Có mặt tại xã Phước Bình trong những ngày diễn ra ngày hội, phóng viên ghi nhận niềm vui rạng ngời trên khuôn mặt mỗi người dân. Dọc các tuyến đường, cờ Tổ quốc được treo đỏ rực, dòng người ở khắp nơi đổ về tham dự ngày hội rất nhộn nhịp. Anh Katơr Hải ở thôn Bạc Rây 2, chia sẻ: Cũng như nhiều bà con trong xã, tôi rất vui vì địa phương được vinh dự tổ chức Ngày hội văn hóa Raglai năm 2023. Đây là dịp để tôn vinh những giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc Raglai tới bạn bè trong nước và quốc tế. Tôi mong muốn ngày hội được tổ chức thường xuyên để các thế hệ trẻ có thể lưu giữ, bảo tồn những giá trị, nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mình.
Hội thi ẩm thực diễn ra sôi nổi và vui nhộn.
Các hoạt động diễn ra trong ngày hội như: Hội thi ẩm thực Raglai; Hội thi chế tác đàn Chapi; Hội thi giã gạo... thu hút rất đông nhân dân địa phương và du khách đến cổ vũ. Sôi nổi nhất là phần thi ẩm thực Raglai, đây là lần đầu tiên các xã có dịp cùng nhau quảng bá những món ăn đặc sản của địa phương mình tới du khách trong một sự kiện du lịch quy mô. Tại đây, du khách được tìm hiểu cách chế biến và thưởng thức những sản vật của miền “sơn cước” như: Gà đồi, cá suối nướng, canh lá bép, cơm lam, thịt heo đen luộc, bông đu đủ nộm... Chị Trần Thị Thu Hương, du khách ở Khánh Hòa cho biết: Đến với không gian của những ngày diễn ra lễ hội mình được xem các cô, chú, anh, chị và các các bạn trẻ ở đây trực tiếp nấu và trưng bày các món đặc sản của người Raglai rất là độc đáo và bắt mắt. Bên cạnh đó, còn được trực tiếp xem các nghệ nhân chế tác đàn Chapi rất tuyệt vời. Đây là kỳ trải nghiệm khó quên đối với mình và gia đình.
Cũng tại ngày hội, các nghệ nhân của 9 xã đã tập trung thi và biểu diễn chế tác đàn Chapi, một loại nhạc cụ dân gian truyền thống độc đáo của người Raglai. Phần thi đã thu hút nhiều du khách đến trải nghiệm và chụp ảnh lưu niệm. Phiên chợ nông sản Phước Bình trưng bày những sản phẩm đặc thù của 9 xã như: Bưởi da xanh, sầu riêng, chuốt hột mồ côi, ổi Nữ Hoàng, mật ong rừng, dưa lưới... thu hút rất đông du khách đến tham quan và thưởng thức. Chị Chamaléa Thị Thắm ở thôn Ma Nai, xã Phước Thành chia sẻ: Ở địa phương mình có bơ 034, xoài cát Hòa Lộc, ổi Nữ Hoàng, tiêu xanh, tiêu đen trồng tại vườn. Thông qua ngày hội, mình muốn giới thiệu cho khách và người tiêu dùng biết đến những sản phẩm nông nghiệp đặc thù của địa phương.
Đêm hội Raglai diễn ra cũng để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong lòng du khách và những giá trị độc đáo trong đời sống văn hóa của người Raglai. Các nghệ nhân Raglai cuốn hút người xem khi trình diễn các loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc mình như: Tiếng kèn bầu Sarakel vang lên trầm hùng, tiếng đàn Chapi sâu lắng. Ngoài ra, người xem được chiêm ngưỡng những bộ trang phục truyền thống mang nét đặc trưng riêng ở mỗi địa phương đã được bảo tồn và gìn giữ qua thời gian. Qua đó, cuộc sống của người Raglai trong suốt chiều dài lịch sử, đời sống văn hóa, bản sắc của dân tộc được tái hiện chân thực.
Đồng chí Cấn Thị Hà, Phó Chủ tịch UBND huyện Bác Ái cho biết: Ngày hội Văn hóa Raglai năm 2023 sinh động giới thiệu cho người dân trong và ngoài tỉnh bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số và một số hàng nông sản, hướng tới xây dựng Bác Ái trở thành không gian văn hóa Raglai đặc trưng của tỉnh gắn với phát triển du lịch.
Kha Hân