Theo đó, các trường có thể sử dụng những công cụ này cho một số mục đích như lên ý tưởng cho các cuộc thảo luận trong lớp học. Dự thảo cũng khuyến khích sử dụng AI tạo sinh để giảm khối lượng công việc của giáo viên, chẳng hạn như lên chương trình cho các ngày hội thể thao, ra đề thi hay viết thông báo cho phụ huynh. Tuy nhiên, ngay cả trong những trường hợp đó, giáo viên cần chỉnh sửa và kiểm tra nội dung.
Biểu tượng công cụ ChatGPT của OpenAI. Ảnh: AFP/TTXVN
Bộ sẽ không cho phép sử dụng công cụ này một cách bừa bãi. Dự thảo lưu ý AI tạo sinh không nên được dùng trong các kỳ thi đánh giá kết quả học tập của học sinh hoặc không nên được học sinh sử dụng tự do mà không biết các khuynh hướng và hạn chế của công nghệ này. Dự thảo cũng cho rằng không nên sử dụng AI tạo sinh để làm thơ hoặc tiến hành các hoạt động nghệ thuật mà không cân nhắc kĩ lưỡng.
Dự thảo nhấn mạnh điều quan trọng là thúc đẩy khả năng sử dụng AI một cách thận trọng, đồng thời lưu ý công nghệ này có thể tác động tiêu cực đối với kỹ năng tư duy phản biện và sự sáng tạo của học sinh, cũng như rủi ro rò rỉ dữ liệu cá nhân và vi phạm bản quyền. Giáo viên cần hướng dẫn học sinh rằng các em sẽ bị coi là gian lận nếu nộp bài do AI tạo ra khi làm bài tập trên lớp hoặc tham gia các cuộc thi.
Dự thảo nêu rõ giáo viên và học sinh không nên nhập dữ liệu cá nhân hoặc thông tin mật vào các chương trình AI tạo sinh, đồng thời cần thận trọng với các rủi ro vi phạm bản quyền nếu các văn bản hoặc hình ảnh được công khai bên ngoài lớp học, chẳng hạn như trên các trang web của trường.
Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ dự kiến ban hành hướng dẫn sớm nhất là vào tháng 7 sau khi nghe ý kiến của các bên liên quan và thực hiện các sửa đổi cần thiết.
Công cụ ChatGPT và những chương trình AI tạo sinh khác được đào tạo bằng cách sử dụng lượng dữ liệu khổng lồ từ Internet và có thể xử lý cũng như mô phỏng các cuộc trò chuyện giống con người với người dùng hoặc tạo hình ảnh dựa trên hướng dẫn của người dùng.
Theo TTXVN/Báo Tin tức