Điểm đáng chú ý nhất của Quy hoạch điện VIII, là việc ưu tiên tập trung phát triển mạnh các dự án nguồn NLTT. Theo Quy hoạch điện VIII, đến năm 2030, công suất điện gió ngoài khơi phục vụ nhu cầu điện trong nước đạt khoảng 6.000 MW; quy mô có thể tăng thêm trong trường hợp công nghệ phát triển nhanh, giá điện và chi phí truyền tải hợp lý. Định hướng đến năm 2050 đạt 70.000-91.500 MW. Đối với các dự án điện mặt trời đã được phê duyệt quy hoạch, được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư và giao chủ đầu tư sẽ được xem xét tiến độ cụ thể. Các dự án điện mặt trời đã có quy hoạch trong giai đoạn 2021-2030 nhưng chưa giao chủ đầu tư thì chưa được phép triển khai mà xem xét sau năm 2030, trừ trường hợp triển khai theo hình thức tự sản, tự tiêu. Quy hoạch điện VIII cũng ưu tiên phát triển không giới hạn công suất các nguồn điện từ NLTT phục vụ xuất khẩu, sản xuất năng lượng mới (hydro, amoniac xanh, ...) trên cơ sở bảo đảm an ninh năng lượng và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Phấn đấu đến năm 2030, quy mô công suất xuất khẩu điện đạt khoảng 5.000 - 10.000 MW.
Lực lượng công an và ngành Điện lực phối hợp kiểm tra an ninh an toàn trạm biến áp 220 kV Tháp Chàm. Ảnh: Anh Tuấn
Theo Sở Công Thương, qua rà soát Quy hoạch điện VIII có nhiều thuận lợi đối với tỉnh đó là trong danh mục các dự án trọng điểm, không thấy nguồn 2 dự án nhà máy điện Hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2, nhưng dự án Điện khí LNG Cà Ná được cập nhật quy mô công suất 1.500 MW. Bên cạnh đó có 2 nhà máy Thủy điện tích năng tổng công suất 2.400 MW, gồm: Thủy điện tích năng Bác Ái 1.200 MW và Thủy điện tích năng Phước Hoà 1.200 MW giai đoạn đưa vào vận hành 2021-2030. Cùng với đó, cho phép thực hiện các dự án điện gió và thủy điện đã được phê duyệt quy hoạch và phương án đấu nối, đảm bảo tuân thủ các tiêu chí yêu cầu, quy định của pháp luật. Ưu tiên phát triển không giới hạn công suất các nguồn điện từ NLTT phục vụ xuất khẩu, sản xuất năng lượng mới (hydro, amoniac xanh, ...) trên cơ sở bảo đảm an ninh năng lượng và mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Quy hoạch Điện VIII không chỉ nhằm đảm bảo cung cấp đủ nhu cầu điện, mà còn tạo hành lang pháp lý cho việc triển khai các dự án truyền tải điện để giúp giải toả công suất cho các dự án điện tái tạo khu vực, cũng như các tuyến đường dây 500 kV giúp cân đối cung cầu, đáp ứng yêu cầu vận hành hệ thống điện an toàn, ổn định và kinh tế. Cụ thể, phát triển hệ thống truyền tải điện liên quan đến địa bàn tỉnh Ninh Thuận, trong Danh mục đầu tư xây mới và cải tạo đưa vào vận hành giai đoạn 2021-2030 có Trạm biến áp 500 KV Ninh Sơn (1.800 MVA), Thuận Nam (2.700 MVA) và Dự phòng phát sinh Trạm 500 kV cùng các công trình dự án nâng cao khả năng điều khiển, vận hành trạm và hệ thống điện. Bên cạnh đó, có 9 hệ thống đường dây 500 kV xây mới và cải tạo bao gồm các tuyến: Ninh Sơn, Thuận Nam, Bác Ái đi Chơn Thành, Bình Dương, Nam Trung Bộ 1 và 2… Đối với hệ thống truyền tải 220 kV có các trạm biến áp như: Trạm cắt Đa Nhim, Cà Ná, Quán Thẻ, Phước Thái và 8 tuyến đường dây Đa Nhim-Tháp Chàm, Đa Nhim - Đức Trọng - Di Linh, Nha Trang - Tháp Chàm, Tháp Chàm - Ninh Phước, Cà Ná - Vĩnh Tân, Ninh Phước - Thuận Nam, Phước Thái - Vĩnh Tân - Tháp Chàm (mạch 2)… Trong đó có phương án đấu nối cấp điện áp 220 kV Nhà máy điện gió Phước Hữu cũng được cập nhật vào quyết định.
Tuy nhiên, những khó khăn đặt ra mà trong Quy hoạch điện VIII chưa đặt ra đó là, trừ các nguồn điện trọng điểm được ghi tên trong danh mục, còn lại không phân bổ chỉ tiêu cụ thể từng địa phương mà phê duyệt tổng công suất theo vùng, do đó Ninh Thuận chưa biết được phát triển cụ thể về quy mô công suất. Để có cơ sở triển khai, địa phương phải chờ Bộ Công Thương xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch theo quy định của pháp luật, bảo đảm công khai, minh bạch và thống nhất trong quá trình tổ chức thực hiện, bảo đảm các phương án Quy hoạch được triển khai thực hiện trong thực tiễn. Đối với các dự án điện gió có phương án đấu nối từ cấp điện áp 220 kV điện gió Phước Hữu đến Dự án Thủy điện tích năng Phước Hòa được Ninh Thuận đề xuất phương án đấu nối nhưng chưa được cập nhật thể hiện cụ thể trong quyết định.
Đồng chí Võ Đình Vinh, Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Để triển khai thực hiện hiệu quả phát triển năng lượng của tỉnh trong thời gian tới, tỉnh sẽ đề nghị đơn vị tư vấn lập quy hoạch tỉnh cập nhật đầy đủ Danh mục nguồn và hạ tầng truyền tải được phê duyệt; tiếp tục thực hiện rà soát tham mưu tỉnh kiến nghị Bộ Công Thương xem xét cập nhật tiềm năng phát triển năng lượng của tỉnh vào Kế hoạch thực hiện Quy hoạch trình cấp có thẩm quyền phê duyệt làm cơ sở triển khai. Các sở, ngành, UBND các huyện rà soát cập nhật quy hoạch sử dụng đất (quỹ đất năng lượng) các vấn đề liên quan đến chuyển đổi đất rừng đối với Danh mục nguồn và hạ tầng truyền tải đã được phê duyệt; đồng thời, chú trọng rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch chuyên ngành ở địa phương (như quy hoạch về đất đai, xây dựng), tạo cơ sở, tiền đề cho việc triển khai các dự án phát triển điện lực trên địa bàn trong tương lai.
Anh Tuấn