt; thu hút nông dân, hộ kinh tế cá thể, cá nhân và nhiều tổ chức tham gia kinh tế tập thể, HTX. Xây dựng và nhân rộng các mô hình kinh tế tập thể liên kết sản xuất với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị; từng bước hình thành các cụm sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, gắn với công nghiệp chế biến, tiêu thụ; không ngừng nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống của các thành viên, đưa kinh tế tập thể thoát khỏi những yếu kém hiện nay và tiến tới có tỷ trọng ngày càng lớn trong GRDP của nền kinh tế, góp phần thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững KT-XH của tỉnh.

Các đại biểu HĐND tỉnh biểu quyết thông qua các nghị quyết tại kỳ họp thứ 13. Ảnh: Văn Nỷ

Phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh có khoảng 1.000-1.100 tổ hợp tác với khoảng 10.400-10.600 thành viên, 130-140 HTX với khoảng 19.400-19.700 thành viên. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp, phấn đấu có khoảng 30-35 HTX và 10-20 tổ hợp tác ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tiêu thụ nông sản; thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với hàng hóa nông sản. Tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp và HTX, phấn đấu có khoảng 55-60% HTX nông nghiệp liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị.

Đến năm 2030, toàn tỉnh có khoảng 1.200-1.400 tổ hợp tác, với khoảng 12.000-14.000 thành viên, 180-200 HTX với khoảng 21.000-22.000 thành viên, phát triển ít nhất 1 liên hiệp HTX. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp, phấn đấu đến năm 2030 tỉnh có khoảng 35-40 HTX và 10-20 tổ hợp tác ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tiêu thụ nông sản; thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với hàng hóa nông sản. Tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp và HTX, phấn đấu có khoảng 65% HTX nông nghiệp liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị.

* Cũng tại Kỳ họp thứ 13, HĐND tỉnh khóa XI đã thông qua Nghị quyết Quy định mức chuẩn trợ giúp xã hội, mức trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận. Đối tượng áp dụng là đối tượng bảo trợ xã hội theo quy định tại Nghị định số 20/2021/NĐCP ngày 15/3/2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội. Mức chuẩn trợ giúp xã hội áp dụng đối với đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh là 360.000 đồng/tháng. Mức trợ cấp nuôi dưỡng hàng tháng áp dụng cho mỗi đối tượng quy định tại Khoản 1, 2 và 3 Điều 24 Nghị định 20/2021/NĐ-CP, đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh bằng mức chuẩn trợ giúp xã hội quy định tại Khoản 1 Điều này nhân với hệ số tương ứng theo quy định sau đây: Hệ số 6,0 đối với trẻ em dưới 04 tuổi. Hệ số 5,0 đối với các đối tượng từ đủ 04 tuổi trở lên. Nguồn kinh phí thực hiện Nguồn ngân sách nhà nước trong dự toán chi bảo đảm xã hội theo phân cấp ngân sách và theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.