Nghệ nhân Đàng Thị Tám bày tỏ sự vui mừng khi biết tỉnh ta tổ chức chu đáo Lễ đón bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp” và Lễ hội Nho - Vang Ninh Thuận năm 2023. Đây là sự kiện văn hóa quan trọng đối với tỉnh ta. Với khả năng và kinh nghiệm của nghệ nhân có hơn nửa thế kỷ gắn bó với nghề làm gốm truyền thống, nghệ nhân Đàng Thị Tám tích cực tham gia chương trình đón mừng lễ hội diễn ra tại làng Bàu Trúc.
Nghệ nhân Đàng Thị Tám cho biết bà vinh dự được cấp trên tin tưởng mời tham gia đoàn công tác lãnh đaọ tỉnh đi Ma-rốc. Bà mang theo hơn 20 bình gốm mỹ nghệ mang sắc màu tươi mới của đất và lửa của làng Bàu Trúc làm quà tặng lưu niệm cho các thành viên tổ chức UNESCO tham dự phiên họp. Hạnh phúc lớn lao của nghệ nhân Đàng Thị Tám trực tiếp nghe các thành viên trong đoàn thông báo nghệ thuật làm gốm của người Chăm được UNESCO chấp thuận ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp vào ngày 29/11/2022. Với trách nhiệm đại biểu được mời tham dự phiên họp Ủy ban Liên chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 17 của UNESCO, trở về làng Bàu Trúc, bà kể chuyện chuyến đi Ma-rốc và niềm tự hào nghệ thuật làm gốm của đồng bào Chăm được thế giới vinh danh.
Chúng tôi nhiều lần về làng Bàu Trúc gặp nghệ nhân Đàng Thị Tám cần mẫn hướng dẫn và chia sẻ kinh nghiệm làm gốm mỹ nghệ cho phụ nữ trong làng. Bà động viên chị em mạnh dạn chuyển đổi từ sản xuất các mặt hàng tiêu dùng truyền thống sang làm gốm mỹ nghệ cho thu nhập cao. Đến thăm nhà riêng của nghệ nhân Đàng Thị Tám được xây dựng khang trang, có khoảng sân rộng dành cho sản xuất và trưng bày gốm. Chúng tôi thật sự ấn tượng với các sản phẩm bình gốm trang trí chạm khắc hoa văn tinh xảo do nghệ nhân Đàng Thị Tám chế tác. Kế thừa truyền thống làm gốm truyền thống quý báu của tộc họ, bà Tám chuyển sang chế tác gốm mỹ nghệ đường nét tinh xảo, tài hoa được khách hàng ưa chuộng.
Nghệ nhân Đàng Thị Tám cho biết nghệ thuật làm gốm của người Chăm, đất sét được lấy từ đồng ruộng gò đất sét, cách làng khoảng 3 cây số. Từ thời con gái, bà Tám được mẹ ruột dạy nghề làm gốm với ước mong giữ nghề truyền thống ông bà, có thu nhập bảo đảm cuộc sống gia đình no ấm. Điểm đặc sắc của gốm Chăm tuy cả làng đều nặn gốm bằng tay xoay bằng chân nhưng mỗi người có một cách chế tác riêng mang tính độc bản. Bà Tám tâm huyết truyền dạy nghề làm gốm cho các con gái là Đàng Thị Như Ý, Đàng Thị Uyên Diễm, Đàng Thị Ngọc Ngà, Đàng Thị Như Bình. Các con của bà Tám nỗ lực rèn luyện nâng cao tay nghề trở thành những người thợ làm gốm giỏi của làng Bàu Trúc, bảo đảm cuộc sống gia đình no ấm. Bà căn dặn các con tiếp tục truyền nghề cho các cháu, chăm lo gìn giữ phát triển nghề làm gốm quý báu của ông bà xưa truyền lại.
“Với vai trò người phụ nữ cao tuổi của dòng họ, tôi vận động con cháu và bà con làng xóm đoàn kết gìn giữ nghề làm gốm mẹ truyền con nối ngày càng phát triển bền vững. Còn sức khỏe là tôi còn làm gốm vừa có thu nhập vừa đem lại niềm vui trong lao động. Tôi động viên chị em sáng tạo nhiều mẫu mã mới, sản xuất nhiều sản phẩm bền đẹp, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ gốm Chăm của thị trường”, nghệ nhân Đàng Thị Tám bộc bạch niềm vui.
Sơn Ngọc