Trước tình hình đó, UBND tỉnh đã bám sát tinh thần chỉ đạo của trung ương, của Tỉnh ủy, tổ chức các hội nghị chuyên đề về giải ngân vốn đầu tư công, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tháo gỡ các khó khăn về chính sách đất đai, đầu tư, khoáng sản cho DN... Nhờ đó, kết thúc 6 tháng đầu năm, tình hình KT-XH của tỉnh tiếp tục phục hồi và tăng trưởng khá.
Điện gió, điện mặt trời Trung Nam (Thuận Bắc). Ảnh: V.M
Đồng chí Nguyễn Văn Hương, Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh cho biết: Tính chung 6 tháng đầu năm, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) tăng 7,95% so với cùng kỳ năm 2022, đứng thứ 8 so với cả nước và là mức tăng cao nhất các tỉnh Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung. Trong đó: Khu vực I (nông, lâm nghiệp và thủy sản) tăng 4,88% đóng góp 1,30 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung; Khu vực II (công nghiệp (CN) và xây dựng) tăng 10,80% đóng góp tăng 3,86 điểm phần trăm; Khu vực III (dịch vụ) tăng 8,50% đóng góp 2,81 điểm phần trăm. Về thu ngân sách trên địa bàn tỉnh, dự kiến đến ngày 30/6/2023 ước đạt 1.820 tỷ đồng, đạt 49,8% dự toán HĐND tỉnh giao; trong đó, thu nội địa 1.800 tỷ đồng, đạt 51,3%; thu xuất nhập khẩu 20 tỷ đồng, đạt 13,3%. Đặc biệt, tỉnh đã tổ chức thành công Lễ đón bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp” và Lễ hội Nho - Vang Ninh Thuận năm 2023.
Điểm sáng trong bức tranh kinh tế của tỉnh 6 tháng đầu năm, đó là ngành CN đạt tổng giá trị tăng thêm 3.328 tỷ đồng, tăng 9,64% và đóng góp tăng 2,57% cho GRDP (cùng kỳ năm 2022 tăng 6,72%). Trong đó, ngành khai khoáng tăng mạnh 47,38%, đóng góp 1,53 điểm phần trăm; ngành chế biến, chế tạo tăng 3,59%, đóng góp 0,57 điểm phần trăm; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 9,36%, đóng góp 7,37 điểm phần trăm. Hoạt động sản xuất CN trong 6 tháng đầu năm đạt tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm trước là nhờ một số sản phẩm chủ lực như: Muối biển, đường, điện gió... tăng. Mặt khác, trong tháng 6/2023, một số dự án năng lượng tái tạo đã được Bộ Công Thương phê duyệt, thông qua giá tạm, hòa lưới điện quốc gia. Kết quả trên đã tác động đưa chỉ số sản xuất toàn ngành CN (IIP) 6 tháng đầu năm 2023 tăng 8,14% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý trong các ngành CN cấp II, một số sản phẩm CN chủ lực có chỉ số tăng, như: Sản xuất chế biến thực phẩm tăng 10,42%; tôm đông lạnh tăng 8,1%; điện sản xuất tăng 7,1% (trong đó, điện mặt trời tăng 1,1%); muối chế biến tăng 23,9%...
Đối với sản xuất nông nghiệp, trong vụ đông - xuân 2023, toàn tỉnh gieo trồng được 30.951,1 ha, đạt 100,6% kế hoạch; trong đó, diện tích lúa 17.229,2 ha, đạt 99,2% so kế hoạch. Năng suất lúa đạt bình quân 66,7 tạ/ha, tăng 0,5 tạ/ha; sản lượng đạt 114,9 nghìn tấn. Cùng với việc thu hoạch vụ đông - xuân, đến ngày 15/6/2023, các địa phương trong tỉnh đã xuống giống được 7.270 ha lúa vụ hè - thu. Hiện có khoảng 6.400 ha lúa đang trong giai đoạn đẻ nhánh sinh trưởng tốt. Bên cạnh đó, sản lượng một số cây lâu năm như: Cây nho hiện có 1.058 ha, sản lượng thu hoạch đạt 17.056 tấn; cây táo hiện có 1.038 ha, sản lượng thu hoạch đạt 19.332 tấn; cây xoài hiện có 671 ha, sản lượng đạt 5.621 tấn, tăng 13,6%... Riêng thủy sản, sản lượng ước đạt gần 60,7 nghìn tấn, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, sản lượng thủy sản khai thác ước đạt 55,8 nghìn tấn, tăng 7,4% so với cùng kỳ..., góp phần đưa giá trị sản xuất toàn ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 3.176 tỷ đồng, tăng 4,88% so với cùng kỳ năm trước và đóng góp tăng 1,30% vào GRDP của tỉnh.
