Những thành tựu trong sản xuất nông, lâm, thủy sản 6 tháng đầu năm vừa được công bố một lần nữa khẳng định vai trò to lớn của ngành này đối với đất nước.
Cụ thể, theo Tổng cục Thống kê, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản 6 tháng đầu năm 2011 theo giá so sánh 1994 ước tính đạt 107,1 nghìn tỷ đồng, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm trước.
Cùng thời gian, giá trị xuất khẩu ngành nông nghiệp lên tới 12 tỷ USD, tăng 38,7% so với cùng kỳ năm trước và chiếm tới hơn 28% trong tổng kim ngạch xuất khẩu 42,3 tỷ USD của cả nước.
Đặc biệt, việc sản lượng gạo, thịt gia súc, gia cầm, thủy sản vẫn tăng trong bối cảnh thời tiết diễn biến bất lợi (đợt rét đậm đầu năm), cộng thêm sự hoành hành của nhiều loại dịch bệnh, là hết sức có ý nghĩa với việc ổn định giá cả.
Đây cũng chính là những mục tiêu mà Nghị quyết 11 của Chính phủ đã đặt ra khi yêu cầu các cơ quan chức năng có biện pháp hỗ trợ, khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn, tăng xuất khẩu, tạo việc làm, thu nhập cho người lao động, bảo đảm an ninh lương thực.
Thực hiện chủ trương này, đến cuối tháng 5, tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và xuất khẩu tăng khoảng 25%, gấp hơn 3 lần tốc độ tăng trưởng tín dụng chung đối với nền kinh tế. Lãi suất cho vay đối với khu vực nông nghiệp nông thôn cũng ở mức thấp hơn mặt bằng chung.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng liên tục nắm sát tình hình và đưa ra những giải pháp tháo gỡ khó khăn, khuyến khích các mô hình sản xuất hiệu quả một cách kịp thời, Chẳng hạn, tìm cách giải quyết lượng cá tra quá lứa tồn đọng trong nông dân ĐBSCL, phát động phong trào xây dựng cánh đồng mẫu lớn sau mô hình thành công tại An Giang…
Hàng loạt chính sách mới
Nhằm tăng cường thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, mới đây, Bộ Tài chính đã cụ thể hóa một số chính sách tài chính để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư theo Nghị định số 61/2010/NĐ-CP ngày 04/6/2010 của Chính phủ.
Theo đó, bắt đầu từ ngày 1/8/2011, nhà đầu tư có dự án nông nghiệp ưu đãi đầu tư, dự án nông nghiệp khuyến khích đầu tư sẽ được ưu đãi thuê đất, hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề, nghiên cứu công nghệ mới, thực hiện dự án sản xuất thử nghiệm…
Trong khi đó, từ ngày 1/7, chính sách bảo hiểm nông nghiệp sẽ được áp dụng thí điểm đến hết năm 2013 theo Quyết định 315/QĐ-TTg. Việc thí điểm sẽ được thực hiện tại 21 tỉnh nhằm hỗ trợ cho người sản xuất nông nghiệp chủ động khắc phục và bù đắp thiệt hại do hậu quả của thiên tai, dịch bệnh gây ra.
Theo đó, Nhà nước sẽ hỗ trợ 100% phí bảo hiểm cho nông dân nghèo; hộ nông dân, cá nhân cận nghèo sản xuất nông nghiệp tham gia thí điểm BHNN được hỗ trợ 80% phí bảo hiểm.
Về khoa học – công nghệ, Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, giai đoạn 2011-2015 ngành nông nghiệp ưu tiên đầu tư cho nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học, tập trung chủ yếu vào công nghệ gen và công nghệ vi sinh vật nhằm tạo ra các giống cây trồng, vật nuôi, giống thủy sản, chế phẩm sinh học mới có năng suất, chất lượng cao.
Đầu tháng 6 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định Quyết định số 846/QĐ-TTg về việc thực hiện thí điểm đặt hàng một số sản phẩm khoa học và công nghệ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đối tượng thí điểm đặt hàng gồm giống cây trồng, giống vật nuôi, giống thủy sản mới, mẫu máy, thiết bị, công cụ sản xuất, sản phẩm, chế phẩm mới…
Một hoạt động đáng chú ý khác liên quan đến nông nghiệp, nông thôn là cuộc tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản bắt đầu được tiến hành từ ngày 1/7 trên phạm vi 63 tỉnh, thành trong cả nước, nhằm thu thập các thông tin cơ bản phục vụ đánh giá thực trạng và xu hướng phát triển của nông nghiệp, nông thôn Việt Nam.
Đây sẽ là cơ sở hết sức cần thiết để nhân rộng các mô hình thí điểm xây dựng nông thôn mới đang được tiến hành với nhiều kết quả nổi bật, từ đó mang lại một diện mạo mới cho nông nghiệp, nông thôn và nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.
Nguồn www.chinhphu.vn