Vững tâm gắn bó với nghề

Khi đã “dấn thân” vào nghề báo, ngoài những kiến thức, kỹ năng cơ bản được đào tạo trong nhà trường, mỗi phóng viên (PV), nhà báo phải trải qua một quá trình rèn luyện, tích lũy tri thức, chuẩn bị và hoàn thiện rất nhiều các kỹ năng để có thể làm, làm tốt và trụ vững được với nghề!

Ngày 12/7/2010, tôi chính thức trở thành PV tập sự của tòa soạn Báo Ninh Thuận sau khi vượt qua kỳ phỏng vấn và kiểm tra kiến thức, kỹ năng bằng tác phẩm thực tế. Từ đó đến nay cũng ngót 13 năm trong nghề báo, với sự yêu thương, giúp đỡ, hỗ trợ về chuyên môn, kỹ thuật và những truyền dạy, chia sẻ quý báu về kỹ năng, kinh nghiệm của các chú, anh, chị trong cơ quan, tôi hiện cũng gọi là “trụ” được với nghề. Trong niềm hân hoan tự hào nghề nghiệp xen lẫn bồi hồi cảm xúc kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925- 21/6/2023), tôi mạn phép chia sẻ cùng các đồng nghiệp trẻ đôi điều tự ngẫm về nghề báo và sự “dấn thân” của người làm báo (NLB) để từ đó NLB chúng ta thêm một niềm tin, một tình yêu và vững tâm gắn bó với nghề!

Phóng viên các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh tác nghiệp tại một sự kiện. Ảnh: Văn Miên

Ngày ấy, khi đã lựa chọn nghề báo, bản thân tôi xác định luôn trong tâm thế sẵn sàng “dấn thân” vào các sự kiện, có mặt trên những chuyến đi, bất kể nắng mưa, gió bão; hành trang là chiếc máy ảnh và những nguyên tắc “chung” của nghề và nét “riêng” của mình. Tôi được học và được dạy rằng, tác phẩm báo chí là sự tổng hòa của một quá trình lao động nghề nghiệp nghiêm túc, do đó khi bước vào làm nghề từ những buổi đầu chập chững, tôi cần mẫn đi cơ sở, dự sự kiện, tìm kiếm, chắt lọc cho mình những nguồn thông tin mới mẻ, có giá trị; tiếp đó là sự trải nghiệm cùng nhân vật, kiểm chứng, xác thực, thu thập thêm thông tin đa chiều; sau cùng là xác định bố cục và diễn đạt...

Ấy vậy mà sau bao năm làm nghề, thực sự mà nói tôi chưa thấy mình tiến bộ lắm, có khi còn lạc hậu hẳn so với lớp đồng nghiệp trẻ. Chợt nhận thấy kỹ năng như bị mai một; còn lòng yêu nghề, cháy với nghề đôi lúc lụi đi bởi những bộn bề, áp lực của “chữ nghĩa” và cuộc sống. Nó làm cho bản thân thiếu sự chăm chút, trau dồi nghề nghiệp và có xu hướng ngại va chạm, ngại tìm tòi, dẫn đến sự “dậm chân” trong đầu tư, nâng chất lượng tác phẩm báo chí. Song có lẽ tôi còn “duyên nợ” với báo chí nên những lúc suy nghĩ chùng chân là những lúc tôi có đề tài được giao, có “địa chỉ” là có những chuyến đi, là có những cuộc phỏng vấn với nhân vật, sự kiện... giúp tôi xốc lại tinh thần, lấy lại cảm hứng, hun đúc lại trong tôi tình yêu nghề và gắn bó với nghề. Và tôi chợt nhận ra, làm báo mà cứ “đào báo cáo”, không đi, không tiếp xúc với cơ sở, nhân vật, hòa vào sự kiện thì... sớm muộn tình yêu, niềm đam mê làm nghề cũng sẽ bị thui chột. Điều đó làm tôi giật mình, thảng thốt bởi tôi làm nghề rồi mới yêu nghề, đồng nghĩa, không đi cơ sở, không có tác phẩm báo chí... sớm muộn nghề báo rồi cũng sẽ “rời bỏ” (đào thải) tôi! Cái giật mình đó làm tôi phải nhìn lại, tìm kiếm, chắt chiu những cảm xúc tích cực, tìm kiếm lại những mối quan hệ cũ hoặc tìm cách tạo ra những mối quan hệ mới từ những cơ sở “đã cũ”. Nhờ vậy, tôi vẫn còn đây với tư cách một PV để có cơ hội tự sự về cái nghề tôi trân quý vô cùng!

Bỏ qua những “va vấp” của chính mình, tôi lại và sẽ tiếp tục “dấn thân” trên con đường đi và viết báo. Những thiếu sót trở thành kinh nghiệm giúp tôi vững vàng hơn trong nghề và cũng trăn trở nhiều hơn với nghề. Bởi những năm gần đây, sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội đã làm mất đi một phần công chúng của báo chí, trong đó có báo in. Trong xu hướng mới, nhu cầu mới, nền tảng mới buộc NLB đứng trước sự cân nhắc nên đổi mới hay chấp nhận bị bỏ lại phía sau. Công chúng báo chí ngày càng không có nhiều thời gian để đọc những bài báo dài, ít thông tin cần thiết, trình bày không hấp dẫn, thu hút. Bối cảnh mới, công chúng, độc giả chỉ cần chiếc điện thoại thông minh với những tính năng, tiện ích phù hợp với nhu cầu, trong vài phút, nếu các thông tin không phù hợp, họ sẽ chuyển kênh và tìm kiếm những kênh thông tin mới. Trên nền tảng mạng xã hội, các tính năng trực tuyến cũng đang được các đơn vị cung cấp phần mềm khai thác tối ưu. Bắt nhịp với xu hướng mới và sự thay đổi thói quen của công chúng buộc những NLB, trong đó có báo in cần chuẩn bị sẵn sàng cho sự chuyển đổi phù hợp theo xu hướng. Bản thân tôi cũng đau đáu mình không thể chỉ dừng lại ở kỹ năng viết và chụp ảnh mà còn phải biết thêm kỹ năng làm báo đa phương tiện, nghĩa là biết quay phim, làm video, clip, ứng dụng phần mềm trong quá trình tác nghiệp và hoàn thiện sản phẩm. Vì lẽ đó, tôi mong muốn trong thời gian tới, Hội Nhà báo tỉnh, Chi hội báo Báo Ninh Thuận sẽ tạo điều kiện để PV chúng tôi được tiếp cận sâu với phong cách làm báo tích hợp, được bồi dưỡng, đào tạo mới, đào tạo lại các kỹ năng đa phương tiện để có thể tự tin gắn bó với nghề, làm tốt nhiệm vụ được giao trong công tác thông tin, tuyên truyền đến với công chúng.

Với những người đã chọn nghề báo để gắn bó cả cuộc đời không thể thiếu đi niềm đam mê, sự lạc quan, tin tưởng, trách nhiệm với nghề, biết “dấn thân” và biết vượt qua mọi thử thách, đem đến cho công chúng những nguồn thông tin chân thực và có giá trị, góp phần định hướng và tạo hiệu ứng xã hội tích cực. Đáp lại, tình yêu thương, sự trân trọng của công chúng dành cho NLB chính là phần thưởng vô giá để PV chúng tôi thêm vững tâm gắn bó với nghề.