Góp phần vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong 6 tháng đầu năm còn có các ngành thương mại, dịch vụ, du lịch, với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 18.700,5 tỷ đồng, đạt mức tăng 17,6% so với cùng kỳ năm trước. Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa 6 tháng đạt 14.417,2 tỷ đồng, chiếm 77,10% tổng mức và tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2022. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 2.714,9 tỷ đồng, chiếm 14,52% và tăng 37,9%. Doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 7,3 tỷ đồng, chiếm 0,04% và tăng 328,3%. Doanh thu dịch vụ khác ước đạt 1.561,1 tỷ đồng, chiếm 8,34% và tăng 25,6%.
Tín hiệu tích cực cho nền kinh tế của tỉnh, đó là trong 6 tháng số DN giải thể giảm 4,5%; có 203 DN đăng ký mới với số vốn đăng ký 1.804,3 tỷ đồng, nâng tổng số DN đang hoạt động trên địa bàn tỉnh đến nay có 4.172 DN. Công tác xúc tiến, thu hút đầu tư được đẩy mạnh; các dự án trọng điểm, động lực được tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ; môi trường đầu tư được cải thiện rõ nét; cải cách hành chính hiệu quả hơn; chuyển đổi số đạt kết quả tích cực. Các chính sách an sinh xã hội được triển khai đầy đủ, kịp thời. Trong 6 tháng toàn tỉnh giải quyết việc làm mới cho 9.943 lao động, đạt 62,14% kế hoạch giao. Hoạt động tiền tệ, ngân hàng trên địa bàn trong 6 tháng tiếp tục ổn định và an toàn. Vốn tín dụng được tập trung đầu tư phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên; các giải pháp hỗ trợ, phục hồi phát triển KT-XH được quan tâm thực hiện. Đến cuối tháng 6/2023 tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn ước đạt 40.000 tỷ đồng, tăng 2.868 tỷ đồng (7,72%) so với cuối năm 2022, đạt 97,05% kế hoạch năm 2023. Công tác chăm lo cho các đối tượng chính sách và hộ nghèo được thực hiện tốt hơn.
Diêm dân Ninh Hải thu hoạch muối. Ảnh: T.D
Để tạo bước đột phá trong tăng trưởng, phấn đấu hoàn thành mục tiêu kế hoạch năm 2023, UBND tỉnh yêu cầu trong những tháng còn lại các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố bám sát phương châm hành động “Đoàn kết, kỷ cương, quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả”, nêu cao tinh thần trách nhiệm và tính kỷ luật cao, phải nỗ lực, quyết tâm hơn nữa trong các hoạt động chỉ đạo, điều hành, trong đó trọng tâm là tiếp tục bám sát và triển khai quyết liệt, có hiệu quả các nghị quyết của trung ương, của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh về kế hoạch phát triển KT-XH năm 2023. Chủ động xây dựng kịch bản, giải pháp điều hành, điều chỉnh kịp thời phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh. Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, ứng dụng khoa học - công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn theo lộ trình phù hợp.
Cùng với đó, các đơn vị, địa phương cần tổ chức đánh giá tình hình KT-XH giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, hậu kiểm, kiên quyết xử lý, thu hồi một số dự án trọng điểm chậm tiến độ, hoặc không có khả năng thực hiện, nhất là các dự án du lịch, nông nghiệp công nghệ cao. Quản lý chặt chẽ, thực hiện hiệu quả các giải pháp thu ngân sách, nhất là khai thác hiệu quả nguồn thu từ đất đai... Tập trung cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh; tăng cường giải quyết khó khăn, vướng mắc cho DN trong quá trình đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Tập trung phát triển một số ngành, lĩnh vực trọng điểm, có tiềm năng và còn dư địa lớn để làm động lực cho tăng trưởng, như: Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, năng lượng, cảng biển, CN chế biến, khai khoáng, du lịch..., nhằm tạo sự đồng thuận cao, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và người dân trong thực hiện các nhiệm vụ, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm 2023 từ 10-11% theo kế hoạch HĐND tỉnh giao.
Linh Giang