Cần nâng mức hỗ trợ học nghề miễn phí để thu hút người lao động thất nghiệp tham gia

Năm 2022, Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) tỉnh có quyết định duyệt chi trả trợ cấp thất nghiệp cho trên 4.000 lao động (LĐ). Tuy nhiên, trong số này, chỉ có 8 người đăng ký học nghề. Số còn lại, hầu như chỉ quan tâm đến tiền trợ cấp thất nghiệp mà bỏ qua cơ hội học nghề miễn phí để nâng cao trình độ hoặc chuyển đổi nghề.

Số người lao động thất nghiệp đăng ký học nghề đạt thấp

Sau khi được duyệt chi trả trợ cấp thất nghiệp (TCTN), anh Nguyễn Tấn Hậu ở xã Phước Diêm (Thuận Nam) đăng ký học lái xe hạng B2 theo tư vấn của cán bộ Trung tâm DVVL tỉnh. Hiện tại, anh đã hoàn thành khóa học và có việc làm mới với mức lương khá cao. Anh Hậu chia sẻ: Sau khi học xong bằng B2, tôi xin được việc làm vận hành máy đào cho các công trình cầu đường trên địa bàn tỉnh với mức lương 15 triệu đồng/tháng. Theo tôi, được hỗ trợ đào tạo nghề trong thời gian thất nghiệp là quyền lợi mà Nhà nước dành cho người LĐ, giúp người LĐ nhanh chóng tìm được việc làm mới, ổn định cuộc sống.

Hiệu quả là vậy, nhưng trên thực tế, chỉ có số ít người LĐ có cùng suy nghĩ như anh Hậu. Anh Nguyễn Văn Viên ở phường Kinh Dinh (Tp. Phan Rang – Tháp Chàm) làm việc tại một siêu thị điện máy. Từ cuối năm ngoái, siêu thị nơi anh làm việc đã thu gọn quy mô kinh doanh do vắng khách, anh phải nghỉ việc. Anh đến Trung tâm DVVL tỉnh để làm hồ sơ đăng ký hưởng TCTN và đã có quyết định hưởng trợ cấp gần 3 tháng. Được tư vấn học nghề, nhưng anh từ chối với lý do: Tôi có nghề điện nên trong lúc tìm việc làm mới, tôi làm tự do với một nhóm thợ. Nếu bây giờ muốn chuyển đổi sang nghề khác mà phù hợp với năng lực, sở thích cá nhân vừa có chỗ đứng trong thị trường thì tôi sẽ phải mất một thời gian dài để học, trong khi chính sách hỗ trợ chỉ được khoảng 1,5 triệu đồng/tháng, tối đa 6 tháng. Số tiền đó có khi chưa đủ để chi trả cho việc học ở trường, chưa nói đến các khoản sinh hoạt khác.

Cán bộ Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh giới thiệu các lớp học nghề cho người lao động tại Phiên giao dịch việc làm tháng 11/2022.

Theo số liệu từ Trung tâm DVVL tỉnh, từ đầu năm 2022 đến nay, đã có 4.113 LĐ có quyết định hưởng TCTN. Với số lượng lớn người LĐ đến làm hồ sơ đề nghị hưởng TCTN mỗi ngày, Trung tâm đã tăng cường nhân lực hỗ trợ, hướng dẫn để người LĐ hoàn thiện hồ sơ nhanh gọn, đúng quy định. Đặc biệt, với mục tiêu giúp người LĐ sớm quay trở lại thị trường việc làm, Trung tâm đã bố trí cán bộ thực hiện đa dạng các hình thức tuyên truyền, tư vấn để người LĐ đăng ký học nghề sau khi thất nghiệp. Nỗ lực là vậy, tuy nhiên, trong số hàng ngàn LĐ có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp từ đầu năm 2022 đến nay, chỉ có 8 trường hợp đăng ký học nghề.

Ông Phan Thanh Sơn, Giám đốc Trung tâm DVVL tỉnh cho biết: Việc học nghề để chuyển đổi nghề nghiệp sang các nghề mà thị trường đang có nhu cầu hoặc nâng cao trình độ tay nghề đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp (DN) là một giải pháp quan trọng, giúp người LĐ có việc làm ổn định, lâu dài và thu nhập tốt. Tuy nhiên, có một thực tế là người LĐ lại không mặn mà với chính sách này. Thực trạng này đã diễn ra từ nhiều năm nay.

Nguyên nhân và giải pháp

Qua tìm hiểu thực tế cho thấy, những nguyên nhân chính khiến người LĐ từ chối học nghề sau khi thất nghiệp là bởi mức hỗ trợ học nghề còn thấp, thời gian thụ hưởng ngắn và danh mục nghề nghiệp chưa đa dạng. Đầu tháng 4/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 17/2021/QĐ-TTg về Quy định mức hỗ trợ học nghề đối với LĐ tham gia Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Theo đó, đối với người tham gia khóa đào tạo nghề đến 3 tháng thì mức hỗ trợ tính theo mức thu học phí của cơ sở đào tạo nghề nghiệp và thời gian học nghề thực tế nhưng tối đa không quá 4,5 triệu đồng/người/tháng. Đối với người tham gia khóa đào tạo nghề trên 3 tháng, mức hỗ trợ tính theo mức thu học phí và thời gian học nghề thực tế nhưng tối đa không quá 1,5 triệu đồng/người/tháng, thời gian học không quá 6 tháng. Như vậy, mức hỗ trợ theo Quyết định số 17 của Thủ tướng Chính phủ đã tăng so với mức hỗ trợ trước đó 500.000 đồng/người/tháng. Tuy đã có sự điều chỉnh nhưng đây vẫn là mức hỗ trợ thấp so với thực tế. Với mức hỗ trợ này, người LĐ cũng không thể học những ngành nghề trình độ trung cấp trở lên, những nghề chất lượng cao, có tính thu hút lớn. Còn với trình độ nghề sơ cấp, người LĐ trong quá trình đi làm đã được DN đào tạo tại chỗ theo hình thức vừa làm vừa học. Trong bối cảnh thu nhập bị ảnh hưởng nhiều do dịch COVID-19 trong suốt hơn 2 năm qua, thời điểm này, người LĐ chỉ muốn đi làm để có thu nhập ngay.

Ông Phan Thanh Sơn, Giám đốc Trung tâm DVVL tỉnh cho biết: Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người LĐ tìm việc và học nghề, trong thời gian tới, Trung tâm sẽ tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền dưới nhiều hình thức về những điểm mới trong quy định về dạy nghề đến tận các DN và người LĐ. Trung tâm cũng sẽ chủ động liên kết với các cơ sơ dạy nghề có uy tín nhằm tổ chức các lớp dạy nghề phong phú, phù hợp với nhu cầu học nghề của người LĐ và các DN. Tại các phiên giao dịch việc làm định kỳ được tổ chức vào ngày 5 và 20 hàng tháng, ngoài các DN tham gia tuyển dụng LĐ, Trung tâm sẽ thường xuyên mời đại diện các trường đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh tham gia nhằm tư vấn, hướng nghiệp cho người LĐ tìm được một nghề nghiệp phù hợp với bản thân và nhu cầu tuyển dụng của DN, từ đó tạo việc làm bền vững cho người LĐ, góp phần thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững.