Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, 6 tháng đầu năm, cùng với cả nước, toàn ngành đã vượt qua khó khăn, thách thức, không ngừng đổi mới, sáng tạo và tạo được những chuyển biến quan trọng, tích cực trên các lĩnh vực của ngành, đóng góp quan trọng vào kết quả chung của đất nước và địa phương.
Bộ trưởng điểm ra 7 kết quả nổi bật. Đó là, công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách của Bộ và tổ chức thực hiện của các địa phương được triển khai nghiêm túc, quyết liệt; Tập trung giải quyết, tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc ở địa phương, cơ sở trên lĩnh vực ngành, tạo sự thống nhất trong hệ thống chính trị, đồng thuận trong xã hội; Tiếp tục thực hiện công tác sắp xếp tổ chức hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập trong hệ thống hành chính nhà nước từ Trung ương đến địa phương gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; Từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà chủ trì hội nghị. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN
Cùng với đó, Bộ, ngành Nội vụ đẩy mạnh thực hiện chương trình tổng thể về cải cách hành chính theo hướng trọng tâm, trọng điểm về xây dựng và hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số và cải cách công vụ, công chức. mô hình chính quyền địa phương được tích cực nghiên cứu, từng bước hoàn thiện phù hợp với địa bàn, nhất là mô hình chính quyền đô thị và chuẩn bị kỹ lưỡng cho việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Ngành tập trung nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước một cách đồng bộ, thống nhất trên tất cả các lĩnh vực của ngành, đã tạo được sự ổn định và phát triển rõ nét của ngành Nội vụ cả nước. Ngành đẩy mạnh chuyển đổi số, đặc biệt là hoàn thành xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức, chuẩn bị một bước cho thúc đẩy chuyển đổi số toàn ngành và kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, góp phần xây dựng Chính phủ số, chính quyền số, xã hội số.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà đã thẳng thắn nhìn nhận ngành còn nhiều khó khăn, tồn tại, hạn chế, bất cập trước yêu cầu thực tiễn đòi hỏi của sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển.
Bộ trưởng đề nghị đại diện Sở Nội vụ các địa phương tập trung phân tích, đánh giá kết quả 6 tháng đầu năm, những mặt được, tiêu biểu nổi lên; những hạn chế, khó khăn, vướng mắc, làm rõ nguyên nhân để có giải pháp tháo gỡ, khơi thông. Các đại biểu đề xuất bổ sung nhiệm vụ, giải pháp thiết thực, hiệu quả nhằm hoàn thành toàn diện, chất lượng, hiệu quả nhiệm vụ những tháng cuối năm và cả năm 2023. Từ thực tiễn địa phương, các đại biểu kiến nghị, đề xuất những khó khăn, vướng mắc, tham mưu, hiến kế nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước của bộ, ngành Nội vụ.
Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh báo cáo tại hội nghị. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN
Báo cáo cho thấy, Bộ Nội vụ xác định công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách là nhiệm vụ trọng tâm và mang lại nhiều chuyển biến tích cực, khơi thông các điểm nghẽn nhằm hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực nội vụ. 6 tháng đầu năm, Bộ Nội vụ đã tham mưu trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, ban hành 4 văn bản, đề án; trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua 10 nghị quyết về thành lập, nhập, điều chỉnh địa giới hành chính của một số địa phương và xem xét Nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030.
Bộ trình Chính phủ xem xét dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) và ban hành 4 nghị định, 13 quyết định, 2 công điện; xem xét 8 dự thảo nghị định, 1 dự thảo Nghị quyết thực hiện Kết luận số 50-KL/TW của Bộ Chính trị. Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã ban hành theo thẩm quyền 10 thông tư, 2 văn bản hợp nhất.
Sở Nội vụ các địa phương đã tham mưu cho UBND cấp tỉnh ban hành 145 văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực nội vụ.
Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách thuộc lĩnh vực nội vụ có nhiều chuyển biến tích cực, đổi mới, hoàn thiện theo hướng thống nhất, chặt chẽ, liên thông với các quy định của Đảng với pháp luật của nhà nước; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, ủy quyền trong cơ quan hành chính nhà nước ở Trung ương với địa phương.
Thực hiện chủ trương sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính, cơ cấu lại đơn vị sự nghiệp công lập, Sở Nội vụ các địa phương đã chủ động rà soát, tham mưu UBND tỉnh thực hiện sắp xếp đối với 115 tổ chức bộ máy hành chính bên trong của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện và 226 đơn vị sự nghiệp công lập.
Các địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện lộ trình tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm, đã tinh giản 127 người, trong đó, có 12 người là công chức.
“Bộ Nội vụ đã có văn bản đề nghị các bộ, ngành, địa phương thực hiện các giải pháp khắc phục tình trạng xin nghỉ việc, thôi việc và tuyển dụng mới đối với công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý của địa phương theo hướng chú trọng nâng cao chất lượng bảo đảm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ theo vị trí việc làm”, Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh cho biết.
6 tháng đầu năm, các Sở Nội vụ đã tham mưu tuyển dụng 14.244 công chức, viên chức (công chức là 2.242 người, viên chức là 12.002 người), kịp thời bổ sung số công chức, viên chức xin nghỉ việc, thôi việc.
Trong lĩnh vực quản lý đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, Bộ Nội vụ tập trung nghiên cứu rà soát, đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý cán bộ, công chức, viên chức, trong đó có nhiều nội dung đổi mới như cơ chế về tuyển dụng, quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức; đề xuất bỏ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức; phân cấp thẩm quyền tổ chức thi nâng ngạch công chức, thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức, triển khai quy định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức.
Bộ Nội vụ hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức, kịp thời thay thế cán bộ năng lực hạn chế, uy tín giảm sút, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm. Đáng chú ý, theo báo cáo của 63 địa phương, trong 6 tháng đầu năm có 395 cán bộ, công chức, viên chức bị kỷ luật.
Đến hết tháng 6/2023, 96 bộ, ngành, địa phương hoàn thành kết nối và đồng bộ dữ liệu với Cơ sở dữ liệu về cán bộ, công chức, viên chức. Trong đó, 55 bộ, ngành, địa phương đã đồng bộ dữ liệu đạt 100%.
Bộ Nội vụ đã trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, trong đó, tăng lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,8 triệu đồng/tháng (tăng 20,8%) từ ngày 1/7/2023; đồng thời, chủ động ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện mức lương cơ sở đối với các đối tượng hưởng lương, phụ cấp trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập.
Những tồn tại, hạn chế được Bộ Nội vụ chỉ ra là, việc sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập hầu hết là trên cơ sở sáp nhập, hợp nhất cơ học để giảm số lượng đầu mối, dẫn đến các đơn vị sự nghiệp công lập chưa có sự thay đổi về cơ chế hoạt động, chất lượng cung ứng dịch vụ. Số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước và số lượng người hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp chưa được cơ cấu lại phù hợp với tỷ lệ mức độ tự chủ chi thường xuyên của đơn vị sự nghiệp công lập. Một số bộ, ngành, địa phương triển khai vị trí việc làm còn chậm.
“Hiện tượng công chức, viên chức xin thôi việc, bỏ việc vẫn còn tiếp diễn. Vấn đề này cần phải được rà soát, kiểm tra, đánh giá một cách trung thực, khách quan để tìm ra nguyên nhân đích thực và có giải pháp phù hợp" - Báo cáo nhấn mạnh.
Cũng theo báo cáo, người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị chưa quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ. Còn tình trạng cán bộ, công chức, viên chức có biểu hiện né tránh, đùn đẩy công việc, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc dẫn đến công việc chậm tiến độ. Công tác chuyển đổi số ngành nội vụ tại một số cơ quan, đơn vị chưa nhận được sự quan tâm đúng mức...
Theo TTXVN/Báo Tin tức