Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đang thực hiện chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam từ ngày 22 đến 24/6. Nhân dịp này, Giáo sư Choe Won-gi, Trưởng khoa Nghiên cứu ASEAN-Ấn Độ, Học viện Ngoại giao quốc gia Hàn Quốc (KNDA) đã trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Seoul về chuyến thăm, những chuyển biến trong quan hệ song phương và một số ưu tiên triển khai hợp tác ở cấp độ song phương và đa phương.
Nhận định về khả năng chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Yoon Suk Yeol tạo ra những chuyển biến trong quan hệ song phương, Giáo sư Choe Won-gi cho rằng chuyến thăm có ý nghĩa rất lớn vì Việt Nam là quốc gia Đông Nam Á đầu tiên mà Tổng thống Yoon Suk Yeol tới thăm sau khi nhậm chức. Điều này cho thấy vị trí rất quan trọng của Việt Nam đối với Hàn Quốc.
Giáo sư, Tiến sĩ chính trị học Choe Won-gi trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN. Ảnh: Đức Hưng/Pv TTXVN tại Hàn Quốc
Nhân dịp kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao cuối năm ngoái, Việt Nam và Hàn Quốc đã nhất trí nâng cấp quan hệ song phương lên “Đối tác chiến lược toàn diện” - cấp quan hệ song phương cao nhất mà Việt Nam hiện có. Trong 30 năm qua, kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, hợp tác song phương đã rất thành công, Việt Nam trở thành một trong những đối tác kinh tế quan trọng nhất của Hàn Quốc. Các công ty hàng đầu Hàn Quốc như Samsung và LG đang vận hành các nhà máy có quy mô rất lớn tại Việt Nam.
Hợp tác kinh tế rất thành công, nhưng dựa trên những kết quả đã đạt được, Giáo sư Choe Won-gi cho rằng cần chuẩn bị cho tương lai, cần nâng cấp và làm sâu sắc hơn các lĩnh vực hợp tác. Hiện nay, điều quan trọng nhất là Việt Nam và Hàn Quốc cần củng cố mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, trên cơ sở đó chuyển từ quan hệ đối tác kinh tế đơn thuần sang quan hệ đối tác toàn diện, bao gồm tất cả các lĩnh vực, như quan hệ chiến lược về ngoại giao và kinh tế-xã hội.
Theo Giáo sư Choe Won-gi, nếu nhìn từ góc độ chiến lược, Hàn Quốc và Việt Nam có sự đan xen lợi ích ở mức rất cao, chia sẻ nhiều lợi ích chung trong lĩnh vực kinh tế, an ninh, thậm chí cả kinh tế xã hội. Khoảng 9.000 nhà máy Hàn Quốc đang hoạt động tại Việt Nam và khoảng gần 200.000 người Hàn Quốc đang sinh sống tại Việt Nam và số lượng tương tự người Việt Nam đang sinh sống tại Hàn Quốc nên mức độ gắn kết văn hóa xã hội rất cao.
Vì vậy, hai bên có cơ sở rất vững chắc và với Hàn Quốc, Việt Nam là đối tác quan trọng về trao đổi thương mại, chiếm khoảng một nửa kim ngạch thương mại của Hàn Quốc với cả khu vực Đông Nam Á. Xét về lợi ích chiến lược, hai nước có những lợi ích chiến lược rất giống nhau. Giáo sư Hàn Quốc bày tỏ lạc quan về tương lai quan hệ song phương và chuyến thăm của Tổng thống Hàn Quốc đến Việt Nam lần này có thể tạo ra chất xúc tác cho sự phát triển của quan hệ song phương trong tương lai.
Về những điều cần làm để triển khai những kết quả đã đạt được và những lĩnh vực ưu tiên triển khai sau chuyến thăm, Giáo sư Choe Won-gi cho rằng mối quan hệ song phương đang rất thành công, cả Hàn Quốc và Việt Nam nên ưu tiên cho giai đoạn hợp tác tiếp theo của mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện là khắc phục những hạn chế của hợp tác kinh tế đơn thuần. Hai bên cần mở rộng các lĩnh vực hợp tác từ kinh tế, thương mại và đầu tư sang ngoại giao, quốc phòng và hợp tác công nghệ công nghiệp.
