Hội nghị triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội sẽ được tổ chức vào tháng 8

Chiều 5/7, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chủ trì cuộc làm việc về công tác chuẩn bị tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội Khóa XV.

Tham dự có Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, các Phó Chủ tịch Quốc hội: Nguyễn Khắc Định, Nguyễn Đức Hải; Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường, cùng đại diện các cơ quan của Quốc hội, các bộ, ngành...

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. Ảnh: TTXVN

Phát biểu tại cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, thực hiện chủ trương chung về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Trung ương xác định khâu ban hành luật pháp, nghị quyết với khâu tổ chức quán triệt, thi hành các luật, nghị quyết có ý nghĩa hết sức quan trọng. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Trung ương đã có những đổi mới rất mạnh mẽ cả trong khâu ban hành và quán triệt, tổ chức triển khai các Nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Nhắc lại phát biểu bế mạc Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đã báo cáo Quốc hội về việc sẽ tổ chức Hội nghị quán triệt và triển khai các luật, nghị quyết được thông qua tại Kỳ họp thứ 5, đồng thời rà soát, đôn đốc việc thực hiện các luật, nghị quyết của Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ Khóa XV, Chủ tịch Quốc hội chia sẻ, dư luận đánh giá cao chủ trương tổ chức Hội nghị này và cho rằng đây là “việc làm chưa có tiền lệ nhưng đặc biệt quan trọng và cần thiết, phải được tổ chức chu đáo, khẩn trương”.

Hội nghị được tổ chức để hiện thực hóa yêu cầu “gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật với thực hiện pháp luật, bảo đảm pháp luật được thực hiện công bằng, nghiêm minh, nhất quán, kịp thời, hiệu lực, hiệu quả”, góp phần tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, thực hiện chức năng giám sát của Quốc hội đối với công tác tổ chức thi hành pháp luật.

Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: TTXVN

Ngay sau Kỳ họp thứ 5, ngày 27/6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành kế hoạch chuẩn bị tổ chức Hội nghị. Trên cơ sở đó, Tổng Thư ký Quốc hội đã phối hợp với các cơ quan khẩn trương chỉ đạo việc chuẩn bị xây dựng các báo cáo tại Hội nghị; khảo sát các điều kiện tổ chức Hội nghị; xây dựng dự kiến chương trình chi tiết; xây dựng dự thảo Kế hoạch của Văn phòng Quốc hội về phục vụ tổ chức hội nghị, phân công cụ thể nhiệm vụ của từng đơn vị liên quan; tổ chức các cuộc họp để trao đổi, thống nhất về công tác chuẩn bị nội dung và điều kiện bảo đảm để tổ chức thành công Hội nghị...

Tại cuộc làm việc, các ý kiến đều nhất trí rất cao với việc tổ chức hội nghị, nhấn mạnh đây là điểm mới của Quốc hội khóa XV, có ý nghĩa quan trọng, là một trong những biện pháp để Quốc hội, đại biểu Quốc hội, cơ quan dân cử địa phương giám sát từ sớm, từ xa việc tổ chức thi hành các luật, nghị quyết đã được Quốc hội thông qua.

Các ý kiến tập trung thảo luận về phạm vi, trọng tâm các nội dung cần rà soát, đánh giá, báo cáo, xem xét tại Hội nghị; cách thức tổ chức và thành phần tham dự để bảo đảm hiệu quả thiết thực của hội nghị.

Kết luận cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thống nhất tên gọi: "Hội nghị toàn quốc triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội Khóa XV".

Hội nghị do Ủy ban Thường vụ Quốc hội chủ trì tổ chức, cơ quan phối hợp là Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước và thành phố Hải Phòng - nơi đăng cai tổ chức. Hội nghị sẽ được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến trong 1 ngày (dự kiến là ngày 21/8/2023).

Về phạm vi, nội dung, Chủ tịch Quốc hội nhất trí tập trung vào các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua từ đầu nhiệm kỳ Khóa XV đến nay, trong đó loại trừ các nghị quyết đã có chuyên đề giám sát vừa qua hoặc đã được Quốc hội quyết định sẽ giám sát trong thời gian tới (như Nghị quyết số 43 về chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội hay Nghị quyết về các công trình, dự án trọng điểm quốc gia...), các nghị quyết về nhân sự, các nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn.

Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, Nghị quyết Kỳ họp thứ 5 đã yêu cầu rà soát hệ thống pháp luật, vấn đề nào không thống nhất, còn chồng chéo, mâu thuẫn, định hướng xử lý, tháo gỡ như thế nào... để báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6. Đây là công việc đòi hỏi phải rất công phu.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa quyết định thành lập một tổ công tác do Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định làm Tổ trưởng để thực hiện nhiệm vụ này.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Tổ công tác và Chính phủ chủ động phối hợp rà soát cả các luật, nghị quyết, các văn bản có khả năng sơ hở, tiềm ẩn nguy cơ tiêu cực, tham nhũng, những nội dung còn bất cập...

"Như vậy, Hội nghị sẽ tập trung vào các luật nhưng cũng có trọng tâm, trọng điểm là các luật có nhiều nội dung quan trọng, phức tạp, có nhiều văn bản hướng dẫn thi hành và các Nghị quyết liên quan đến cơ chế, chính sách đặc thù, các Nghị quyết về công tác tư pháp, Nghị quyết giám sát chuyên đề của Quốc hội", Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Về cách thức tổ chức, Chủ tịch Quốc hội nhất trí tại Hội nghị có 2 báo cáo lớn. Báo cáo của Chính phủ do Phó Thủ tướng Chính phủ trình bày, tập trung đánh giá tình hình, kết quả triển khai các luật, nghị quyết của Quốc hội và kế hoạch triển khai các luật, nghị quyết của Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 5; số lượng, danh mục, tiến độ và kết quả ban hành các nghị định, các văn bản hướng dẫn thi hành và việc bố trí các nguồn lực thực hiện luật, nghị quyết; đánh giá khả năng triển khai kịp thời các luật, nghị quyết theo hiệu lực đã được Quốc hội quyết định, nhất là những luật phức tạp, nhiều văn bản hướng dẫn như Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi)... , các kiến nghị, đề xuất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội.

Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Phó Chủ tịch Quốc hội trình bày cũng tập trung vào các nội dung trên, nhưng đánh giá chung về công tác triển khai luật, nghị quyết từ góc độ của Quốc hội và đánh giá bao trùm đối với Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước...

Cùng với đó, các cơ quan của Quốc hội, bộ, ngành, địa phương tham luận về các nội dung trọng tâm của Hội nghị, nhất là những đề xuất, kiến nghị để bảo đảm các luật, nghị quyết của Quốc hội đi vào cuộc sống, phát huy cao nhất hiệu quả phục vụ sự phát triển của đất nước, vì lợi ích chung của người dân, doanh nghiệp.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ giao Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội tiếp tục hoàn thiện kế hoạch, rà soát các công tác chuẩn bị về mọi mặt, bảo đảm tổ chức thành công Hội nghị quan trọng này.

Theo TTXVN/Báo Tin tức