Mục tiêu của kế hoạch nhằm xây dựng các cơ quan báo chí (CQBC) trên địa bàn tỉnh theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại; làm tốt sứ mệnh thông tin tuyên truyền phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự nghiệp đổi mới của đất nước; đảm bảo vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội, giữ vững chủ quyền thông tin trên không gian mạng; đổi mới hiệu quả trải nghiệm của độc giả; tạo nguồn thu mới; thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp nội dung số.
Phóng viên các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh tác nghiệp tại một sự kiện. Ảnh: Văn Nỷ
Về chỉ tiêu cụ thể, phấn đấu trong giai đoạn 2023-2025, số CQBC đưa nội dung lên các nền tảng số (ưu tiên các nền tảng số trong nước) đạt từ 30-70% (trong đó, năm 2023 là 30%, năm 2024 là 50% và năm 2025 là 70%). Số CQBC sử dụng nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động từ 20-50% (năm 2023 là 20%, năm 2024 là 30% và năm 2025 là 50%). Số CQBC hoạt động, vận hành mô hình tòa soạn hội tụ, phù hợp với sự phát triển của khoa học, công nghệ tiên tiến trên thế giới sản xuất nội dung theo các xu hướng báo chí số đạt từ 30-80% (năm 2023 là 30%, năm 2024 là 50% và năm 2025 là 80%). Về tối ưu hóa nguồn thu, tăng doanh thu tối thiểu: Năm 2023 có 5% CQBC tăng doanh thu 5%; năm 2024 có 15% CQBC tăng doanh thu 10%; năm 2025 có 30% CQBC tăng doanh thu 20%. Về đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về CĐS: Năm 2023 có 40%, năm 2024 có 70% và năm 2025 có 100% lãnh đạo, cán bộ, phóng viên, biên tập viên các CQBC được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng nói trên. Đối với giải pháp đảm bảo an toàn, an ninh hệ thống thông tin cấp độ 3 trở lên: Năm 2023 có 40% CQBC điện tử, năm 2024 có 70% CQBC điện tử và năm 2025 có 100% CQBC điện tử có giải pháp nêu trên.
Giai đoạn 2025-2030, phấn đấu số CQBC đưa nội dung lên các nền tảng số (ưu tiên các nền tảng số trong nước) đạt từ 80-100% (trong đó, năm 2026 là 80%, năm 2027 là 90%, năm 2028 là 94%, năm 2029 là 97% và năm 2030 là 100%). Số CQBC sử dụng nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động đạt từ 60-90% (trong đó, năm 2026 là 60%, năm 2027 là 70%, năm 2028 là 80%, năm 2029 là 85% và năm 2030 là 90%). Có từ 85-100% số CQBC hoạt động, vận hành mô hình tòa soạn hội tụ, phù hợp với sự phát triển của khoa học, công nghệ tiên tiến trên thế giới sản xuất nội dung theo các xu hướng báo chí số (trong đó, năm 2026 là 85%, năm 2027 là 90%, năm 2028 là 94%, năm 2029 là 97% và năm 2030 là 100%). Về tối ưu hóa nguồn thu, tăng doanh thu tối thiểu: Năm 2026 có 34% CQBC tăng doanh thu 20%; năm 2027 có 37% CQBC tăng doanh thu 20%; năm 2028 có 40% CQBC tăng doanh thu 20%; năm 2029 có 45% CQBC tăng doanh thu 20%; năm 2030 có 50% CQBC tăng doanh thu 20%.
Để cụ thể hóa và triển khai có hiệu quả các mục tiêu trên, kế hoạch của UBND tỉnh đề ra 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để các cơ quan, đơn vị căn cứ triển khai thực hiện. Trong đó, xác định nhiệm vụ, giải pháp quan trọng đầu tiên là tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ quản lý thông tin, truyền thông; lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên các CQBC của tỉnh về vai trò quan trọng và sự cấp thiết phải đẩy mạnh triển khai CĐS báo chí đồng bộ với chương trình CĐS quốc gia. Cùng với đó, cần kịp thời biểu dương, tôn vinh những tổ chức, cá nhân có thành tích, sáng kiến trong quá trình CĐS báo chí để chia sẻ kinh nghiệm, lan tỏa, nhân rộng. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng của tỉnh cần rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật như: Ban hành cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền của tỉnh (nghị quyết của HĐND, quyết định của UBND tỉnh) nhằm thúc đẩy, hỗ trợ quá trình CĐS của các CQBC.
Về phát triển các sản phẩm báo chí số, kế hoạch của UBND tỉnh nêu rõ việc thiết kế, sáng tạo các mô hình sản phẩm thông tin mới trên các nền tảng khác nhau để tăng độ tương tác với độc giả, phân phối nội dung thông tin nhanh hơn, rộng hơn và chính xác theo nhu cầu của độc giả. Phát triển sản phẩm báo chí số chất lượng cao, đổi mới hiệu quả trải nghiệm của độc giả; xây dựng các gói sản phẩm và dịch vụ phù hợp với từng nhóm đối tượng độc giả. Cũng như ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ trong việc tự động hóa để thúc đẩy quá trình sản xuất nội dung.
Đối với nhiệm vụ phát triển nền tảng số, cần xây dựng các công cụ thu thập, xử lý dữ liệu, đánh giá, dự báo, theo dõi, giám sát chất lượng báo chí; xây dựng chỉ số đánh giá mức độ trưởng thành CĐS báo chí. Triển khai sử dụng các nền tảng số phục vụ phát thanh và truyền hình bằng hình thức trực tuyến. Thúc đẩy phát triển nền tảng số cho các CQBC thực hiện phân phối nội dung báo chí, chia sẻ dữ liệu báo chí; khuyến khích CQBC có đủ tiềm lực về công nghệ, tài chính xây dựng nền tảng riêng đáp ứng yêu cầu CĐS. Hỗ trợ các CQBC đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành tác nghiệp thông qua ứng dụng nền tảng quản lý tòa soạn điện tử tại các CQBC. Nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ trong CĐS lĩnh vực báo chí qua các chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm của tỉnh.
Kế hoạch của UBND tỉnh giao Sở TT&TT làm cơ quan đầu mối tham mưu UBND tỉnh thực hiện kế hoạch; chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố xây dựng các văn bản pháp luật liên quan đến CĐS báo chí. Triển khai các nền tảng số quốc gia cho các CQBC tại địa phương. Hỗ trợ CQBC CĐS, phát triển sản phẩm báo chí số; triển khai các giải pháp hỗ trợ CQBC đẩy mạnh CĐS. Chủ trì hoặc phối hợp triển khai tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của các CQBC, đáp ứng yêu cầu CĐS báo chí. Hằng năm tham mưu UBND tỉnh báo cáo kết quả thực hiện cho Bộ TT&TT và Thường trực Tỉnh ủy; tổ chức sơ kết vào năm 2025 và tổng kết vào năm 2030.
Đối với Báo Ninh Thuận, Đài Phát thanh và Truyền hình Ninh Thuận, Tạp chí Văn nghệ Ninh Thuận, căn cứ chức năng nhiệm vụ triển khai thực hiện hiệu quả kế hoạch CĐS tại CQBC. Xây dựng cơ sở vật chất, tài chính triển khai hoạt động CĐS báo chí phù hợp, thiết thực.
Linh Giang