Theo Giáo sư, Việt Nam đã rất thành công trong phát triển kinh tế nhưng để đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn, Việt Nam cần phải nâng cấp nền tảng công nghiệp, ví dụ như trong các ngành có giá trị gia tăng cao như công nghiệp công nghệ cao và các ngành công nghiệp phụ vụ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Về vấn đề này, Hàn Quốc có thể hỗ trợ nền kinh tế Việt Nam cất cánh và chuyển sang giai đoạn kinh tế công nghiệp hóa cao hơn. Hàn Quốc và Việt Nam nên hợp tác chặt chẽ hơn để tạo dựng môi trường bên ngoài ổn định cho phát triển, có thể kể đến một số lĩnh vực nên tăng cường hợp tác như:
Trong lĩnh vực kinh tế, trước đây Hàn Quốc và Việt Nam đều tập trung vào các ngành sử dụng nhiều sức lao động, và hiện nay cần chuyển sang các ngành đòi hỏi nhiều chất xám hơn, như điện tử, công nghiệp nặng, công nghệ bán dẫn và CNTT. Trong những lĩnh vực này, cách thức hợp tác cần có những điều chỉnh mới, tập trung vào chuyển đổi kỹ thuật số, chuyển đổi năng lượng và xây dựng nền tảng công nghiệp hiện đại hơn.
Về các lĩnh vực hợp tác chiến lược và ngoại giao, khó có thể nói rằng mối quan hệ hợp tác chiến lược và an ninh giữa hai nước là rất mạnh mẽ. Vì vậy, đây là ranh giới tiếp theo mà hai nước nên bước qua để cùng đối phó với sự xói mòn của các thiết chế của trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, hệ thống thương mại quốc tế và môi trường chiến lược ngày càng xấu đi. Trước hết, cần làm sâu sắc hơn nữa hợp tác trong các lĩnh vực chiến lược và an ninh liên quan đến môi trường an ninh khu vực, cân nhắc nhưng lĩnh vực có thể phối hợp với nhau để cải thiện môi trường chiến lược của mỗi nước.
Một lĩnh vực hợp tác quan trọng là an ninh hàng hải bao gồm Biển Đông và khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương rộng lớn hơn. Hàn Quốc dưới thời Tổng thống Yoon Suk Yeol đã công bố một chiến lược đối ngoại mới cho khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và có chính sách cụ thể đối với ASEAN có tên gọi “Sáng kiến đoàn kết Hàn Quốc-ASEAN (KASI)”. Trong sáng kiến mới này, Việt Nam là đối tác chính và trong số các lĩnh vực hợp tác thì an ninh hàng hải là lĩnh vực cụ thể mà hai bên nên cùng nỗ lực.
Một lĩnh vực quan trọng khác mà hai bên cần tăng cường hợp tác là công nghiệp quốc phòng. Việt Nam hiện có xu hướng chủ động đa dạng hóa nguồn cung vũ khí. Trong lĩnh vực này, Hàn Quốc là một đối tác tốt, thế mạnh của Hàn Quốc là các thiết bị quân sự hiệu quả và có chi phí hợp lý. Hàn Quốc là nhà cung cấp thiết bị quân sự số 1 cho các nước như Philippines và Malaysia.
Về tổng thể, điều cần làm là vạch ra một lộ trình thật cụ thể để triển khai thỏa thuận giữa lãnh đạo hai nước về nâng cấp quan hệ lên “Đối tác chiến lược toàn diện”. Qua đó, hợp tác giữa hai nước có thể đạt được những bước tiến thực chất, đi vào chiều sâu và mở rộng phạm vi hợp tác, không chỉ trong lĩnh vực kinh tế mà cả trong lĩnh vực ngoại giao, an ninh và các lĩnh vực chiến lược khác.
Đánh giá về khuyến nghị từ các chuyên gia rằng Hàn Quốc và Việt Nam nên mở rộng hợp tác song phương ra khu vực và quốc tế theo mô hình “2+1”, Giáo sư Choe Won-gi nêu rõ hai nước có đủ khả năng để đi theo cách thức hợp tác có từ 2, 3 hoặc 4 bên cùng tham gia, đề cập một số đối tác như Triều Tiên, Mỹ và Nhật Bản.
Bên cạnh đó, Giáo sư Choe Won-gi cho rằng Việt Nam hiện là thành viên chủ chốt của ASEAN, Hàn Quốc đang có kế hoạch nâng cấp quan hệ Hàn Quốc-ASEAN lên Đối tác Chiến lược toàn diện và Việt Nam là hiện đang là điều phối viên quan hệ Hàn Quốc-ASEAN, vì vậy, hai bên có nhiều lợi ích quan trọng đan xen lẫn nhau.
Giáo sư Choe Won-gi khẳng định hai bên cần hợp tác vì mục tiêu chung này đồng thời bày tỏ lạc quan về triển vọng phát triển của Việt Nam và vị thế ngoại giao của Việt Nam trong tương lai, không chỉ trong khu vực ASEAN mà còn trên trường quốc tế, và coi đây là tin rất tốt cho Hàn Quốc.
Theo TTXVN/Báo Tin tức