Tình trạng sụt giảm hoặc tăng trưởng thấp của ngành công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo có thể còn tiếp tục trọng thời gian tới, ảnh hưởng không nhỏ tới tăng trưởng của toàn nền kinh tế.
Tốc độ suy giảm sâu
5 tháng đầu năm 2023, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) giảm 2% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân khiến chỉ số IIP tăng thấp hoặc giảm ở một số địa phương là do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành khai khoáng và ngành sản xuất, phân phối điện giảm.
Tổng cục Thống kê chỉ ra, tốc độ tăng chỉ số IIP bắt đầu chậm lại từ quý IV/2022 (chỉ tăng 3%) và giảm trong các tháng đầu năm 2023. Đây là hiện tượng hiếm thấy và ngược chiều so với cùng kỳ nhiều năm trước đây (5 tháng năm nay giảm 2%, trong khi cùng kỳ năm 2022 tăng 8,1%).
Dây chuyền sản xuất gỗ MDF tại nhà máy của Công ty
Cổ phần Gỗ MDF Thanh Thành Đạt (Hà Tĩnh). Ảnh minh họa: TTXVN
Đáng chú ý, IIP giảm thấp diễn ra ở 2 ngành chủ yếu là: ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và ngành khai khoáng. Ngành là sản xuất và phân phối điện tăng nhẹ 0,8%; ngành cung cấp nước và hoạt động xử lý nước thải, rác thải tăng 6,4%. Tuy nhiên, 2 ngành này chiếm tỷ trọng nhỏ.
Sự sụt giảm hoặc tăng thấp của công nghiệp diễn ra ở nhiều tỉnh, thành phố. Cụ thể, 5 tháng đầu năm 2023, Quảng Nam giảm 36,7%; Bắc Ninh giảm 19,1%; Vĩnh Long giảm 16,6%; Sóc Trăng giảm 16,5%; Đà Nẵng giảm 4,8%; Hòa Bình giảm 4,6% so với cùng kỳ năm trước.
Lãnh đạo Tổng cục Thống kê cho biết, những diễn biến trên đã tác động tiêu cực đến việc thực hiện mục tiêu về giá trị tăng thêm của toàn ngành công nghiệp, đến tỷ trọng của công nghiệp chế biến, chế tạo, đến mục tiêu tăng trưởng GDP của toàn nền kinh tế.
Theo các chuyên gia kinh tế đánh giá, tình trạng này có thể còn tiếp tục trong những tháng tới, do nhiều yếu tố. Trước hết, là chỉ số sử dụng lao động của các doanh nghiệp công nghiệp. Toàn ngành giảm 3,5%; trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo giảm sâu hơn (3,7%). Một số ngành cụ thể còn giảm sâu hơn nữa, như: sản xuất giường, tủ, bàn, ghế; sản xuất kim loại; dệt, may; sản xuất da và các sản phẩm khác có liên quan; sản xuất vật liệu xây dựng…
Cùng với đó, so với cùng kỳ năm ngoái, số doanh nghiệp công nghiệp khởi nghiệp giảm 1,6%; số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động giảm 7,4%; số doanh nghiệp giải thể tăng 6,5%; số doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh tăng 20,3%; số doanh nghiệp tạm dừng hoạt động tăng 34,1%. Những doanh nghiệp đang hoạt động gặp rất nhiều khó khăn ở đầu ra.
Về sản xuất, những hạn chế của ngành công nghiệp tuy có cải thiện, nhưng chưa đáng kể. Công nghiệp hỗ trợ còn yếu; tính gia công, lắp ráp còn lớn; tỷ trọng doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo có trình độ kỹ thuật công nghệ cao còn thấp.
Đặc biệt, ở đầu ra, ngành công nghiệp nói chung và công nghiệp chế biến, chế tạo nói riêng vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Xuất khẩu một số sản phẩm công nghiệp giảm; trong đó, có một số mặt hàng giảm sâu hơn tốc độ chung hoặc những mặt hàng có kim ngạch lớn, như sợi dệt, sắt thép, gỗ và sản phẩm gỗ, điện tử, máy tính, điện thoại và linh kiện, dệt may, giày dép… Kim ngạch xuất khẩu giảm có phần do lượng sản xuất giảm, có phần do giá xuất khẩu giảm, có phần do địa bàn, do thị trường…
Ông Trần Quốc Mạnh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần sản xuất Thương mại Sài Gòn (SADACO) chia sẻ, thị trường chủ lực của SADACO là Mỹ và châu Âu nhưng cùng lúc cả hai thị trường này đều xảy ra lạm phát lớn và kéo dài đã khiến sức mua đồ gỗ tại ngày càng giảm sút.
Mức độ sụt giảm đơn hàng tăng lên và đỉnh điểm là trong hai tháng gần đây không có đơn hàng mới, hoạt động sản xuất của nhà máy gặp nhiều khó khăn. Điều này gây ra nhiều hệ lụy, khó khăn trong thời gian tới là doanh thu và tìm kiếm lao động. Bởi lao động trong ngành chế biến gỗ là lực lượng khó kiếm, khó giữ chân mà lại dễ mất vào các ngành nghề khác khi xảy ra biến động việc làm
Trước những khó khăn, hiện, hầu hết các doanh nghiệp đã có động thái đối phó tương ứng bằng cách giảm cả sản lượng, việc làm và hoạt động mua hàng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp đang kỳ vọng, quá trình hồi phục của ngành sản xuất sẽ diễn ra trong những tháng tới.
Cần các giải pháp để nhanh chóng phục hồi
Nhằm sớm tháo gỡ khó khăn về thị trường, vốn vay giúp doanh nghiệp phục hồi, từ đó góp phần hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng kinh tế đề ra, Bên lề Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn Đồng Nai) cho rằng, hiện sức chống chịu của doanh nghiệp rất yếu, đối với doanh nghiệp, vốn chính là máu. Mặc dù, có thời điểm Chính phủ yêu cầu ngân hàng giảm lãi suất, nhưng lãi suất hiện vẫn còn rất cao, trên 10% chưa thể đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp.
"Hệ thống ngân hàng, tổ chức tín dụng cần phải hết sức chia sẻ với doanh nghiệp. Vì nếu doanh nghiệp "sống tốt" thì mới tạo ra được các giá trị cho xã hội. Hơn bao giờ hết, cần phải có ưu tiên cho doanh nghiệp ở thời điểm này", đại biểu Trịnh Xuân An đề xuất.
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Đoàn Lạng Sơn) cho rằng, khó khăn của kinh tế toàn cầu là phép thử đối với sự chống chịu của kinh tế trong nước, nhưng cũng là cơ hội để sắp xếp, điều chỉnh chính sách như: chính sách thu hút đầu tư, xác định thế mạnh xuất khẩu, phát triển thị trường nội địa. Đây cũng là thời điểm để điều chỉnh giảm thời giờ làm việc, thời giờ làm thêm cho người lao động.
Còn theo đại biểu Trần Chí Cường (Đoàn Đà Nẵng), để phát huy tối đa hiệu quả các gói hỗ trợ, Chính phủ cần rà soát tất cả chính sách đã ban hành, nhất là chính sách trong phục hồi, phát triển kinh tế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội để xem đã phù hợp chưa.
Chẳng hạn như việc triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh thông qua ngân hàng thương mại vẫn khá thấp. Số tiền hỗ trợ khách hàng lũy kế từ đầu chương trình chỉ đạt khoảng 409 tỷ đồng. Nếu không gỡ thì nút thắt này sẽ trở thành hạn chế trong phát triển nguồn lực trong thời gian tới.
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5%, thách thức các quý tới là rất khó khăn. Hiện, Chính phủ đã ban hành nhiều nghị quyết, công điện, chỉ thị, giải quyết nhiều ách tắc, tháo gỡ nhiều vướng mắc khó khăn để thúc đẩy tăng trưởng.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận định, doanh nghiệp đang gặp 3 khó khăn chính là dòng tiền, thị trường và khả năng hấp thụ vốn. Doanh nghiệp nếu không có đơn hàng thì không thể vay vốn.
Thời gian tới, Chính phủ sẽ cố gắng tháo gỡ dòng tiền để doanh nghiệp có tiền trả nợ đến hạn, đóng thuế, trả lương cho nhân viên, dùng làm vốn lưu động... Còn một vấn đề nữa là tháo gỡ khó khăn về ách tắc thủ tục hành chính.
Bộ trưởng Dũng cho biết, hiện, nhiều địa phương chậm giải quyết các thủ tục hành chính kiến các doanh nghiệp kêu ca, phàn nàn. Điều này cản trở hoạt động doanh nghiệp, gây khó khăn, cản trở sự phát triển của nền kinh tế.
"Tình trạng cán bộ né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm làm chậm lại việc giải quyết công việc. Điều này làm khó khăn thêm cho nền kinh tế. Đề nghị các các địa phương nhanh chóng giải quyết các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, thúc đẩy sự phát triển kinh tế", Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh.
Theo TTXVN/Báo Tin tức